Vừa rồi, đi làm về trên đại lộ Mai Chí Thọ (Q2) phát hiện một xe bán ấu đầy ắp đậu ngay sát mặt đường. Như một phản xạ tự nhiên, tôi ghé mua ngay một bịch. Trên đường về, thỉnh thoảng liếc nhìn những củ ấu xấu xí mà chợt nhớ thu đã về, mà nhớ quê kinh khủng.
>> Mộc mạc, đậm đà bánh da lợn miền Tây
>> Thương nhớ bánh cục Bến Tre
Ấu có vỏ ngoài đen nhưng bên trong trắng ngần thơm thảo, như những người nông dân lam lũ, vẻ ngoài thô kệch nhưng tấm lòng thật thà chất phát, luôn mang đến cho người xung quanh cảm giác thật bình yên…
Nghe nói củ ấu ở ba miền có rất nhiều loại khác nhau, nhưng tôi ghiền nhất là loại có 2 sừng - trông như chiếc sừng trâu. Ngày bé, tôi còn tưởng tượng nó như hàm trên của bộ râu người đàn ông, trông thú vị vô cùng.
Là món ăn vặt nhưng không chỉ có con gái mới thích, mà bọn con trai cũng mê ly không kém - Ảnh: Minh Tuệ |
Không nhớ lúc lên mấy tôi đã được ăn, nhưng cứ mỗi dịp khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm, quà chợ của mẹ dành cho mấy chị em tôi thường là bịch ấu đen sì. Thế là chúng tôi chia nhau mang ra đồng ngồi ăn. Hôm nào mẹ gặp ấu sống, bán rẻ sẽ mua nhiều, là chúng tôi rủ cả mấy đứa bạn trong xóm túm tụm lại ăn cho vui.
Là món ăn vặt nhưng không chỉ có con gái mới thích, mà bọn con trai cũng mê ly không kém. Ngoài mê hương vị ngọt ngọt, bùi bùi đặc trưng, chúng tôi còn mê những trò chơi từ củ ấu. Đám con gái thì cắt đôi củ ấu rồi móc vào các ngón tay làm thành những bàn tay của "hồ ly tinh" trong bộ phim Tây du ký mà rượt nhau chạy khắp xóm, la ó chí chóe.
Bọn con trai thì dùng tăm khoét lỗ làm thành sáo rồi ngồi vắt vẻo trên cành cây trứng cá thổi ngân nga… Với người dân quê tôi, củ ấu thân thuộc đến mức đó, chuỗi ngày lớn lên của trẻ con luôn gắn liền với hương vị và những trò chơi từ củ ấu.
Không đứa nào không biết các câu hát như:
Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau trái bồ hòn cũng héo
Hay là:
Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi
Người mới biết củ ấu, nhìn vào thấy đen xì, có khi không dám cắn răng vào, ấy vậy mà ăn vài lần thì ghiền mùi vị đặc trưng đó lúc nào không hay.
Ăn ấu xong, có một điều bọn con nít cần nhớ rõ là dù lưới biếng đến mấy cũng phải mang vỏ bỏ đúng nơi, nếu không đi chân đất đạp nhầm một cái là gai nhọn của củ ấu sẽ ghim chặt vô thịt mà đau nhức thấu xương, người lớn thì ứa nước mắt, con nít thì rên ầm ĩ chứ chẳng chơi.
|
Riêng bọn tôi ngày đó thì hay gom lại một góc sân phơi khô, đến khi được nhiều nhiều thì khi mẹ đi chợ hay xin mua mấy củ khoai lang sống, đến chiều tối lại rủ nhau lấy ấu đốt thành than nướng khoai, cũng ngon vô cùng…
Nghe mẹ nói, để mua được những củ ấu ngon cũng cần có kinh nghiệm, phải chọn được những củ ấu già mới cho vị ngọt bùi, còn củ ấu non là sau khi cắn cái phụm là miệng nhận ngay một dòng nhựa chảy ra, sền sệt như kem. Và khi mua ấu nên chọn ấu sừng hơn là ấu trụi. Bởi ấu sừng trâu tuy nhỏ nhưng ăn bùi, ngọt và thơm. Còn ấu trụi thì không có gai, củ to, vỏ mỏng nhưng ruột lại xốp và bở.
Mỗi năm ấu chỉ có một mùa và qua đi rất nhanh, nếu ai đó có ghiền món ăn chơi này như tôi thì nhớ tranh thủ mua sớm kẻo lỡ nhé…
Cẩm Nhi
Bình luận (0)