Chiều 9.2, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết Trung tâm Can thiệp tim mạch - đột quỵ vừa được đưa vào hoạt động từ hôm qua 8.2 tại cơ sở 2 của bệnh viện, đóng tại xã Phong An, H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), cạnh Quốc lộ 1.
Trung tâm được điều hành thông qua hệ thống trang thiết bị hiện đại |
Thượng Hiển |
Sau khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu và điều trị Covid-19 tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế, để ứng phó diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Y tế phê duyệt bổ sung 52 danh mục kỹ thuật can thiệp tim mạch và đột quỵ trong khám, chữa bệnh cũng tại cơ sở 2 này. Việc đầu tư này nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh lý tim mạch và đột quỵ cấp thiết ở bệnh nhân mắc Covid-19.
GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết Trung tâm Can thiệp tim mạch - đột quỵ được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại và đồng bộ. Trung tâm sẽ triển khai điều trị cấp cứu và chuyên sâu các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ não, bóc tách động mạch chủ, tắc mạch chi, mạch tạng cấp tính... Đồng thời, điều trị các bệnh lý khác như động mạch vành, động mạch chủ, rối loạn nhịp tim, thuyên tắc động mạch chi, tim bẩm sinh, nút mạch máu trong điều trị u gan, u xơ tử cung, bệnh lý dị dạng mạch máu não…
Các y bác sĩ của Trung tâm Can thiệp tim mạch và đột quỵ cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế vận hành các thiết bị hiện đại để can thiệp điều trị bệnh nhân |
Thượng Hiển |
Dịp này, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đưa vào hoạt động máy MRI 1,5 Tesla phục vụ chẩn đoán chuyên sâu nhiều bệnh lý đầu mặt cổ, thần kinh, cột sống, tiêu hóa, ung thư…
"Việc đưa vào hoạt động Trung tâm Can thiệp tim mạch và đột quỵ tại cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Huế là nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên trong phát triển kỹ thuật cao tại bệnh viện. Hy vọng trong thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ phát triển nhiều hơn nữa, góp phần khẳng định là một trong những trung tâm y tế hàng đầu Việt Nam", ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đánh giá.
Bình luận (0)