Đến để học tập, giao lưu, thư giãn
Có mặt tại thư viện Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào một buổi trưa, chúng tôi thấy một nhóm sinh viên (SV) cùng nhau bước vào khu vực sảnh tòa nhà, tháo giầy cất vào ngăn tủ và đi dép dành riêng cho thư viện, sau đó bấm thang máy lên tầng lầu mà mình mong muốn. Có một SV bấm lên lầu 2 - Minh mẫn (Sagacity), một nhóm khác bấm lên lầu 4 - Sáng kiến (Initiative), một bạn bấm lầu trên cùng - Ưu tú (Excellence). Trong khi đó, một nhóm khác chọn ở lại tầng trệt - Nhẫn nại (Indurance), nơi có cửa kính bao quanh và những chiếc ghế có thể ngồi nhìn ra khung cảnh xanh mướt bên ngoài.
Khu tự học của thư viện ĐH Hoa Sen có nhiều phong cách bàn ghế khác nhau để sinh viên chọn |
Để ý mới thấy tên của 7 tầng lầu của thư viện đều bắt đầu bằng các ký tự của chữ INSPiRE - truyền cảm hứng, cũng là tên gọi của thư viện này. Nguyễn Hải Như, SV năm 3 ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nói vui: “Em hay buồn ngủ nên thường chọn tầng lầu có tên... minh mẫn. Hầu như ngày nào em cũng lên thư viện vì ở đây vô cùng rộng rãi, mát mẻ, sạch sẽ và wifi rất mạnh. Không gian yên tĩnh quá lý tưởng để học bài. Ở nhà trọ nóng và chật nên em chỉ về buổi tối để ngủ, còn cả ngày em ngồi ở thư viện”.
Trong khi đó, nhóm của Nguyễn Thu Hà (ngành công nghệ sinh học) thì ăn trưa xong là vào tầng trệt của thư viện để nghỉ ngơi, trò chuyện, sau đó mới lên các tầng trên để học bài. “Ở đây có một cây đàn piano, thi thoảng tụi em vừa ngồi ngắm view đẹp lại được nghe bạn nào đó chơi đàn, dễ thương lắm”, Hà cho hay.
Thư viện Trường ĐH Hoa Sen ở Q.1, TP.HCM lại không phải là một không gian thinh lặng hoàn toàn, tiếng nhạc không lời từ những chiếc loa âm tường vang lên du dương với một âm lượng vừa đủ để không gian vẫn đảm bảo trạng thái yên tĩnh. Phía bên ngoài có những dãy sofa êm ái dành cho cá nhân tự học, vào sâu bên trong là khu học nhóm có những chiếc bàn lớn hơn. Ngoài ra còn có cả khu “sống ảo” với cửa kính bao quanh nhìn ra khoảng trời rộng lớn, chỉ cần ngồi tạo dáng ở bậc tam cấp gỗ là đã có thể sở hữu những bức hình hút like.
Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng chơi đàn tại tầng trệt của thư viện để thư giãn buổi trưa |
MỸ QUYÊN |
Tại quầy mượn sách, Tô Hoàng, SV năm 4 ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, đang làm thủ tục. Hoàng chia sẻ: “Em thường lên thư viện đọc sách, học bài và làm việc. Em vẫn có cảm hứng với những cuốn sách giấy hơn nên thường mượn các tác phẩm tâm lý, văn học, tôn giáo để đọc. Không gian yên tĩnh, mát mẻ, chỗ ngồi lại xịn nên em vẫn ngồi từ 3 - 5 tiếng mỗi ngày”. Bùi Minh Duy, SV năm 3 ngành logistics, thì có mặt ở thư viện từ sáng đến chiều để học bài, chạy deadline do mọi thứ ở đây “quá tiện nghi”.
Thư viện của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (cơ sở Q.10) gây bất ngờ khi ở tất cả các khu tự học lẫn khu vực nghỉ ngơi, giao lưu đều kín SV, nhưng vẫn không hề có tiếng ồn nào. Trần Võ Anh Tuấn, SV năm 1 ngành kinh doanh quốc tế, cho biết: “Tụi em coi thư viện như giảng đường thứ 2 của mình, sau giờ học chính là lại vô đây học nhóm, nghỉ trưa, thư giãn. Đây là không gian lý tưởng vì tụi em có thể mượn sách đọc, đăng ký các phòng học nhóm hay là ngồi “tám” bên các bậc tam cấp có rất nhiều cây xanh và cửa kính nhìn ra bên ngoài”.
Vũ Thị Thùy Linh, SV năm 1 ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (Q.2), cũng mê mẩn không gian thư viện của trường, nên ngày nào cũng mang laptop vào học. “Phòng tự học thoáng mát, yên tĩnh, nhiều sách hay, bàn ghế xịn, thiết kế rất đẹp với những bậc thang gỗ và các gam màu trẻ trung, gần gũi, wifi mạnh... Đó là những lý do khiến em ở thư viện nhiều hơn ở nhà”, Linh cho hay.
Phục vụ tối đa nhu cầu của gen Z
Thật vậy, thế hệ SV ngày nay (vẫn được gọi là gen Z) là công dân của thời đại số hóa. Không chỉ thông minh, năng động, ham tìm tòi, học hỏi mà SV thời nay còn thích “check in” sống ảo, mê không gian đẹp, hứng thú với giao lưu, kết nối... Chính vì vậy, thư viện trường ĐH ngày nay đã thay đổi rất nhiều để đáp ứng nhu cầu đa dạng của những “công dân thời số hóa” này.
Theo đại diện của INSPiRE Library (thư viện truyền cảm hứng) Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thư viện này được thiết kế bởi chính đội ngũ giảng viên, SV của trường với ý tưởng, phong cách và quan điểm thiết kế độc đáo, mới lạ, có thể phục vụ khoảng 3.000 người sử dụng cùng lúc.
Tòa nhà 7 tầng gồm có các khu chức năng như không gian học tập chung gồm các phòng thuyết trình, phòng nghiên cứu cá nhân, phòng học nhóm, phòng xem phim, phòng hội thảo trực tuyến... Ngoài ra, còn có các quầy thông tin, khu vực trưng bày tài liệu mới, khu vực sử dụng máy tính, các điểm truy cập nhanh, các trạm in ấn đa chức năng, trạm mượn - trả sách tự động... Không chỉ vậy, SV còn được thụ hưởng không gian giao lưu học tập gồm các điểm gặp gỡ, khu vực cà phê, khu vực đọc giải trí, sảnh triển lãm... cực kỳ hiện đại và “sang xịn”.
“Đây là thư viện tiên phong ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ mới trong quản lý vận hành, khai thác và phát triển với hệ thống phần mềm đã được triển khai tại thư viện các ĐH hàng đầu thế giới như Harvard, Oxford... Hệ thống phân loại tài liệu sau khi người đọc trả sách; máy làm sạch, diệt khuẩn cho tài liệu; hệ thống máy mượn - trả sách tự động; hệ thống kiểm soát ra vào... đều được quản lý tự động theo công nghệ RFID”, đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ thêm.
Thư viện của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng có thiết kế mở, tận dụng tối đa các không gian. Nhờ ứng dụng công nghệ IoT, các thông số như lượng người đang tập trung ở bất kỳ vị trí nào; chất lượng không khí như bụi mịn, nhiệt độ, độ ẩm; tiếng ồn, cường độ ánh sáng đều được hệ thống thu thập để có những điều chỉnh phù hợp nhằm tiết kiệm năng lượng và bảo vệ sức khỏe cho SV, giảng viên khi sử dụng thư viện. Với hơn 398.000 đầu sách thuộc lĩnh vực kinh tế, trong đó có 600 đầu sách đến từ Harvard, đồng thời cơ sở dữ liệu được kết nối với hơn 90 nhà xuất bản các trường ĐH hàng đầu của Mỹ, SV tha hồ nghiên cứu và học tập.
Thư viện còn là không gian sáng tạo, trẻ trung...
Chia sẻ về thư viện dành cho thế hệ SV gen Z, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nhận định: “Không chỉ có chức năng cung cấp nguồn học liệu phong phú, đa dạng và chất lượng cho các em học tập, nghiên cứu, thư viện trường ĐH còn phải là một không gian đầy sáng tạo, gần gũi, trẻ trung và năng động để các em đến là có cảm hứng học tập hoặc thư giãn. Chính vì thế, cách thiết kế, bố cục, bài trí, sắp xếp các khu vực để sách, khu tự học... vừa phải khoa học, vừa phải có sự tinh tế, hài hòa và có tính “mở”, phù hợp với nhu cầu sử dụng của các em”.
Bà Võ Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm thông tin thư viện Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho rằng thư viện là nơi cần được các trường ĐH chú trọng đầu tư để SV được thụ hưởng một nơi học tập và nghiên cứu thực sự chất lượng. “Thư viện của Trường ĐH Hoa Sen được thiết kế theo triết lý không gian thư viện ĐH thế kỷ 21, một không gian học tập cộng đồng mà SV là trung tâm. Các em có thể lựa chọn cho mình các khu vực học nhóm, học cá nhân hay là khu vực giao lưu tương tác, giải trí, tất cả đều rất đẹp. Ngoài ra, các trang thiết bị như máy tính, bàn ghế, mạng internet... luôn được đầu tư hiện đại để phục vụ nhu cầu học tập, giải trí cho SV”.
Bình luận (0)