Thừa thầy thiếu thợ

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
14/10/2024 05:43 GMT+7

TP.HCM - thị trường lao động lớn nhất nước đang đối diện nhiều thách thức về mất cân đối cung - cầu lao động, mà nổi lên là tình trạng "thừa thầy thiếu thợ".

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, tính tới tháng 6.2024, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo chiếm hơn 87% trong cơ cấu lao động của địa phương. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng như yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Năng suất lao động của TP.HCM trong những năm qua tăng chậm so với cả nước. Trong giai đoạn 2011 - 2015, năng suất lao động thành phố tăng 4,42% mỗi năm, nhưng đến giai đoạn 2016 - 2020, con số này giảm xuống còn 4,31%, và trong giai đoạn 2016 - 2022, chỉ còn 4,23%. Trong khi đó, năng suất lao động bình quân của cả nước đã có sự cải thiện đáng kể, từ 4,53% lên 6,71% trong cùng khoảng thời gian.

Từng có một giai đoạn dài, ở nước ta chứng kiến cảnh học sinh đổ xô vào các trường đại học, nhưng rất nhiều sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm trái ngành. Trong khi đó, không mấy ai mặn mà học nghề, và một trong những nguyên nhân là vì nhiều người vẫn coi trọng bằng cấp đại học hơn là chứng chỉ đào tạo nghề. Nói cách khác, xã hội có một sự hiểu lầm rằng học nghề chỉ dành cho những học sinh không đủ khả năng vào đại học. Điều này gây ra sự mất cân đối trong thị trường lao động. Theo báo cáo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong quý 3/2024, có

hơn 2/3 (tức khoảng 64%) tổng số người lao động đi tìm việc có trình độ đại học, nhưng số vị trí việc làm đáp ứng tiêu chí này chỉ chiếm 1/5 (khoảng 20%). Hầu như doanh nghiệp chỉ tuyển trình độ cao đẳng (chiến 23%), trung cấp (19%), sơ cấp (24%) và lao động phổ thông (15%).

Mặc dù nhà nước đã nhận thức rõ về thách thức nói trên và triển khai các chính sách khuyến khích phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhưng thực tế cho thấy chất lượng đào tạo nghề vẫn không đồng đều. Nhiều chương trình đào tạo hiện nay không phù hợp với thực tế, không theo kịp sự thay đổi của thị trường và công nghệ. Cho nên, về căn bản, để khắc phục tình trạng này, giải pháp đầu tiên phải kể đến là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách cải thiện chất lượng giảng dạy, cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Trong đó đặc biệt đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của doanh nghiệp trong công tác đào tạo chung.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.