Báo cáo một số vấn đề tại phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sáng 8.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh là vấn đề quan trọng, góp phần khơi thông nguồn lực, được cử tri đặc biệt quan tâm.
Một số quy định không còn phù hợp, chậm sửa đổi
Theo Thủ tướng, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc, cả về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện.
Thủ tướng khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã tập trung triển khai nhiệm vụ này và cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền, ban hành kịp thời các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là về tài khoá, tiền tệ, xử lý vướng mắc của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Báo cáo của Thủ tướng gửi tới Quốc hội cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian gần đây phục hồi tích cực; tính chung 10 tháng phát hành mới khoảng 184.800 tỉ đồng, mua lại trước hạn khoảng 193.200 tỉ đồng…
Tuy vậy, Thủ tướng thừa nhận, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu, một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung.
Thủ tục hành chính đối với sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà. Quy trình, thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới...
Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình biến động nhanh, dẫn đến một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách chưa kịp sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong khi quy trình ban hành, sửa đổi, bổ sung còn qua nhiều khâu, nhiều cấp.
Cùng đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm, trong đó người đứng đầu có lúc, có nơi còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, chưa thực sự vì lợi ích chung…
Giải quyết vướng mắc pháp lý về đất đai, nhà ở...
Để khắc phục, Thủ tướng cho biết, Chính phủ thời gian tới sẽ chỉ đạo tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, đất đai, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng…
Rà soát, đơn giản hóa điều kiện, quy định kinh doanh, quy trình thủ tục về thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, xây dựng; các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, chú trọng đơn giản hóa, số hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính về thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành; giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại xã, phường... Tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Cùng đó, xử lý dứt điểm 5 điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng số, dữ liệu, nguồn nhân lực, kinh phí trong triển khai Đề án 06 và kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia...
Thủ tướng cũng cho biết, sẽ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính; động viên, khen thưởng và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương.
"Tiếp tục hoàn thiện quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, không phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả…", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)