Các chuyên gia đều đưa ra quan điểm cần phải dựng hàng rào kỹ thuật trong thương mại nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa.
Nông sản, thực phẩm là một trong những ngành cần được bảo hộ bởi hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập ngoại - Ảnh: D.Đ.M
|
Theo ông Nguyễn Bình Giang, Trưởng phòng Nông lâm thủy sản Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), các rào cản kỹ thuật đang tồn tại đối với xuất khẩu của VN chủ yếu ở nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Việc thiết lập công cụ bảo vệ doanh nghiệp (DN) nội địa bằng hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) cần có sự phối hợp của nhiều bộ ngành.
Bảo hộ linh hoạt
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, các hàng rào kỹ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ an toàn an ninh quốc gia nên được quan tâm chú trọng. Tham khảo các vụ kiện chống bán phá giá của các quốc gia phát triển áp dụng đối với hàng xuất khẩu của VN thì có thể thấy, các nước đều vận dụng khá khéo léo công cụ này. Không cần phải tìm lý thuyết đâu xa, hãy học cách mà các nước này đang làm và áp dụng một cách linh hoạt cho VN. “Nhất thiết phải có sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Công thương và một số ban ngành liên quan để có hàng rào không vi phạm luật hội nhập mà vẫn bảo vệ thị trường nội địa, tránh những cú sốc lớn về kinh tế từ trong và ngoài nước gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm, ảnh hưởng đến xã hội”, ông Thành nhấn mạnh.
|
Cụ thể hơn, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, người có kinh nghiệm đưa nhiều mặt hàng thực phẩm VN sang các thị trường phát triển, cho rằng: “Công bằng nhất và dễ nhất là VN nên tham khảo hàng rào tự vệ tại các quốc gia đang có tỷ lệ “ngăn sông cấm chợ” đối với hàng VN nhiều nhất để tạo lập hàng rào cho riêng mình. Cần tham khảo ý kiến nhiều DN trong nước để hoàn chỉnh và hàng rào cần được điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp thực tế”.
Chẳng hạn, Bộ NN-PTNT cần tham khảo luật Nông nghiệp Mỹ mới được ban hành từ tháng 2.2014, để xem cách thức kiểm soát và quy định đối với toàn bộ chuỗi sản xuất từ nuôi, vận chuyển, chế biến, đến xuất nhập khẩu của Mỹ thế nào. Phần nào có thể ứng dụng để hỗ trợ DN làm hàng xuất khẩu và dựng hàng rào bảo vệ mình. Về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cần tham khảo quy định của Úc, Nhật. “Ngay chính luật Chống bán phá giá của Mỹ cũng luôn được thay đổi nếu các quốc gia bị kiện kiến nghị hàng loạt. VN nên tham khảo các nước khác nhưng phải đi từ thực tế trong nước để làm sao vừa có lợi vừa nâng cao sức cạnh tranh cho DN nội địa”, ông Robert Trần nói. Ông cũng cho rằng việc xây dựng hàng rào tự vệ có thể bắt đầu từ 2 nhóm: nhóm hàng VN đang chiếm thị phần lớn trong nước, sản phẩm hoàn toàn có thể sản xuất tại VN; các nhóm hàng mà DN nội chiếm thị phần không lớn nhưng VN có khả năng sản xuất được để thay thế hàng nhập khẩu.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo phải rất cẩn trọng bởi TBT cũng là con dao hai lưỡi. Ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công thương, lưu ý: “Mỗi nước thành viên của WTO đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình. Tuy nhiên cần lưu ý TBT phải được xây dựng trên 6 nguyên tắc cơ bản: không đưa ra những cản trở không cần thiết đến hoạt động thương mại; không phân biệt đối xử; hài hòa hóa; bình đẳng; công nhận lẫn nhau; minh bạch”.
Theo chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, khi lập TBT, sự phối hợp các bộ ban ngành trong dựng hàng rào phải nhịp nhàng. “Đừng theo kiểu mạnh ai nấy làm như cách xây dựng một số dự thảo luật vừa qua, khiến các quy định chồng chéo, thậm chí trái ngược nhau về cách hiểu, gây khó cho DN”, ông Thành nói.
Còn theo ông Nguyễn Bình Giang, các cơ quan chức năng cần thường xuyên cập nhật thông tin về TBT, đẩy mạnh tuyên truyền về các cơ hội và thách thức mà VN phải đối mặt trong thực thi TBT. Nhất là đối với các hàng rào kỹ thuật của các thị trường chủ yếu (Nhật Bản, Mỹ, Nga, ASEAN, EU) và đối với các sản phẩm xuất khẩu quan trọng như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản thực phẩm. “Cần nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và quản lý nhập khẩu một cách đồng bộ, hiệu quả, ngăn chặn kịp thời việc nhập khẩu máy móc thiết bị và công nghệ lạc hậu, có khả năng làm tổn hại môi trường tiêu hao năng lượng, nguyên liệu. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa”, ông Giang nói.
Bình luận (0)