Văn phòng Chính phủ Singapore vừa cho hay Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha sẽ là diễn giả khai mạc Đối thoại Shangri-La (SLD) lần thứ 15 (3 - 5.6.2016).
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha được chọn làm người phát biểu trong tiệc tối khai mạc SLD 2016 (từ 3 - 5.6.2016) - Ảnh: Reuters |
Diễn đàn an ninh quan trọng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương này do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, trụ sở tại Anh) tổ chức tại khách sạn Shangri-La (Singapore) vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 hàng năm. SLD năm nay diễn ra từ ngày 3 - 5.6.
Trong bối cảnh an ninh khu vực có nhiều vấn đề nóng bỏng, đặc biệt là tình hình căng thẳng trên Biển Đông không ngừng gia tăng, SLD ngày càng trở nên một sự kiện đáng mong đợi, bởi quy tụ đông đảo các quan chức quân sự, ngoại giao cấp cao cả trong và ngoài khu vực.
Đây cũng là nơi nhiều quốc gia tuyên bố một cách không chính thức các chủ trương ngoại giao, quân sự của mình trong tầm ngắn hạn hoặc trước một số vấn đề nghiêm trọng.
Chọn người phát biểu
Bên cạnh các vấn đề an ninh nóng bỏng được đề cập tại diễn đàn, cá nhân người phát biểu và bài phát biểu dẫn dắt được giới quan sát “soi” rất kỹ.
Việc ông Prayuth Chan-o-cha được chọn làm người phát biểu trong tiệc tối khai mạc SLD 2016 được cho là một “chọn lựa thú vị”.
“Ai có thể hay hơn một tướng lĩnh quân sự như ông Prayuth để phát biểu về các vấn đề an ninh nóng bỏng hiện nay?”, tiến sĩ Oh Ei Sun, chuyên gia tại Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) bình luận với Thanh Niên.
Tuy nhiên, một vài nhà quan sát cũng đặt vấn đề về tính chính danh của chính phủ quân sự do tướng Prayuth đứng đầu và cách thức ông đang lãnh đạo Thái Lan.
Trả lời Thanh Niên về việc chọn ông Prayuth ở góc độ “chính danh”, giám đốc IISS chi nhánh châu Á tại Singapore, tiến sĩ Tim Huxley nói: “Các dàn xếp chính trị quốc nội của một quốc gia không phải là một yếu tố quan trọng trong việc chúng tôi cân nhắc chọn lãnh đạo quốc gia đó phát biểu. Chính cách nhìn nhận về các vấn đề quốc tế và khu vực của lãnh đạo đó mới là điều chúng tôi quan tâm”.
Ông Huxley cũng giải thích thêm, do Thái Lan chưa từng có lãnh đạo được mời phát biểu khai mạc SLD nên “để diễn đàn năm nay nghe quan điểm của quốc gia vốn có vai trò quan trọng trong khu vực này là quan trọng”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với bài phát biểu về lòng tin chiến lược nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Đối thoại Shangri-La 2013 - Ảnh: Thục Minh |
Trong cuộc đối thoại với Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài tại Singapore hồi tháng 3.2014, trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc lựa chọn người phát biểu dẫn dắt SLD trong tư cách nước chủ nhà, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore lúc ấy là ông K. Shanmugam nói IISS với tư cách nhà tổ chức đóng vai trò chính trong việc chọn người. “Nhưng Singapore là nước chủ nhà dĩ nhiên phải biết ai có thể được mời vào nước mình”, ông Shanmugam thừa nhận.
Về phía Thủ tướng Prayuth, theo nhận định với Thanh Niên của một nhà báo kỳ cựu từ tờ Bangkok Post, được mời phát biểu không chỉ là một vinh dự mà còn là cơ hội để ông xuất hiện trước cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp chính trị của mình.
Năm 2013, IISS mời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng làm người phát biểu dẫn dắt SLD lần thứ 12. Với chủ đề xây dựng lòng tin chiến lược để duy trì hòa bình và ổn định an ninh trong khu vực, bài phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của diễn đàn.
Những lãnh đạo khác được mời phát biểu tại các SLD gần đây gồm: Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (2015), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (2014), Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono (2012), Thủ tướng Malaysia Najib Razak (2011); Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (2010), và Thủ tướng Úc Kevin Rudd (2009).
Bình luận (0)