Thừa Thiên - Huế thông qua 30 nghị quyết phát triển đô thị trực thuộc Trung ương

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
11/12/2024 19:49 GMT+7

HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế trong kỳ họp thường kỳ thứ 9 năm 2024 đã thông qua 30 nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội, quy định chế độ chính sách thuộc ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công và một số nội dung quan trọng khác...

Ngày 11.12, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kết thúc kỳ họp thường kỳ thứ 9 năm 2024, sau hơn 1,5 ngày làm việc, thông qua 30 nghị quyết quan trọng trình HĐND tỉnh về kinh tế, xã hội quy định chế độ chính sách thuộc ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công; nhiệm vụ thường xuyên của HĐND tỉnh và một số nội dung quan trọng khác...

Thừa Thiên - Huế thông qua 30 nghị quyết phát triển đô thị - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại kỳ họp

ẢNH: HIẾU HOÀNG

Các nghị quyết đã ưu tiên dành nguồn vốn cho các dự án bảo tồn tu bổ di tích, phát triển đô thị và hạ tầng giao thông, chủ trương đầu tư công các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó đã thông qua nghị quyết xây cầu mới thay cho cầu treo Bình Thành, dự kiến hơn 75 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã dành thời gian cho chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề được cử tri quan tâm như: y tế, giáo dục, nội vụ…

Đề xuất chỉ tiêu biên chế cho 2 quận mới và thị xã huyện mới

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã thảo luận, cho ý kiến và thông qua kế hoạch biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2025.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến thời điểm hiện tại, tổng số biên chế công chức có mặt của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và TP.Huế là 1.897 người; còn 54 biên chế chưa sử dụng.

Theo Nghị quyết 175 của Quốc hội và 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP.Huế trực thuộc T.Ư có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó thành lập mới quận Phú Xuân, quận Thuận Hóa (trên cơ sở tách ra từ TP.Huế cũ), thị xã Phong Điền (huyện Phong Điền cũ) và huyện Phú Lộc (trên cơ sở nhập từ huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc cũ).

Thừa Thiên - Huế thông qua 30 nghị quyết phát triển đô thị - Ảnh 2.

Hai quận mới của TP.Huế trực thuộc T.Ư gồm phía bắc sông Hương là quận Phú Xuân và phía nam sông Hương là quận Thuận Hóa

ẢNH: HOÀNG LÊ

Để tạo điều kiện cho bộ máy các đơn vị hành chính mới thành lập tổ chức hoạt động ngay khi 2 nghị quyết nêu trên có hiệu lực, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị giao biên chế công chức cho UBND quận Phú Xuân 90 người, quận Thuận Hóa 95 người, thị xã Phong Điền 76 người, huyện Phú Lộc 105 người.

Sau khi các đơn vị hành chính cấp huyện mới vào hoạt động ổn định, căn cứ tình hình thực tế của từng đơn vị, trên cơ sở tổng số biên chế được HĐND tỉnh giao, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ rà soát, cân đối điều chỉnh và bố trí biên chế công chức cho phù hợp.

Phương án tinh gọn bộ máy tại Thừa Thiên - Huế

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, phương án tinh gọn bộ máy của tỉnh dự kiến duy trì 6 sở, ngành, gồm: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, các sở Tư pháp, Công thương, Ngoại vụ.

Các sở sáp nhập gồm hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Tài chính thành Sở Tài chính và Đầu tư phát triển; hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Phát triển hạ tầng hoặc Sở Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn; hợp nhất Sở TN-MT với Sở NN - PTNT, thành Sở Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường; hợp nhất Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch thành Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Sở Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông; hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ, thành Sở Nội vụ và Lao động; chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Sở Lao động - Thương binh và xã hội sang Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, tệ nạn xã hội sang Sở Y tế; chuyển chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo sang Ban Dân tộc tỉnh.

Thừa Thiên - Huế thông qua 30 nghị quyết phát triển đô thị - Ảnh 3.

Các đại biểu chất vấn tại kỳ họp

ẢNH: HIẾU HOÀNG

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh: "Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, phải tăng tốc, bứt phá, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cả nhiệm kỳ; vừa phải triển khai đồng bộ việc chuyển tỉnh Thừa Thiên - Huế thành TP.Huế, thực hiện quyết liệt về sắp xếp, tinh gọn bộ máy; vừa phải tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 với vai trò, vị thế mới - thành phố trực thuộc T.Ư".

Nghị quyết 175 của Quốc hội và 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, do vậy Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo, triển khai công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.