Những cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 cuối năm 2021 tại Anh đã được triển khai từ chính sách tới các doanh nghiệp. Điều đó cho thấy quyết tâm của VN trong việc cắt giảm khí thải ròng, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.
Từ những tràng vỗ tay ở nước Pháp
Những mảng xanh mướt trải rộng, các cô bò thư thái gặm cỏ, hồ điều hòa sinh thái nối từ mạch nước ngầm mang lại không khí mát mẻ, trong lành cho cả trang trại...; những hình ảnh ấn tượng được phóng lớn, lướt nhanh trên màn hình lớn, choán gần hết chiều ngang của khán phòng nơi diễn ra Hội nghị Sữa toàn cầu lần thứ 15 tại Laval (Pháp) hồi cuối tháng 6.2022 thu hút sự chăm chú theo dõi của tất cả các đại biểu tham dự.
Bài thuyết trình của đại diện Vinamilk đưa người xem tới các trang trại sinh thái Green Farm được sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời. Hệ thống xử lý chất thải hiện đại cùng công nghệ biogas giúp giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2, chuyển hóa chất thải thành các tài nguyên. Các trang trại Green Farm đều thực hiện canh tác theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu và ứng dụng vòng tuần hoàn tái tạo đất để quản lý tài nguyên. Nước được sử dụng tiết kiệm, tuần hoàn để tái sử dụng cho hoạt động tưới tiêu. Nước thải được xử lý đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường các khu vực xung quanh. Một phần diện tích đất của trang trại được dành xây dựng các hồ điều hòa sinh học, đây là một sáng kiến có tính đột phá để giúp điều hòa làm mát không khí cho đàn bò sữa tại các vùng khí hậu khô, nóng và góp phần tạo nên vòng tuần hoàn nước tại trang trại. Diện tích mảng xanh tại các trang trại Green Farm được duy trì tỷ lệ bao phủ trên 70%. Cây xanh được trồng xung quanh để tạo vành đai sinh học của trang trại, giúp bảo vệ hệ sinh thái và hạn chế các tác động từ môi trường bên ngoài...
Việt Nam chọn phát triển năng lượng tái tạo, cắt giảm điện than |
Đào Ngọc Thạch |
“Vinamilk nhận thức rõ rằng phát triển bền vững không phải chỉ là một đích đến, mà là một hành trình chúng ta luôn tiến bước và là một xu thế không thể đảo ngược của sự phát triển”, ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing của Vinamilk, kết thúc bài phát biểu của mình trong tiếng vỗ tay không ngớt của hơn 200 đại diện những công ty sữa lớn nhất thế giới đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là bài thuyết trình nhận được sự tán thưởng nhiều nhất tại hội nghị sữa lần này khiến chúng tôi, những nhà báo tham dự ngồi phía dưới, không khỏi dấy lên niềm tự hào. Vinamilk là đại diện duy nhất của VN và Đông Nam Á được chọn tham dự hội nghị năm nay với chủ đề về phát triển bền vững trong ngành sữa. Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành - đối ngoại của Vinamilk, nhấn mạnh với vai trò doanh nghiệp (DN) sữa hàng đầu tại VN, Vinamilk đã và đang thực hiện các kế hoạch hành động, đẩy nhanh các tiến trình để góp phần thực hiện chủ trương và cam kết của Chính phủ VN về giảm phát thải ròng tại COP26, tiến tới bằng 0 vào năm 2050.
Ở trong nước, ngay thời điểm đầu năm, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, khi dẫn chúng tôi đi tham quan cụm trang trại nuôi heo, liên tục hỏi với niềm tự hào không che giấu “có ngửi thấy tí mùi hôi nào không?”. Rồi không đợi ai kịp trả lời, bầu Đức giải thích: “Con heo và cây chuối chính là kinh tế tuần hoàn. Phân heo, nước rửa chuồng heo lấy ra tưới cho cây chuối. Cây chuối chặt ra bỏ ở giữa luống, thành phân, không lọt ra môi trường cái gì”. Đó cũng là lý do cuối tháng 7 vừa rồi, UBND tỉnh Gia Lai đã chấp thuận kế hoạch đầu tư chuồng trại với mục tiêu 1 triệu con heo, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ cuối năm nay của bầu Đức. Dự án được đổi tên là Dự án phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững với 5 mục tiêu, bao gồm trồng cây ăn quả theo hướng bền vững, theo tiêu chuẩn Global GAP, nhằm phát triển trồng trọt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và hướng đến xuất khẩu ra thị trường quốc tế; chăm sóc, xử lý cây trồng; tưới tiêu phục vụ trồng trọt; làm sạch, phân loại, sơ chế các loại trái cây và xây dựng chuồng trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo đuổi nông nghiệp sạch đã giúp bầu Đức đưa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, tập đoàn kinh tế hàng đầu VN một thời, trở lại sau hơn một thập niên đắm chìm trong nợ nần.
Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm DN VN đã triển khai mô hình sản xuất, kinh doanh theo xu hướng xanh để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26 cuối năm 2021.
Hệ thống năng lượng mặt trời được Vinamilk triển khai tại hệ thống trang trại sinh thái Vinamilk Green Farm |
Chính phủ hành động và trách nhiệm
Hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt là cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng được thể hiện nhất quán trong chính sách phát triển của Chính phủ ngay sau COP26 tại Anh cuối tháng 11.2021. Còn nhớ, đến tháng 9.2021, Dự thảo Quy hoạch điện VIII mà Bộ Công thương trình Chính phủ vẫn tăng thêm 3.000 MW điện than và giảm tới 6.000 MW điện tái tạo trong cơ cấu nguồn điện than đến năm 2030 so với tờ trình trước đó. Dự thảo gặp phản ứng gay gắt từ dư luận bởi quy hoạch này đi ngược chủ trương không hy sinh môi trường đổi lấy tăng trưởng mà Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định. Thế nhưng, với “đầu bài” là giảm chi phí truyền tải xa, đảm bảo cân đối nội vùng và chi phí giá điện thì nhiệt điện than vẫn có nhiều ưu thế nhất. Nói cho dễ hiểu thì giả sử giá than có tăng gấp đôi thì điện than vẫn rẻ hơn điện khí. Còn yếu tố cân bằng nội vùng thì điện gió, điện mặt trời ở nhiều địa phương đã thừa, còn than thì việc cơ động vị trí là quá rõ ràng. Thế nên một lần nữa, điện than lại được chọn dù nhiều nước trên thế giới đã cắt giảm, đóng cửa, thậm chí có nước tuyên bố không phát triển điện than để bảo vệ môi trường. Thực tế tại VN, nhiệt điện than xuất hiện từ 1925 dưới thời thực dân Pháp. Hơn 30 năm đổi mới, mỗi năm nhiệt điện than đóng góp hàng trăm tỉ kWh cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với mức tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7% hiện nay, nhu cầu điện phục vụ nền kinh tế tăng mỗi năm. Vì thế, điện than giảm, đòi hỏi phải có nguồn điện thay thế. Những năm gần đây, điện khí, điện mặt trời, điện gió... đã vươn lên mạnh mẽ. Thậm chí, hàng trăm nghìn MW năng lượng tái tạo vẫn đang chờ để được bổ sung vào quy hoạch. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng hào hứng rót tiền vào điện gió, điện mặt trời... Nhưng giá cao là bất lợi của những loại hình năng lượng được đánh giá là “thân thiện với môi trường” này. Đó là lý do “cai điện than” dù được đặt ra từ khá sớm, được sự ủng hộ của rất nhiều người nhưng thực hiện thì không hề đơn giản, nhất là với các nền kinh tế đang phát triển như VN.
Thế nhưng sau COP26, mọi chuyện đã thay đổi. Dự thảo Quy hoạch điện VIII bản mới nhất đã tạo dấu ấn lịch sử khi cắt phăng 14.120 MW điện than, thay vào đó là tăng phát triển năng lượng tái tạo, điện khí... Nhiều chuyên gia kinh tế và năng lượng trong và ngoài nước nhận xét, động thái này cho thấy một Chính phủ trách nhiệm và hành động, không chỉ với sự phát triển của đất nước mà còn là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Và bất chấp những khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt thời kỳ hậu Covid-19, chúng ta đã lựa chọn đường đi cho mình: Đó là phát triển bền vững theo xu hướng toàn cầu.
Trang trại sinh thái của Vinamilk |
VNM |
Lựa chọn tất yếu nhưng không dễ dàng
Tăng trưởng xanh (Green growth) là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cách tiếp cận này không chỉ mang lại lợi ích, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn xu hướng mới này nhằm hướng tới phát triển bền vững. Với các nước đang phát triển, số lượng dân số đói nghèo và có mức thu nhập thấp chiếm tỷ trọng cao nên vấn đề ưu tiên trước hết luôn là sinh kế và thu nhập nhằm vươn lên thoát khỏi nghèo đói. Khái niệm “carbon thấp” hay “công nghệ cao” đối với các nước đang phát triển là một khái niệm xa xôi, không có tính thực tiễn. Đây chính là trở ngại lớn cho lựa chọn con đường phát triển xanh, phát triển bền vững của những người đứng đầu đất nước. Thế nhưng, rất nhiều quốc gia đang phát triển đã chọn con đường này.
Đó là Uganda, một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất của nhóm các nước đang phát triển, đã “chọn lối này” phát triển nông nghiệp hữu cơ, mà theo nghiên cứu của UNDP, giảm từ 3 - 8 tấn khí thải carbon trên mỗi héc ta so với nông nghiệp truyền thống. Cụ thể, từ năm 2004, Uganda đã ban hành Bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Đến năm 2009, Chính phủ Uganda bắt đầu soạn thảo chính sách nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu nông nghiệp hữu cơ sẽ là chìa khóa để cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo quốc gia. Chính sách này đi vào thực thi và đạt hiệu quả hết sức khả quan. Theo số liệu của UNDP, hiện Uganda có số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Nông nghiệp hữu cơ không chỉ thúc đẩy sản lượng xuất khẩu của Uganda mà còn đóng góp lớn vào công cuộc chống biến đổi khí hậu khi lượng khí thải nhà kính từ 1 ha nông nghiệp hữu cơ thấp hơn 64% so với nông nghiệp truyền thống.
Giáp với Uganda, Kenya lại đối mặt với nhiều vấn đề về năng lượng. Năng lượng sinh khối truyền thống (năng lượng từ các vật chất có nguồn gốc sinh học như cây cối, cây trồng nông nghiệp, chất thải từ quá trình sản xuất thức ăn, nước uống, nước cống, phân bón) là nguồn năng lượng chính được sử dụng trong các hộ gia đình ở Kenya. Các ngành kinh tế thì phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu xăng dầu. Sự bất ổn trong việc sử dụng các dạng năng lượng sinh khối và biến động giá xăng dầu nhập khẩu là hai vấn đề lớn về năng lượng của Kenya. Để giải quyết vấn đề này, năm 2008, Kenya ban hành biểu giá điện hỗ trợ (Feed-in Tariff, FiT) nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, khí sinh học, thủy điện nhỏ và năng lượng từ xử lý rác thải đô thị. Nhờ FiT, Kenya đã kéo được các nhà đầu tư chung tay phát triển năng lượng tái tạo, đời sống nhân dân được cải thiện, nguồn cung năng lượng cho các hoạt động kinh tế ổn định hơn.
Đồ họa: Thái Công Mẫn |
Tất nhiên, hành trình để đi đến kết quả này không hề đơn giản. Ở góc độ DN, theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Trí, đầu tư trang trại theo xu hướng này rất đắt tiền. 3 trang trại của Vinamilk đầu tư ban đầu đã lên tới 3.000 tỉ đồng nên chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ tăng và khả năng cạnh tranh bị ảnh hưởng. Nhưng đây là xu hướng tiêu dùng xanh mà thế giới đang hướng tới, nên một DN đầu ngành như Vinamilk phải tiên phong.
VN có cả 2 lợi thế về nông nghiệp và năng lượng tái tạo, con đường phát triển xanh thành công mà 2 nước đang phát triển Uganda, Kenya đã lựa chọn. Từ sau COP26, Chính phủ đã vào cuộc, các DN cũng đã vào cuộc và xu hướng tiêu dùng trên thế giới ngày càng khắt khe trong lựa chọn các sản phẩm xanh. Thế nên, dù không dễ dàng nhưng đây là lựa chọn tất yếu của một nền kinh tế tăng trưởng bền vững và có trách nhiệm.
Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập niên qua, là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, VN sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Ngày 5.9.2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1044/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, do Phó thủ tướng Lê Văn Thành là Trưởng ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỉ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Đề án thực hiện chủ trương của Liên Hiệp Quốc phát động về một thập niên phục hồi tự nhiên, tức là trồng lại rừng, tái tạo rừng, bảo vệ rừng tự nhiên. Đây cũng là cách thức để chúng ta có thể tạo ra nguồn tài chính thông qua các thị trường tín chỉ carbon, tạo nên một ngành kinh tế mới.
Bình luận