Thủ tướng: Ồ ạt làm BOT, vỡ quy hoạch, nhiều vi phạm

18/11/2017 15:36 GMT+7

Thủ tướng thừa nhận trước Quốc hội tình trạng nhức nhối của BOT và hứa sẽ quyết liệt chấn chỉnh, khắc phục, rút kinh nghiệm trong phiên chất vấn chiều nay 18.11.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt câu hỏi: “Thủ tướng đánh giá như thế nào về các dự án BOT. Giải pháp gì để chấn chỉnh, đảm bảo hiệu quả, tránh bức xúc cho người dân?”

Thủ tướng cho biết, vai trò và tầm quan trọng của xã hội nguồn lực trong đầu tư hạ tầng đã được Nghị quyết Trung ương khoá 13 khẳng định. Thời gian qua, Việt Nam đã có bước phát triển tốt vượt bậc, đặc biệt lĩnh vực giao thông, huy động xã hội hoá BOT 200.000 tỉ đồng. Nhưng Thủ tướng cũng thừa nhận qua giám sát tối cao của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã nêu: Thứ nhất, triển khai BOT còn nhiều bất cập, quy hoạch chưa làm tốt, triển khai ồ ạt, có những tuyến đường gây dư luận bất bình, bức xúc, số trạm và km, giá phí chưa hợp lý… “Cơ chế, chính sách về BOT còn nhiều bất cập, đặc biệt thiếu giám sát, thiếu kiểm tra nên có nhiều sai phạm xảy ra”, Thủ tướng khẳng định.

Trong thời gian tới, theo Thủ tướng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật. Đặc biệt, cần triển khai đấu thầu rộng rãi, không phải chỉ định thầu làm ảnh hưởng đến hiệu quả. 

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo gửi đến Quốc hội về các dự án quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư của Bộ Giao thông vận tải (dự án BOT giao thông).

Tính đến hết tháng 9.2017, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán 22 dự án BOT, trong đó nổi bật là kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng tại 22 dự án, tương ứng giảm doanh thu 22.237,6 tỉ đồng.

Cũng theo kết quả báo cáo, Kiểm toán Nhà nước phát hiện có 6 trong số 52 trạm thực hiện thu phí trước 14 năm 6 tháng, trong khi chưa đủ điều kiện thu phí, thu phí trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.

Cùng với đó, toàn quốc có 31 trong tổng số 87 trạm thu phí trên cùng tuyến không đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 trạm 70 km.

Ngày 10.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế -xã hội năm 2018. Quốc hội yêu cầu thực hiện rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật gây mất trật tự an toàn xã hội. Đồng thời hoàn chỉnh hệ thống pháp lý và ban hành chính sách mới nhằm quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công tư nói chung và hình thức BOT, hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) nói riêng. Nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, báo cáo Quốc hội...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.