Tổ chức, hoạt động của Tổng cục Quản lý thị trường, Văn phòng Bộ Công thương là vấn đề được được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất lưu ý khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công thương, diễn ra sáng nay, 17.1.
Thủ tướng đã điểm lại một loạt thành tích của ngành công thương năm qua, như cắt giảm điều kiện kinh doanh, xuất khẩu kỷ lục, hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường bán lẻ trong nước,…
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, lưu ý Bộ Công thương tập trung khắc phục. Trong đó, không dưới 3 lần, Thủ tướng nhắc đến lực lượng quản lý thị trường.
Đầu tiên, Thủ tướng nhắc nhở tình trạng
hàng giả, nhái, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp, trong đó, gắn với vai trò kiểm tra kiểm soát của lực lượng quản lý thị trường. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nên có hội nghị để bàn chuyên sâu về quản lý thị trường, trong đó có cả vấn đề tổ chức Đảng, phối hợp với các địa phương.
Chưa hết, khi nhắc tới nhiệm vụ của năm 2019, Thủ tướng yêu cầu ngành Công thương cần tăng cường phòng chống tham nhũng, giữ vững kỷ luật kỷ cương, gắn với trách nhiệm nêu gương. Thủ tướng cũng nêu tên Văn phòng Bộ và Tổng cục Quản lý thị trường để lưu ý: “Văn phòng Bộ Công thương, Quản lý thị trường phải dày dặn kinh nghiệm, chặt chẽ. Chọn người trẻ là cần thiết nhưng rất
cần kinh nghiệm, quản lý đơn vị của mình tốt hơn nữa theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao".
Trước đó, khi tham luận với ngành Công thương, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng phản ánh hệ thống quản lý thị trường đã sắp xếp lại, nhưng cơ cấu trong tổ chức Đảng, xử lý đấu tranh chống hàng lậu... chưa tốt, do thiếu quy chế phối hợp giữa cơ quan này và các địa phương.
"Những quy định hiện nay đang chậm nên bản thân Hà Nội cũng lúng túng trong chỉ đạo", ông Chung nói, và đề nghị Bộ Công thương cần sớm có quy chế phối hợp, nâng cao hiệu lực quản lý thị trường thời gian tới.
Trước đó, trình bày báo cáo của Bộ Công thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, năm qua ngành Công thương đã đạt được một số kết quả ấn tượng.
Một là chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao và ổn định, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (tăng 10,2%, cao hơn mục tiêu Chính phủ giao là 9%).
Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Điển hình như trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô là các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công.
Cùng với đó, công tác chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp tiếp tục được thúc đẩy thực hiện đạt kết quả tích cực, nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án. Kết quả đến nay, đã có 2 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi; 2 dự án đã vận hành sản xuất trở lại; 1 dự án sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi, các dự án còn lại đang được tích cực xử lý để bảo đảm hoàn thành đúng theo phương án, lộ trình đề ra...
Chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 10%, cao hơn mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm 2017 bảo đảm đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất và sử dụng của người dân. Tăng trưởng sản lượng điện tiêu thụ cho khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng vẫn duy trì tốc độ tốt. Chỉ tiêu tiếp cận điện năng tăng 37 bậc, xếp vị trí thứ 27/190 quốc gia (theo Báo cáo Doing Business 2019), đạt mục tiêu vào nhóm ASEAN 4 trước 2 năm theo yêu cầu của Chính phủ...
Bình luận (0)