Thủ tướng phát lệnh khởi công sân bay Long Thành

Mai Hà
Mai Hà
05/01/2021 10:46 GMT+7

Sáng nay, 5.1, tại Long Thành (Đồng Nai), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1, dự án thành phần 3.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành là dự án đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khi kết cấu hạ tầng tốt, hiện đại, kinh tế mới phát triển, mới có thể kéo đại bàng đến làm tổ lâu dài. Vì vậy, Chính phủ luôn chú trọng việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hàng không.
Cũng theo Thủ tướng, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), từ nay đến 2030, Việt Nam là 1 trong các quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương. Nhu cầu hành khách, hàng hoá qua đường hàng không ngày càng lớn trong khi hạ tầng chưa được cải thiện là điểm nghẽn cho phát triển. Nhiều sân bay đặc biệt là Nội Bài, Tân Sơn Nhất thường xuyên quá tải, ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác.
"Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trong top 16 dự án cảng hàng không được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng, cũng là dự án hạ tầng có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Theo một đánh giá của tổ chức Úc, sau khi hoàn thành, Long Thành có thể đóng góp từ 3 - 5% GDP", Thủ tướng cho hay.
Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực của Hội đồng thẩm định nhà nước, vai trò của Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tỉnh Đồng Nai… trong việc đẩy nhanh tiến độ thủ tục cũng như giải phóng mặt bằng cho dự án.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Uỷ ban quản lý vốn tiếp tục chỉ đạo ACV triển khai dự án đúng quy định pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng, đúng thiết kế phê duyệt, không gây thất thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các chủ đầu tư các dự án thành phần còn lại gồm Bộ GTVT, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đảm bảo đúng thủ tục đầu tư, khởi công đúng tiến độ, kịp thời đồng bộ đưa dự án Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác cuối 2025.
Ngoài ra, Đồng Nai, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng sớm xây dựng kết nối với sân bay Long Thành, gồm 3 tuyến đường bộ và 2 tuyến đường sắt. 
Nhấn mạnh đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Long Thành - Dầu Giây... những tuyến này cùng sân bay Long Thành mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế thiên về dịch vụ tại vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương liên quan nghiên cứu phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội phát huy tương xứng với sân bay Long Thành, tăng trưởng mạnh dịch vụ, kể cả dịch vụ sân bay, thu hút việc làm, đóng góp cho nền kinh tế.
"Ngoài ra, 22 sân bay còn lại của ACV đang quản lý cũng phải tiếp tục nâng cấp, hệ thống sân bay cả nước phải đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam hùng cường", Thủ tướng lưu ý.

Đơn vị công binh sẽ thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn khu vực xây dựng sân bay

Ảnh ACV

Mục tiêu xây dựng Cảng HKQT Long Thành là đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của H.Long Thành (Đồng Nai). Dự án có diện tích 5.000 ha, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050 ha; diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200 ha.

Phối cảnh bên trong nhà ga hành khách sân bay Long Thành

Ảnh M.H

Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng, tương đương 16,03 tỉ USD, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành, Cảng HKQT Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 109.111 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.
Ngày 11.11.2020, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1777/QĐ-TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo đó, dự án được phân chia thành 4 dự án thành phần, bao gồm:
Dự án thành phần 1 - Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước;
Dự án thành phần 2 - Các công trình phục vụ quản lý bay;
Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không;
Dự án thành phần 4 - Các công trình khác.
Trong đó, dự án thành phần 3 được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - (ACV) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của ACV.
ACV đã xây dựng kế hoạch thi công. Cụ thể:
- Ngày 5.1 khởi công dự án thành phần 3 và triển khai các hạng mục rà phá bom mìn, xây dựng tường rào, san lấp mặt bằng, dự kiến giải ngân khoảng 6.000 tỉ đồng trong năm 2021.
- Từ tháng 1.2021-9.2021: Triển khai công tác thiết kế kỹ thuật.
- Từ tháng 7.2022: Xây dựng nhà ga hành khách.
- Từ tháng 8.2022: Xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.
- Từ tháng 12.2025: Hoàn thành các hạng mục công trình và đưa Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.