Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ trao giải KH-CN toàn cầu VinFuture lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội tối nay 20.1.
Sự kiện khoa học tầm cỡ thế giới này được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và phát trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số của VTV, VinFuture, các kênh truyền thông quốc tế như CNN, CNBC, Euronews và TechNode.
Chúng ta bình yên, an toàn là nhờ các nhà khoa học
Thay mặt lãnh đạo Đảng Nhà nước dự lễ trao giải, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chào mừng các nhà khoa học nổi tiếng thế giới đã đến Việt Nam tham dự lễ trao giải VinFuture, và chúc mừng chủ nhân của các giải thưởng mùa đầu tiên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ trao giải VinFuture |
T.H |
Nhắc lại câu chuyện về đại dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, trong 2 năm qua, dịch bệnh gây tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân và các quốc gia trên toàn cầu. Trong thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh, cả nhân loại đặt niềm tin hy vọng, trông chờ vào các nhà khoa học để tìm ra vắc xin, thuốc chữa phòng chống dịch.
“Vắc xin được ví như lá chắn thép của nhân loại để vượt qua đại dịch Covid-19. Cả thế giới biết ơn, ngưỡng mộ các nhà khoa học, những người đã thực hiện xứ mệnh cao cả của mình. Chúng ta có mặt ở đây bình yên, an toàn cũng chính nhờ các nhà khoa học, nhờ có vắc xin và thuốc đặc trị”, Thủ tướng ghi nhận.
Theo Thủ tướng, trong lịch sử phát triển của loài người, phát minh của những nhà khoa học đã làm thay đổi thế giới. Trong hành trình gian nan đam mê nghiên cứu, khát vọng cống hiến cho nhân loại đã có nhiều nhà khoa học phải gánh chịu những hậu quả nặng nề trong khi tiến hành các thử nghiệm khoa học, thậm chí có người còn bị thiệt mạng hay mang thương tật suốt đời như: Galileo bị mù mắt do quan sát mặt trời quá nhiều để phát minh ra kính thiên văn; Marie Curie qua đời vì nghiên cứu phóng xạ; Michael Faraday bị nhiễm độc hóa chất do nghiên cứu điện phân…
“Tôi muốn nói điều này để chúng ta thấu hiểu sự gian nan, vất vả, hy sinh quên mình của các nhà khoa học và còn những khó khăn, thách thức khác không thể cân đo đong đếm được”, ông nói.
Dẫn lại câu nói của triết gia người Thụy Sĩ Henri Amiel, rằng “Xã hội tồn tại nhờ niềm tin và phát triển nhờ khoa học”, theo Thủ tướng, ở góc nhìn khác đó là xã hội có niềm tin nhờ khoa học. Dịch bệnh Covid-19 là minh chứng điều đó, từng ngày, từng giờ nhân loại sống với niềm tin về các nhà khoa học sẽ tìm ra vắc xin, thuốc đặc trị.
Theo Thủ tướng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều rất chú trọng phát triển KH-CN, đặc biệt là các nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao, góp phần mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
“Hôm nay chúng ta tôn vinh những công trình đoạt giải thưởng là tôn vinh những giá trị khoa học đóng góp cho nhân loại, tôn vinh những nhà khoa học đã ngày đêm nghiên cứu bằng trí tuệ vượt trội, trái tim nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho loài người. Chúng ta cũng ghi nhận, đánh giá cao những doanh nhân với khát vọng hội tụ các nhà khoa học là được cống hiến những giá trị tốt đẹp nhất cho nhân loại”, Thủ tướng bày tỏ.
Sứ mệnh của VinFuture là tôn vinh các nhà khoa học
Chia sẻ với các nhà khoa học quốc tế về định hướng phát triển KH-CN tại Việt Nam, Thủ tướng cho biết phát triển KH-CN được coi là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội.
Nhà nước đang đẩy mạnh thiết kế cơ chế chính sách, cụ thể hóa đường lối của Đảng, thúc đẩy huy động nguồn lực đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp, xã hội và nhân dân vào cuộc đưa KH-CN trở thành mục tiêu quan trọng, góp phần phát triển đất nước hùng cường và thịnh vượng. Đồng thời, việc thúc đẩy KH-CN, đổi mới sáng tạo còn là chủ trương lớn để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Thủ tướng thông tin Chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, trong đó bao gồm thể chế huy động nguồn lực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, các chương trình hợp tác công - tư để tạo sức mạnh tổng hợp làm thay đổi xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải thưởng chính cho 3 "người hùng" phát triển vắc xin Covid-19 |
T.H |
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá, tạo môi trường thông thoáng để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, người dân, các nhà khoa học trong nước, quốc tế tham gia thực hiện mục tiêu phát triển KH-CN, chuyển đổi số để phát triển đất nước và đóng góp hiệu quả cho cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam luôn trân trọng, trân quý tôn vinh các nhà khoa học chân chính đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của nhân loại. Sứ mệnh của Giải thưởng VinFuture chính là cổ vũ, tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường sống bền vững cho cá thế hệ tương lai. Hàng triệu triệu người trên thế giới có thể sẽ được hưởng lợi từ những công trình khoa học được xướng tên ngày hôm nay”.
Ông đồng thời hoan nghênh và đánh giá cao Tập đoàn Vingroup đã nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển Quỹ VinFuture nhằm tôn vinh giá trị của khoa học trên phạm vi toàn cầu.
“Cuộc hội tụ ngày hôm nay là hội tụ của trí tuệ, của khát vọng cống hiến, của tình hữu nghị, của tinh thần hợp tác, kết nối, của những giá trị tốt đẹp cho nhân loại. Tôi mong chờ những bước phát triển mới trong việc ứng dụng các nghiên cứu của quý vị tại Việt Nam”, Thủ tướng nhìn nhận.
Giải thưởng VinFuture được trao bởi quỹ VinFuture, do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương sáng lập. Quỹ có sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người.
Lễ trao giải thưởng VinFuture hội tụ nhiều tên tuổi kiệt xuất thế giới và công bố những sáng kiến, phát minh có tác động lên hàng triệu người sẽ đưa VN trở thành tâm điểm của giới khoa học, thu hút sự chú ý của thế giới đến với VN.
Hội đồng giải thưởng gồm các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã tìm ra chủ nhận của Giải thưởng VinFuture mùa đầu tiên trị giá 70 tỉ đồng (3 triệu USD) được trao cho 3 nhà khoa học GS Katalin Kariko, GS Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Rutter Cullis (Canada) với công nghệ vắc xin mRNA cứu sống tỉ người. Nhờ công nghệ mRNA đã mở đường tạo ra loại vắc xin ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả.
3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 11,5 tỉ đồng (500.000 USD Mỹ), gồm: Giải thưởng nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới được trao cho GS Omar M. Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong trong việc khám phá và phát triển vật liệu khung hữu cơ-kim loại (MOFs) có tiềm năng cải thiện cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người. Giải thưởng nhà khoa học nữ được trao cho GS Zhenan Bao (Mỹ) với công trình nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt các ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng.
Giải nhà khoa học từ các nước đang phát triển được trao cho cặp vợ chồng GS Quarraisha Abdool Karim và Salim Abdool Karim (Nam Phi) với công trình nghiên cứu ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh nhân AIDS.
Bình luận (0)