Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có báo cáo nguyên nhân khiến cá nuôi lồng trên sông Đại Giang (TX.Hương Thủy) chết hàng loạt hồi giữa tháng 9 vừa qua. Kết quả lấy mẫu, đo đạc các mẫu nước một số hộ dân, vị trí đại diện như khe Ba Cửa, cầu Phú Thứ, cầu Lương Văn, cầu Như Ý 2… cho thấy tất cả các mẫu đều có hàm lượng ô xy trong nước (DO) thấp dưới 4 mg/lít, nhất là tầng giữa và tầng đáy.
Thông số hàm lượng ô xy sinh hóa (BOD5) quá thấp là nguyên nhân chính khiến cá nuôi lồng chết hàng loạt do thiếu ô xy. Riêng các thông số khác đều nằm trong giới hạn cho phép.
|
Lý giải hàm lượng ô xy trong nước thấp, Sở TN-MT cho biết suốt một thời gian dài sông Đại Giang chưa được nạo vét, khơi thông khiến lưu lượng dòng chảy thấp dẫn đến khả năng tự làm sạch của dòng sông giảm mạnh, không cung cấp đủ ô xy trong nước. Lượng trầm tích cũng tích tụ lớn, chưa kể quá trình phân hủy yếm khí tại các lớp trầm tích, quá trình phân hủy kỵ khí phát sinh các khí không tốt… Đặc biệt, khoảng cách các lồng nuôi cá, khoảng cách giữa các hộ nuôi và mật độ nuôi không đúng theo yêu cầu kỹ thuật cũng như quy chuẩn quy định của tỉnh dẫn đến dòng chảy trong khu vực nuôi cá lồng hầu như không có… cũng khiến cá chết.
Cần quy hoạch lại vùng nuôi
Như Thanh Niên đã thông tin, từ ngày 12 đến 14.9, tình trạng cá chết hàng loạt xuất hiện ở 2 xã Thủy Tân, Thủy Phù (TX.Hương Thủy). Thống kê của địa phương cho thấy có hơn 130 tấn cá nuôi lồng gần đến kỳ thu hoạch bị chết, thiệt hại trên 2 tỉ đồng. Hầu hết số hộ nuôi đều gặp nạn, xã Thủy Phù có 120/120 lồng cá bị chết, xã Thủy Tân có gần 190 lồng trong tổng số hơn 200 lồng bị thiệt hại. Riêng địa bàn Thủy Tần từng xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt hồi năm 2017 và giữa tháng 7.2019, khiến người dân nghi ngờ có liên quan đến chất thải không qua xử lý từ các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp các vùng lân cận.
“Tôi nuôi cá ở đây đã hơn 20 năm. So qua kỹ thuật nuôi tập trung ở chung quanh, thì tôi nuôi rất khoa học. Lồng rất thưa, lồng cách lồng 7 - 8 m, tôi nuôi so le nữa nhưng năm nay cá vẫn chết, không hiểu vì sao”, ông Võ Quý (thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân) băn khoăn và đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra nguồn nước để chuẩn bị nuôi các năm tiếp theo. Ông Nguyễn Tấn Hợp, Chủ tịch UND xã Thủy Tân, cho biết người dân nuôi cá lồng trên sông Đại Giang đã lâu, nhưng một số hộ nuôi tự phát vượt mức quy chuẩn kỹ thuật nuôi theo quy định tại Quyết định số 60 của UBND tỉnh. Điều này không chỉ gây rủi ro, mà trước mắt việc hỗ trợ thiệt hại cho bà con cũng gặp trở ngại; địa phương đang đề xuất. “Dịch tả lợn châu Phi mới gây thiệt hại khoảng 900 con lợn, nay lại xảy ra liên tiếp 2 đợt cá chết hàng loạt nữa. Quả thật là hiện bà con nhân dân gặp nhiều khó khăn”, ông Hợp chia sẻ.
Trước tình trạng các khu vực nuôi cá lồng trên sông Đại Giang chưa được quy hoạch, Sở TN-MT khuyến cáo Sở NN-PTNT phối hợp cùng UBND TX.Hương Thủy quy hoạch lại vùng nuôi để có cơ sở hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, tránh gây những thiệt hại về kinh tế và môi trường khi có sự cố xảy ra.
Bình luận (0)