Thủ tướng: 'Lúc đó không sĩ diện gì hết, miễn có vắc xin'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/01/2022 13:20 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ lại câu chuyện ngoại giao vắc xin như một minh chứng cho đường lối đối ngoại linh hoạt trong những hoàn cảnh cụ thể để đạt được mục tiêu.

Thành tích đáng tự hào và trân trọng

Sáng 22.1, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

gia hân

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ một nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, bao vậy cấm vận để hội nhập quốc tế sâu rộng, trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

“Đó là bước tiến rất dài, đổ rất nhiều công sức, thậm chí xương máu để có được”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Dẫn câu chuyện ngoại giao vắc xin trong phòng chống dịch thời gian qua, Thủ tướng cho biết, vào thời điểm chưa có vắc xin, chưa có thuốc, chưa hiểu nhiều về vi rút gây bệnh Covid-19 cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm chống dịch, chúng ta đã phải dùng biện pháp hành chính để chống dịch.

Tuy nhiên, khi thực hiện chiến lược vắc xin, trong đó có ngoại giao vắc xin, thì từ tháng 8.2021 mới có 300.000 liều vắc xin, tới tháng 10.2021 đã có 42 triệu liều và tới nay đã có tới gần 210 triệu liều.

“Chúng ta đã vận động tích cực để các nước, đối tác nhượng lại, mua, vay… Nói chung là làm tất cả biện pháp để có vắc xin. Báo cáo bác Khiêm (nguyên Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm - phóng viên), lúc đó không sĩ diện gì hết, miễn có vắc xin”, Thủ tướng chia sẻ.

Theo Thủ tướng, ngay khi có vắc xin, tích lũy được kinh nghiệm, Việt Nam đã ngay lập tức chuyển đổi trạng thái chống dịch sang thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

“Lúc đó, ý kiến khác nhau nhiều lắm, rồi nghi ngờ không biết đi đến đâu, như thế nào nhưng chúng ta đã giữ bản lĩnh, tiếp tục ngoại giao vắc xin. Đến nay, chúng ta đã có 210 triệu liều, là một trong số ít nước đạt độ phủ vắc xin rất cao. Cho tới lúc này, kết quả cho thấy việc chuyển đổi trạng thái chống dịch là đúng. Giờ đây, chúng ta bình tĩnh chúng dịch và khôi phục kinh tế, xã hội”, Thủ tướng phân tích và cho biết, đây là ví dụ cụ thể về đường lối đối ngoại linh hoạt trong hoàn cảnh cụ thể để đạt được mục tiêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi các chiến sĩ lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam

gia hân

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc chủ động tham gia và phát huy các vai trò ở cơ chế đa phương như Liên Hợp Quốc hay khu vực là ASEAN trong thời gian qua thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

"Trước đây chúng ta nhờ cộng đồng quốc tế giải quyết để có được hòa bình, độc lập, thống nhất, thoát khỏi sự bao vây cấm vận. Giờ chúng ta tham gia hòa giải, diễn đàn đa phương mang lại hòa bình, hợp tác phát triển cho các nước trong khu vực, thế giới. Sự chuyển đổi về chất rõ ràng, đó là đổi mới trong đối ngoại”, Thủ tướng nêu.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là những thành tích rất đáng tự hào, rất đáng trân trọng.

Đã phân bổ khoảng 450.000 liều thuốc Molnupiravir điều trị F0 Covid-19

Định hướng chiến lược quan trọng

Gợi mở về những nhiệm vụ của công tác đối ngoại đa phương trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các cơ quan làm công tác đối ngoại tiếp tục giữ vai trò, tiên phong, đi trước mở đường, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào công cuộc giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước trong tình hình mới.

“Đối ngoại đa phương là một định hướng chiến lược quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các cơ quan ngoại giao cần triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại đa phương trên tất cả lĩnh vực, nhất là thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự triển lãm các hoạt động của Việt Nam trong 2 năm đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

gia hân

Ông cũng yêu cầu cần tiếp tục đóng vai trò nòng cốt dẫn dắt, hòa giải, định hình luật chơi tại các diễn đàn đa phương phù hợp điều kiện cho phép thông qua đăng cai các tổ chức lớn, ứng cử đảm nhiệm vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế, chủ động đề xuất các sáng kiến, tạo dấu ấn tích cực, nâng cao vị thế, giá trị Việt Nam trong quan hệ với các nước.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao nghiên cứu để Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong 10 - 15 năm tới và đề xuất sáng kiến các diễn đàn đa phương khác ngoài những diễn đàn đã có sẵn.

Thủ tướng cũng đề nghị, các hoạt động đối ngoại cần triển khai trên cơ sở "tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe, hợp tác, hiệu quả và cùng phát triển".

Từ đó, tạo cơ sở tranh thủ nguồn lực quốc tế, góp phần thực hiện khát vọng phát triển bền vững đất nước. Trước mắt, ưu tiên cho tiếp cận triển khai chiến lược vắc xin và thuốc điều trị, tư vấn chính sách, ngoại giao khí hậu, ngoại giao y tế, ngoại giao năng lượng, ngoại giao số...

Nhắc lại kinh nghiệm trong triển khai ngoại giao vắc xin, Thủ tướng cho biết, vừa qua ngoại giao vắc xin rất hiệu quả, “ai cũng phải thừa nhận", "không thể không thừa nhận được”.

Thủ tướng dẫn chứng, trong 210 triệu liều vắc xin chúng ta đã tiếp nhận thì có tới gần 1 nửa là vắc xin từ nguồn viện trợ qua các cơ chế đa phương và song phương.

Thủ tướng cũng lưu ý cần phải kiên trì, kiên định, kiên quyết, kiên nhẫn giữ vững bản lĩnh, cũng như các vấn đề có tính chất nguyên tắc, nhất là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nhưng hài hòa, hợp lý với các nước trên thế giới, khu vực.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.