Thủ tướng và cam kết với các tập đoàn, quỹ đầu tư tài chính Singapore

Mai Hà
Mai Hà
10/02/2023 13:33 GMT+7

Trưa 10.2, trước khi rời Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tọa đàm ăn trưa với đại diện các tập đoàn đa quốc gia, quỹ đầu tư tài chính lớn.

Đại diện các tập đoàn đa quốc gia và các quỹ đầu tư lớn trên thế giới đã tham dự tọa đàm do Bộ KH-ĐT, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore phối hợp cùng Đại học Quản lý Singapore (SMU) và Quỹ đầu tư VinaCapital tổ chức.

Thủ tướng và cam kết với các tập đoàn, quỹ đầu tư tài chính lớn tại Singapore - Ảnh 1.

Thủ tướng dành nhiều chia sẻ với các lãnh đạo tập đoàn đa quốc gia, quỹ tài chính tại tọa đàm ăn trưa trước khi rời Singapore trưa 10.2

NHẬT BẮC

Việt Nam trong top 20 nước thu hút FDI

Theo Thủ tướng, bối cảnh thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất định, lạm phát toàn cầu tăng mạnh, chuỗi cung ứng tắc nghẽn. Đây là thời điểm thử thách bản lĩnh và năng lực thích ứng của cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Dù đối mặt với nhiều thách thức trước mắt, đây cũng là thời điểm chúng ta phải có tầm nhìn dài hạn cho tương lai phát triển xanh và bền vững. Đây cũng là thời điểm chúng ta phải tăng cường hợp tác để cùng vượt qua khó khăn, trên tinh thần cùng nhau chiến thắng (win - win); biến nguy thành cơ; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Mục tiêu cốt lõi hướng tới là đưa Việt Nam thành một điểm đến thân thiện, an toàn với cộng đồng nhà đầu tư, là những tiền đề căn bản để Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng và cam kết với các tập đoàn, quỹ đầu tư tài chính lớn tại Singapore - Ảnh 2.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia, quỹ đầu tư tài chính lớn tại Singapore đã có mặt tại tọa đàm ăn trưa với Thủ tướng

NHẬT BẮC

Nhắc lại các kết quả ấn tượng của Việt Nam trong năm 2022, theo Thủ tướng, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 36.400 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 440 tỉ USD, Việt Nam lần đầu tiên được UNCTAD (Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển - PV) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

Việt Nam cần 370 tỉ USD vốn từ nay đến 2040

Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Dù là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam đã quyết tâm là một trong những quốc gia đầu tiên đưa ra cam kết tại COP26, nhằm chia sẻ trách nhiệm và cùng chung nỗ lực quốc tế trong chuyển đổi năng lượng, xanh hóa nền kinh tế và giảm phát thải carbon, phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Xanh hóa nền kinh tế là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể và huy động nguồn lực lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần lượng vốn đầu tư khoảng 370 tỉ USD (tương đương khoảng 6,8% GDP/năm) để triển khai đồng thời lộ trình chống chịu với biến đổi khí hậu và khử carbon.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, nguồn lực nhà nước sẽ đóng vai trò định hướng cho thúc đẩy tăng trưởng xanh, qua đó dẫn dắt và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Trong đó, kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới là cần thiết và quan trọng, nhằm thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực đóng góp cho phát triển bền vững, như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, tài chính xanh...

Thủ tướng và cam kết với các tập đoàn, quỹ đầu tư tài chính lớn tại Singapore - Ảnh 3.

Thủ tướng khẳng định cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư nước ngoài có cùng chí hướng bước cùng Việt Nam trên chặng đường phát triển

NHẬT BẮC

"Về phía Việt Nam, chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư nước ngoài có cùng chí hướng bước cùng Việt Nam trên chặng đường này", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư trao đổi, đề xuất thiết lập các khung thể chế mới vì mục tiêu tăng trưởng xanh, trong đó có các chính sách huy động, thu hút các nguồn tài chính xanh đến Việt Nam, ví dụ như việc thành lập một quỹ khí hậu của Việt Nam; kinh nghiệm phát hành trái phiếu xanh; xây dựng thị trường carbon công bằng, bình đẳng, minh bạch; các công cụ để hạn chế và tiến tới triệt tiêu hoàn toàn các hành vi sản xuất, tiêu dùng không thân thiện với môi trường…

Bên cạnh đó, đề xuất các chính sách cần thiết để thúc đẩy đầu tư tư nhân vào chuyển đổi năng lượng, hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; kết nối, giới thiệu đối tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp tài chính xanh để hỗ trợ Việt Nam nâng cao tính ổn định và bổ trợ của hệ thống tài chính, hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ nay đến năm 2030.

Thủ tướng cũng kêu gọi các quỹ đầu tư đóng góp ý kiến và gợi ý một số giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị đối với cả khu vực công và khu vực tư nhân trong nước, hướng đến sự minh bạch, hiệu quả cao và phát triển bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.