Cần xứng đáng với truyền thống phụng sự dân tộc
Hôm nay 16.11, Trường ĐH Y Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm thành lập. Đây là trường ĐH đầu tiên của Việt Nam trong thời kỳ hiện đại, là cơ sở đào tạo duy nhất của nước ta mà lịch sử hình thành và phát triển của nó gắn liền với lịch sử của nền y học Việt Nam hiện đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng nhiều thế hệ thầy trò của trường dự lễ kỷ niệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập Trường ĐH Y Hà Nội |
Hữu Linh |
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng cho rằng, có hai nghề luôn được xã hội coi trọng gọi bằng thầy, đó là thầy thuốc và thầy giáo. Các thầy cô Trường ĐH Y Hà Nội là những người đặc biệt, mang trong mình sứ mệnh của cả hai người thầy, vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo. Đây là niềm tự hào nhưng cũng đầy trách nhiệm, vất vả của các thầy cô và cán bộ ở ngôi trường danh giá và giàu truyền thống lịch sử này.
“Hôm nay, lại vừa là ngày kỷ niệm 120 năm thành lập Trường ĐH Y Hà Nội, một trường có bề dày lịch sử hào hùng, đáng tự hào của đất nước, của ngành y, vừa kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Hai sự kiện này hoà quyện trong nhau…
Tôi rất vinh dự được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, xin gửi tới các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội và các quý vị đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, trong sự kiện trọng đại này. Tôi xin nhấn mạnh là tôi rất lấy làm vinh dự”, Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm phòng truyền thống của Trường ĐH Y Hà Nội |
Hữu Linh |
Sau khi điểm lại một số thành tựu mà các thế hệ Trường ĐH Y Hà Nội đạt được trong hơn một thế kỷ qua, cùng với các tên tuổi nổi tiếng trong nước và quốc tế như các giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Đặng Văn Ngữ, các bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Đặng Thùy Trâm…, Thủ tướng chia sẻ sự đồng tình với lãnh đạo nhà trường hiện nay trong việc quyết tâm tiếp tục nâng cao tầm vóc của nhà trường.
“Tôi cũng rất đồng tình với sứ mạng, tầm nhìn “Không ngừng phấn đấu tạo ra các sản phẩm đào tạo, khoa học công nghệ và dịch vụ y tế tinh hoa, xứng đáng với truyền thống lịch sử hơn một thế kỷ phụng sự dân tộc; là trường ĐH nghiên cứu ngang tầm với các trường ĐH y khoa hàng đầu ở châu Á” và triết lý giáo dục “Đổi mới, sáng tạo và hội nhập” của Trường ĐH Y Hà Nội”, Thủ tướng cho biết.
Xây dựng, phát triển thương hiệu “ĐH Y Hà Nội”
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để Trường ĐH Y Hà Nội xứng đáng với tầm vóc ĐH tinh hoa, thầy và trò nhà trường phải tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó trước hết luôn đề cao và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ là “Thầy thuốc như mẹ hiền” và lời thề Hippocrates.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc của Trường ĐH Y Hà Nội |
Hữu Linh |
Không ngừng cải tiến chương trình, phương pháp giảng dạy, đào tạo gắn với thực hành, đổi mới sáng tạo. Phát huy tốt vai trò là trung tâm đào tạo và nghiên cứu y khoa hàng đầu của Việt Nam trong các mũi nhọn y học hiện đại; các nghiên cứu về chăm sóc sức khoẻ cộng đồng…
Trường cần đẩy mạnh tự chủ ĐH, sớm trở thành ĐH Khoa học sức khỏe có nhiều trường thành viên. Có chiến lược đào tạo nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức của đội ngũ giảng viên. Chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo y bác sĩ chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tổng kết mô hình viện - trường; tiếp tục mở rộng hệ thống bệnh viện thực hành phù hợp, phục vụ công tác khám chữa bệnh và tăng cường năng lực đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đẩy mạnh hợp tác công - tư và huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội. Có giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu “ĐH Y Hà Nội”.
Thủ tướng nhận xét: “Trường ĐH Y Hà Nội thực sự có thương hiệu, không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà ở cả khu vực. Cho nên phải phát huy thương hiệu ĐH Y Hà Nội. Khi xây dựng chính sách, xây dựng sự hợp tác, ngoài các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực sẵn có, thì thương hiệu ĐH Y Hà Nội cũng phải được tính toán đến. Nghĩa là ngoài các yếu tố vật thể thì phải tính tới các yếu tố phi vật thể, để nâng cao giá trị thương hiệu Trường ĐH Y Hà Nội”.
Thủ tướng cũng yêu cầu trường tiếp tục xây dựng các trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu tầm quốc gia phục vụ mục tiêu chiến lược của ngành y tế. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế, địa phương trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn và tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế.
Trường ĐH Y Hà Nội ra đời ngày 8.1.1902, trong bối cảnh hết sức đặc biệt của đất nước. Bác sĩ Alexandre Yersin, nhà khoa học lớn, người tìm ra nguyên nhân gây bệnh dịch hạch năm 1894 tại Hồng Kông, là hiệu trưởng đầu tiên của trường.
Những năm đầu của thế kỷ trước, ở nước ta Nho học vẫn còn đang phổ biến, nhưng những sinh viên thế hệ đầu tiên của Trường ĐH Y Hà Nội đã phải tiếp cận nền giáo dục phương Tây, họ đã phải “du học tại chỗ” trong điều kiện sơ khai và đầy khó khăn. Song với tinh thần dân tộc cao, họ đã sẵn sàng đổi mới để tiếp thu, ứng dụng và truyền bá các thành tựu khoa học y học hiện đại để bồi đắp thêm cho nền y học nước nhà.
Tại lễ kỷ niệm, GS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết tập thể lãnh đạo nhà trường đã xác định được mô hình ĐH Y Hà Nội tương xứng với vị thế mà trường đã đạt được trong lịch sử phát triển ngành y Việt Nam.
Đó là thiết lập một chiến lược trong đào tạo là giữ nguyên và dần giảm chỉ tiêu đào tạo bậc ĐH, tập trung đào tạo chuyên khoa sau ĐH, đào tạo đội ngũ tinh hoa cho nền y học nước nhà. Tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ. Phấn đấu tỷ trọng nguồn thu về khoa học và công nghệ cũng như dịch vụ y tế sẽ chiếm phần lớn trong nguồn ngân sách của nhà trường.
GS Văn cho rằng Trường ĐH Y Hà Nội cần phải có nhiều bệnh viện hơn để phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phù hợp với thực tiễn trên thế giới là bệnh viện của trường ĐH y bao giờ cũng là bệnh viện to nhất, hiện đại nhất và công nghệ cao nhất ở mỗi quốc gia.
Bình luận (0)