Giá nào cũng có
Mặc dù ngày 25.1 mới chính thức khai mạc chợ hoa xuân, nhưng trước đó cả tuần, dọc đường Lê Lợi thuộc tổ 17, phường Tân Phong, Lai Châu, đào rừng đã được xếp từng hàng dài để đợi khách mua về trưng tết. Không giống như đào dưới xuôi, hầu hết đào ở đây được người dân “thả” cho mọc tự do trên rừng nên có thế tự nhiên, thân phủ những lớp rêu mốc đẹp hoang dại.
Giá rẻ giật mình ở chợ hoa đào Lai Châu
|
Chị Nguyễn Thị Nhi, một khách hàng mua đào tại đây, cho biết chị từ Hà Nội lên Lai Châu chơi tết và trải nghiệm văn hóa vùng cao. Chỉ với 400.000 đồng chị đã sắm được một cành đào mốc cao chừng 2 m, tán rộng khoảng 1,5 m, chi chít nụ và lộc non. “Cành này khi tôi hỏi họ nói giá 700.000 đồng, nhưng mới mặc cả 400.000 đồng đã bán luôn. Nếu ở Hà Nội, cành đào như thế này giá không dưới 2 triệu”, chị Nhi so sánh.
Cũng là khách từ Hà Nội lên mua đào, anh Nguyễn Văn Khang mua được một cây đào mốc, thân phủ đầy rêu, với giá 700.000 đồng. Theo anh Khang, với cây này, ở Hà Nội giá cũng phải lên tới 4 - 5 triệu đồng.
Cầm trên tay một cành đào mốc nhỏ xíu, xinh xắn, anh Dương Trang, một khách hàng ở chợ, cho biết anh từ Hà Nội đến Lai Châu công tác, ghé thăm chợ đào. “Đào ở đây rẻ quá, tôi đi công tác, ô tô chật chội, không mang về được nên chỉ mua cành nhỏ thôi. Khi tôi hỏi giá, họ nói có 20.000 đồng, rẻ giật mình nên không cần mặc cả, mua luôn”, anh Trang kể.
Trả giá cao hơn cũng không được… bán
Điều lạ lùng là đào được bày bán rất nhiều nhưng tìm mãi mới thấy chủ nhân. Một người địa phương cho biết, những cây đào to dựng bên đường hầu như là đã được thương lái mua lại trong dân để bán tết. Tuy nhiên, mức giá bán cũng vẫn thấp hơn rất nhiều giá ở các khu vực khác. Anh Nguyễn Quốc Trượng (ở Vĩnh Phúc), một thương lái từ dưới xuôi lên đây buôn đào, cho biết đào ở đây chủ yếu do người dân trồng trên đồi rừng. Anh thường đến mua cả cây đào, rồi chặt ra từng cành đem bán.
“Giá 1 cây đào chỉ hơn 1 triệu thôi, mỗi cây chặt ra được 4 - 5 cành, bán từ vài chục đến vài trăm ngàn/cành, cũng lãi được khoảng 500.000 đồng/cây”, anh Trượng nói.
Khách đến chợ nếu không muốn mua nhanh của thương lái thì chỉ cần dạo bộ đi khắp chợ, sẽ mua được đào giá gốc từ người dân. Ở một số điểm trong chợ sẽ bắt gặp một vài thanh niên nam nữ người dân tộc, cầm trên tay những cành đào nhỏ đứng bán. Khi gặp khách mua, các chủ hàng này bán rất chắc giá, nói giá nào hầu như bán giá đó, nhưng lại thấp đến mức không cần mặc cả. Giàng A Sùng (16 tuổi, dân tộc Mông) vừa bán cho khách được 1 cành đào 120.000 đồng, phấn khởi cho biết mang đào ở nhà đi bán. “Nhà trồng được ít thôi. Bán đào tết được khoảng 3 triệu thôi”, Sùng khoe. Khi được hỏi tiền bán đào dùng để làm gì, Sùng nói: “Tiền bán đào chỉ mang đi chơi tết thôi”!
Điều thú vị ở chợ đào rừng ngày tết là khách đến không chỉ để mua đào, mà còn được tìm hiểu về văn hóa vùng cao. Nhưng cây đào đẹp được bày bán nhưng không có ai trông coi, cũng không ai mời mọc chéo kéo mua. Dường như khách đến chỉ để ngắm, nếu thật ưng thì gọi mãi mới thấy chủ nhân xuất hiện. Giá bán đào được phát rất thấp, khách hàng “xông xênh” trả giá cao hơn rất nhiều nhưng vẫn không được bán. Đáp lại chỉ là nụ cười tươi, không phải vì chủ nhân “chê tiền”, mà họ biết đó là việc trêu đùa của khách dưới xuôi…
Bình luận (0)