Chiều 9.1, lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đã thăm ga Hà Nội, hỏi han công nhân viên ngành đường sắt và hành khách đi tàu.
Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh sự xúc động trước những đổi mới của ngành đường sắt trong vài năm qua. Từ những lo lắng trăn trở rất nhiều khi ngành đường sắt rơi vào khủng hoảng trong đại dịch Covid-19 năm 2021, 2 vạn công nhân không có việc, không có thu nhập, chỉ trong 2 năm, ngành đường sắt đã gần như lột xác khi thoát lỗ và có lãi.
Nhắc lại khi xuống thăm ga Hà Nội, Thủ tướng cho biết khi hỏi công nhân “ngành đường sắt có gì mới không", được trả lời rất nhiều cái mới, tàu đẹp hơn, ga đẹp hơn, dịch vụ tốt hơn, hành khách hài lòng hơn.
“Lương các cháu không tiết lộ nhưng cũng cho biết đủ ăn, đủ mặc. Tôi cũng hỏi 2 hành khách đi tàu, đều được trả lời “đi tàu bây giờ sướng lắm”. Hỏi mua vé có dễ không thì người dân cho biết dễ mua, qua thẻ ngân hàng, QR Code đều được. Khi lên tàu sạch sẽ, dịch vụ thoải mái", Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng, việc khảo sát trực tiếp từ công nhân ngành đường sắt và khách hàng dù số lượng không nhiều, nhưng nhận được những câu trả lời rất thật, cho thấy có sự tiến bộ của ngành.
Thủ tướng trực tiếp khảo sát, kiểm tra ga Hà Nội
NGỌC NĂM
Bên cạnh đó, số liệu báo cáo của VNR cũng cho thấy, doanh thu, lợi nhuận sau thuế đều vượt kế hoạch. “Tôi cũng ấn tượng việc xây dựng “đường tàu, đường hoa" nghe rất gần gũi, thân thương, nhưng tính hiệu triệu rất cao; hay khẩu hiệu “mỗi cung đường là một vườn hoa, mỗi nhà ga là một điểm đến”, Thủ tướng nhắc lại và đánh giá cao sự tiến bộ của VNR trong năm 2023.
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý vẫn còn nhiều tồn tại như tổng mức đầu tư đạt thấp, kết cấu hạ tầng còn lạc hậu, hiện trạng đầu máy toa xe chưa có khả năng đáp ứng, nếu nâng được tốc độ chạy tàu lên 100 km/h sẽ hiệu quả hơn… So sánh với Tập đoàn Dầu khí, theo Thủ tướng, cách đây mấy năm người xin nghỉ việc rất nhiều, nhưng đến nay không khí khác hẳn, doanh thu, lợi nhuận đều tốt. Hiện, Tổng công ty Đường sắt cũng đã “tìm thấy lối ra", đây mới là điểm quan trọng.
Song Thủ tướng cũng bày tỏ rất trăn trở khi “hơn 3.000 km đường sắt chưa được nâng cấp, Pháp xây thế nào còn nguyên xi thế. Chúng ta không thể bó tay, khuất phục, khi có cơ chế đúng sẽ tạo hiệu quả".
Trung Quốc có 42.000 km đường sắt cao tốc, các nước xung quanh cũng đã có đường sắt cao tốc. Với Việt Nam, theo Thủ tướng, Bộ Chính trị đã cho chủ trương trong nhiệm kỳ này làm đường sắt cao tốc. Chủ trương của Đảng có rồi, phải biến thành dự án, chương trình, đi tìm nguồn vốn, công nghệ để làm, mới nâng cao hiệu quả hệ thống đường sắt. Quá trình làm thì nghiên cứu giữ lại hay làm mới hệ thống đường sắt, các nhà khoa học, quản lý… phải nghiên cứu để có lựa chọn phù hợp.
“Nói chuyện cũ nhưng phải bàn chuyện mới, phải có đột phá, không phải câu chuyện bình bình sửa lại mấy đoàn tàu, nâng cấp mấy nhà ga. Tôi muốn cùng các đồng chí đưa động lực mới, phát triển đột phá ngành đường sắt, xây dựng đường sắt tốc độ cao theo nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị trong những năm tới đây. Tôi tin chắc chúng ta làm được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2024 cố gắng trình chủ trương xây dựng đề án đường sắt tốc độ cao. Có thể chia ra làm mấy dự án lớn như Lào Cai - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - TP.HCM, TP.HCM - Cần Thơ.
Về nguồn lực, Thủ tướng cho rằng phải cố gắng hoàn thiện thể chế, khai thác từ nguồn lực sẵn có, hơn 300 nhà ga, đất đai, con người… Tái cơ cấu tài sản hiện có, khu ga, đường ray, mang lại giá trị hiệu quả cao hơn; tái cơ cấu vận hành, tổ chức bộ máy phù hợp với kinh tế thị trường. Đặc biệt, phát triển đường sắt tốc độ cao phải có chính sách ưu tiên, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.
Thoát lỗ sau 3 năm
Trước đó, báo cáo Thủ tướng, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR, cho biết VNR đạt lợi nhuận 94,8 tỉ đồng trong năm 2023, thoát lỗ sau 3 năm liên tiếp. Doanh thu hợp nhất đạt 8.503 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỉ đồng. Người lao động trong ngành có thu nhập trung bình 9,5 triệu đồng mỗi tháng, đạt 105 % so với cùng kỳ.
VNR từng trải qua 3 năm giảm doanh thu và lợi nhuận âm liên tiếp. Năm 2020 lỗ hơn 1.300 tỉ đồng, năm 2021 lỗ 654 tỉ đồng và 111 tỉ đồng trong năm 2022.
Theo lãnh đạo VNR, kết quả kinh doanh khả quan do vận tải hành khách bằng đường sắt dần hồi phục. Năm qua, VNR vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách, bằng 135% cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, theo ông Mạnh, năm 2023, ngành đường sắt đã làm được mục tiêu đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, khai trương tàu liên vận quốc tế, ga Kép Bắc Giang, tàu Thạch Gia Trang...
Ngoài ra, ra mắt đoàn tàu chất lượng cao, tổ chức đám cưới trên tàu, app bán hàng, nâng cấp cà phê hỏa xa, lễ hội thiết kế sáng tạo tại ga xe lửa Gia Lâm… được khách hàng đón nhận.
Tuy nhiên, lãnh đạo đường sắt cũng thừa nhận còn nhiều tồn tại như bộ máy còn cồng kềnh, tư duy chuyển biến chậm dẫn đến kinh doanh hiệu quả chưa cao. Năm 2024, ngành đường sắt đặt mục tiêu cơ cấu lại nguồn lực, nguồn vốn, nhân lực, để chuẩn bị khai thác đường sắt quốc gia mới và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Bình luận (0)