Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật: Củng cố quan hệ đối tác chiến lược trong 'bình thường mới'

23/11/2021 19:30 GMT+7

Hợp tác kinh tế và hợp tác an ninh biển là hai chủ đề quan trọng dự kiến được thảo luận trong cuộc gặp giữa hai thủ tướng Việt - Nhật, nhằm tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đang có chuyến thăm cấp cao tới Nhật Bản, dự kiến kéo dài 4 ngày (22-25.11). Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Nhật Bản tiếp đón kể từ khi Thủ tướng Kishida Fumio lên nắm quyền hồi đầu tháng 10.

Các quan chức Nhật Bản đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam

VGP

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản, mang đến những động lực mới cho hợp tác giữa hai nước khi cả hai bắt đầu triển khai các biện pháp để “thích nghi an toàn với Covid-19”.

Chuyến thăm diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đến Hà Nội hồi tháng 9, và hai nước đã ký kết một thỏa thuận quan trọng về việc chuyển giao trang bị và công nghệ quốc phòng. Một năm trước, cựu Thủ tướng Suga Yoshihide cũng chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức.

“Trong bối cảnh đại dịch, hoạt động ngoại giao và thăm viếng nước ngoài của các lãnh đạo có nghĩa là hai bên đều kỳ vọng cao vào nhau và có thể mang đến những kết quả giúp cải thiện quan hệ cá nhân lẫn ngoại giao giữa hai bên”, tiến sĩ Ishida Yasuyuki, nhà nghiên cứu phụ trách an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA) ở Tokyo, nói với Thanh Niên.

“Những chuyến thăm cho thấy sự phát triển của mối quan hệ đối tác Việt - Nhật. Hai nước đã mở rộng hợp tác không chỉ trong lĩnh vực địa chính trị mà còn cả địa kinh tế và an ninh kinh tế, bao gồm hệ thống chuỗi cung ứng”, ông đánh giá.

Hợp tác kinh tế là tâm điểm

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản vào ngày 24.11. Hai bên dự kiến trao đổi về nhiều vấn đề từ kế hoạch phục hồi sau đại dịch, hợp tác thương mại - đầu tư, nguồn nhân lực cho đến hợp tác chính trị - an ninh.

Hiện tại, Nhật Bản là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam (23,76 tỉ USD tính đến tháng 12.2019 – chiếm gần 25% tổng vốn ODA quốc tế cho Việt Nam), trong khi đứng thứ hai về đầu tư, thứ ba về lượng du khách và thứ tư về thương mại tại Việt Nam. Cả hai đều là thành viên sáng lập của các khuôn khổ thương mại tự do quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Hợp tác kinh tế có thể xem là tâm điểm của chuyến thăm lần này. Trong hai năm qua, cùng với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các chính sách kiểm soát dịch bệnh đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Nhật đang đầu tư tại Việt Nam. Để góp phần tháo gỡ khó khăn và tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc gặp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Liên đoàn Kinh doanh Nhật Bản (Keidanren) cũng như các công ty lớn của Nhật trong lĩnh vực năng lượng, giao thông, y tế và thương mại. Thủ tướng cũng sẽ tham dự Diễn đàn Kinh doanh Việt - Nhật tại Tokyo và một hội nghị xúc tiến đầu tư tại tỉnh Tochigi.

Giới quan sát bày tỏ tin tưởng vào sự hồi phục quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước hậu đại dịch, trong bối cảnh những lời kêu gọi về việc dịch chuyển sản xuất nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã gây chú ý suốt hai năm qua.

Tiến sĩ Nagao Satoru, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Viện Hudson, nói với Thanh Niên: “Việt Nam có nguồn nhân công chất lượng cao, tình hình chính trị ổn định và chi phí lại không quá cao cho các công ty Nhật Bản có ý định dịch chuyển nhà máy”.

Một lĩnh vực hợp tác nổi bật nhiều năm qua giữa hai nước là nguồn nhân lực trong bối cảnh dân số Nhật ngày càng già đi. Hiện Việt Nam đứng đầu về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với khoảng 220.000 người.

Tăng cường hợp tác an ninh biển

Tăng cường hợp tác về an ninh biển cũng được cho là chủ đề quan trọng mà Tokyo muốn thảo luận trong chuyến thăm lần này, giữa lúc chính quyền mới tại Nhật muốn tiếp tục thúc đẩy chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ thời Thủ tướng Abe Shinzo. Trong một cuộc phỏng vấn được báo chí đăng tải mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho biết hai thủ tướng “có thể sẽ xây dựng các chiến lược hợp tác để góp phần duy trì hòa bình và ổn định trên các tuyến thương mại hàng hải toàn cầu đi qua châu Á, bao gồm Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Đối với Nhật Bản, Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng hàng đầu tại khu vực, “đóng vai trò chủ chốt trong ASEAN cũng như trong lĩnh vực an ninh biển”, theo tiến sĩ Ishida. Thủ tướng Kishida, người từng là bộ trưởng ngoại giao lẫn bộ trưởng quốc phòng, có nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, bao gồm chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Thủ tướng Kishida sẽ tiếp tục chiến lược này để hiện thực hóa tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, để ủng hộ vai trò trung tâm và gắn kết của ASEAN trong hợp tác với nhóm Bộ Tứ. Vì vậy, Nhật Bản có thể muốn Việt Nam hiểu và làm việc cùng nhau trong nỗ lực này”, ông Ishida nói với Thanh Niên.

Hồi tháng 9, trong chuyến công tác tại Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, hai bên đã ký kết thỏa thuận về việc chuyển giao trang bị và công nghệ quốc phòng. Đây được xem là một bước tiến trong hợp tác an ninh giữa hai nước.

“Dựa trên thỏa thuận này, Tokyo sẽ sẵn sàng cam kết về việc cung cấp những năng lực thực chất và vững chắc hơn, mang đến không chỉ kỹ năng và kiến thức mà còn cả những công nghệ và thiết bị quốc phòng như tàu hải quân”, ông Ishida nhìn nhận.

Tiến sĩ Nagao cho rằng thỏa thuận nói trên là cần thiết để đưa hợp tác an ninh giữa hai nước tiến thêm một bước. Trong quá khứ, Nhật đã cung cấp tàu tuần tra và chuyển giao công nghệ trục vớt tàu ngầm cho Việt Nam. Giờ đây, Nhật muốn tặng hoặc bán tàu hải quân cho Việt Nam.

“Trong mắt Tokyo, một nước Việt Nam mạnh chính là lợi ích của Nhật”, ông Nagao nhấn mạnh.

Trong cuộc gặp ngày 23.11, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi đã trao đổi về hợp tác quốc phòng và các mối quan tâm chung trong đó có vấn đề Biển Đông. Hai bên đồng thời nhất trí cùng nhau đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định của khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Hai bộ trưởng cũng chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về an ninh mạng và quân y.

Ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản:

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đang triển khai chiến lược, chính sách “thích ứng an toàn” nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chuẩn bị cho “bình thường mới” những năm tới. Đây là cơ hội rất tốt để lãnh đạo hai nước trao đổi những biện pháp nhằm tăng cường quan hệ đối tác.

Trọng tâm hàng đầu vẫn là kinh tế, thương mại và đầu tư. Mặc dù khó khăn, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là điểm đến hàng đầu tại khu vực đông Nam Á. Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm cũng có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam. Do đó, tôi trông chờ các doanh nghiệp của hai nước sẽ ký kết được nhiều hợp đồng hợp tác, kinh doanh. Về hợp tác an ninh, Việt Nam và Nhật Bản có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định tại các vùng biển xung quanh, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không tiến hành các hoạt động quân sự hóa, không làm phức tạp thêm tình hình.

Lam Vũ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.