Ngày 28.2, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 205/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.
Phát triển đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế
Theo đó, khu vực quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính H.Cam Lâm, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 54.719,4 ha, không bao gồm diện tích đầm Thủy Triều.
Mục tiêu là xây dựng và phát triển Cam Lâm trở thành cực tăng trưởng phía nam tỉnh Khánh Hoà và vùng Nam Trung bộ, góp phần sớm đưa Khánh Hoà lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng thời, tại đây phát triển đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế; trọng điểm dịch vụ du lịch biển, logistics; dịch vụ tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu; trung tâm quốc tế về giáo dục, y tế, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới; đô thị có môi trường sống chất lượng cao; có hạ tầng đồng bộ và hiện đại.
Bên cạnh đó, xây dựng Cam Lâm thành đô thị có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho quốc gia.
Phát triển theo 4 trục động lực
Đô thị mới Cam Lâm được phát triển theo 4 trục động lực, gồm: Trục hành lang cao tốc Bắc - Nam: liên kết cảng Cam Ranh, sân bay Cam Ranh với hệ thống giao thông - hạ tầng quốc gia; trọng tâm phát triển các đầu mối trung chuyển, dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận tải thông minh đa phương tiện.
Trục ven biển Bãi Dài: liên kết từ sân bay Cam Ranh đến TP.Nha Trang; trọng tâm phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí biển - đảo.
Trục cảnh quan nước: Liên kết không gian nước từ vịnh Cam Ranh, qua đầm Thủy Triều đến sông Trường, suối Cầu, suối Cát...; trọng tâm bảo vệ nguồn nước, duy trì bền vững cấu trúc hệ thống thủy văn, phát triển đa dạng sinh học, xây dựng cảnh quan xanh hấp dẫn mang đặc trưng bản địa, gìn giữ vệ sinh môi trường, phát triển mô hình “đô thị du thuyền”.
Cuối cùng là trục trung tâm đô thị: Từ cửa ngõ đô thị đến trung tâm khu vực Bãi Dài, trọng tâm phát triển tập trung các chức năng mũi nhọn cấp vùng và cấp đô thị.
Ngoài ra, đô thị mới Cam Lâm phát triển theo hướng tập trung, hình thành 4 khu trung tâm mới, gồm: Khu trung tâm tổng hợp cấp vùng tại TT.Cam Đức, gắn với trục trung tâm đô thị, phát triển mới trung tâm hành chính - chính trị cấp đô thị; trung tâm tài chính - thương mại - dịch vụ, không gian giao lưu văn hóa quốc tế; trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cấp vùng, phối hợp với khu đô thị hỗn hợp mật độ cao.
Đối với không gian ven biển: Hành lang bảo vệ bờ biển Bãi Dài được bảo tồn theo quy định. Không gian bãi biển ưu tiên khai thác phục vụ mục đích công cộng, đảm bảo quyền tiếp cận của cộng đồng. Xây dựng tuyến đường dạo ven biển kết hợp hành lang kỹ thuật. Phát triển dải ven biển trên nguyên tắc đảm bảo chỉ giới xây dựng, đường giới hạn chiều cao xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên được xác định tại quy hoạch phân khu.
Đối với đầm Thủy Triều: Bảo tồn mạng lưới sông suối dẫn nước đến đầm; nghiên cứu triển khai giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng môi trường nước toàn lưu vực.
Cải tạo chu vi đầm Thủy Triều, bố trí dải công viên đường dạo công cộng xung quanh mặt nước. Phát triển đô thị ven đầm theo mô hình “đô thị du thuyền”, dịch vụ giải trí kết hợp cải thiện mặt nước tự nhiên và nhân tạo.
Xây dựng kênh Thủy Triều gắn với bến du thuyền quốc tế tại bờ biển Bãi Dài, với chức năng kết nối giao thông thủy giữa đầm Thủy Triều và biển Đông, tạo hình ảnh mang tính thương hiệu cho đô thị du lịch. Công trình cần được lập dự án riêng, nghiên cứu, thiết kế, kiểm soát đặc biệt cẩn trọng, nhằm đảm bảo các điều kiện: Không tạo ra sự trao đổi nước giữa đầm và biển, gây ra xáo trộn quy luật của hệ sinh thái hiện hữu...
Bình luận (0)