Thuận lòng dân, giải phóng mặt bằng tăng tốc

04/07/2024 04:13 GMT+7

Cơ chế mới, cách làm mới sáng tạo, hợp lý hợp tình đã giúp ngành giao thông TP.HCM bước đầu "hái trái ngọt" khi công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án ngày càng chạy nhanh.

Tình nguyện giao đất trước hạn

Trong 2 năm qua, 4 cửa ngõ Đông - Tây - Nam - Bắc của TP.HCM như biến thành đại công trường khi hàng loạt dự án trọng điểm đồng loạt khởi công, tăng tốc. Không chỉ ùn ùn tiếng máy móc làm đường, những con phố còn ngày ngày chìm trong khói bụi, trong tiếng ồn ào của hàng ngàn hộ dân đồng loạt tháo dỡ, sửa chữa nhà sau khi bàn giao mặt bằng cho các dự án. Một phần nhà bị đập nát, có những hộ bị giải tỏa trắng, có những người phải dọn ra khỏi căn nhà đã trải qua 4 đời gắn bó… nhưng đa phần các hộ dân đều sẵn sàng, chủ động sắp xếp tháo dỡ sớm để bàn giao mặt bằng trước thời hạn.

Thuận lòng dân, giải phóng mặt bằng tăng tốc- Ảnh 1.

Dãy nhà mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã lùi sâu sau khi bàn giao mặt bằng cho metro số 2

Nhật Thịnh

Tôi hay bảo anh em lúc nào mệt mỏi thì cứ xuống công trường, gặp người dân. Có những bà con 4 đời sống trong nhà đó, giờ bị giải tỏa trắng, mình vào cảnh đó cũng không biết làm nổi không. Nhìn đó để thấy mình mắc nợ với bà con, phải cố gắng đền đáp bằng tiến độ và chất lượng công trình. Phải để bà con được tái định cư trên quê hương, nhìn thấy quê hương phát triển từ sự đóng góp, hy sinh của họ.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM

Khởi công vào tháng 3.2023, dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn qua Q.Bình Tân) lên 30 m dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10 tới. Nếu như bên trong rào chắn, các kỹ sư, công nhân cùng máy móc đang ngày đêm chạy đua tiến độ thì bên ngoài, những hộ dân cuối cùng cũng đang gấp rút phá dỡ nhà để bàn giao nốt phần mặt bằng còn lại cho chủ đầu tư. Trả mặt bằng từ cuối tháng 1, gia đình chị Trần Thanh Liên (sống bên đường Tân Kỳ Tân Quý, đoạn qua nghĩa trang Bình Hưng Hòa) đã gần san lấp xong toàn bộ phần đất trước nhà và phần nào ổn định hoạt động buôn bán quán nước nhỏ. Theo chị Liên, dọc tuyến đường cũng có nhiều hộ kinh doanh nên hầu hết mọi người đã đồng ý giá bồi thường và sẽ rủ nhau tháo dỡ chung một lần, tái lập cho nhanh để mau chóng ổn định. "Nếu đã buộc phải dỡ thì làm luôn, làm nhanh để còn buôn bán. Một hộ chây ì cũng sẽ làm ảnh hưởng tới cả dự án, cuối cùng thì chính mình chịu thiệt. Chỉ mong có đất thì nhà nước làm nhanh, để bà con sớm có đường mới sạch, đẹp, ổn định cuộc sống", chị Thanh Liên nói.

Để mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, có tổng cộng 380 hộ dân, tổ chức thuộc 2 phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A của Q.Bình Tân phải giải tỏa một phần. Đến nay, hầu hết nhà dân dọc tuyến đã lùi sâu vào bên trong 10 m, giúp tuyến đường trở nên thông thoáng.

Tương tự, trên địa bàn Q.Tân Bình, từ cuối năm ngoái, hàng trăm hộ dân trên đoạn đường Hoàng Hoa Thám đã bắt đầu tháo dỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng cho dự án mở rộng đường kết nối vào nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất.

Có 3 căn nhà liền kề trên đường Hoàng Hoa Thám, một căn để ở, 2 căn cho thuê, song bà Trần Thị Thúy (Q.Tân Bình) là một trong những hộ giao mặt bằng sớm nhất. Bà Thúy chia sẻ: "Đã là quy định của nhà nước thì tuân thủ và việc mở rộng đường có lợi cho nhiều người nên mình chấp hành. Trước sau gì cũng phải đập nhà nên ăn tết xong, qua mùng 8 là tôi tiến hành tháo dỡ nhà luôn. Tất nhiên đập đi thì bất tiện, nhà tôi sẽ chỉ còn 11,5 m chiều dài, mất đi khoảng sân trước nhà làm chỗ để xe và trồng cây. Song đây là chủ trương chung. Sau 2 - 3 lần đàm phán, thay đổi thì nhà nước cũng đưa mức giá đền bù hợp lý mà người dân chúng tôi chấp nhận được. Chỉ mong đường mở rộng sớm, giải tỏa ùn tắc giao thông, con cháu đi học, đi làm được thuận lợi là người dân phấn khởi nhất".

Nếu đã buộc phải dỡ thì làm luôn, làm nhanh để còn buôn bán. Một hộ chây ì cũng sẽ làm ảnh hưởng tới cả dự án, cuối cùng thì chính mình chịu thiệt. Chỉ mong có đất thì nhà nước làm nhanh, để bà con sớm có đường mới sạch, đẹp, ổn định cuộc sống.

Chị Trần Thanh Liên (ngụ đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Bình Tân)

Gần đó ông Hồ Văn Thoại thông tin thêm: Theo quy định của Ban đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) thì sau khi nhận tiền, người dân có thời hạn 1 tháng để tháo dỡ, bàn giao mặt bằng. Nếu bàn giao đúng hạn thì hộ dân sẽ được hỗ trợ thêm 7,5 triệu đồng. Nhà ông Thoại lãnh tiền trước tết, được cộng thêm 15 ngày ăn tết nhưng ông vẫn tranh thủ tháo dỡ sớm với quan điểm mở rộng đường thì người dân đi lại dễ dàng hơn. Đường rộng thì hoạt động buôn bán ở đây cũng được tổ chức văn minh hơn nên làm sớm ngày nào tốt ngày đó.

Từ phía tây tại khu vực mở rộng QL50 cho tới gần trung tâm TP trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3 (đoạn xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương)… hàng ngàn hộ dân đều đang gấp rút bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư sớm hoàn thiện thi công các dự án. Không còn những hộ chây ì hay những vụ kiện tụng kéo dài cả chục năm như trước đây, hiện nay đa phần người dân đều bày tỏ mong muốn việc tháo dỡ, bàn giao mặt bằng nhanh chóng hoàn thiện để sớm ổn định cuộc sống.

"Trái ngọt" từ cơ chế, cách làm mới

Công tác bồi thường GPMB từ trước đến nay luôn được nhận định là nút thắt lớn nhất cản trở tiến độ các dự án giao thông của TP.HCM. Ước tính có tới hơn 80% các dự án, công trình ì ạch, chậm trễ do vướng mặt bằng. Nhiều dự án phải chờ đến gần 20 năm vẫn chỉ nằm trên giấy vì không tháo nổi nút thắt mặt bằng. Hay như cầu Long Kiểng mới khánh thành tại H.Nhà Bè cuối năm ngoái, cũng đã trải qua 4 lần điều chỉnh, với 20 năm không thể về đích do người dân không đồng thuận giao đất.

Thuận lòng dân, giải phóng mặt bằng tăng tốc- Ảnh 2.

Mặt bằng khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám đã sẵn sàng để triển khai các dự án

Nhật Thịnh

Từng "mắc kẹt" với các dự án vướng mặt bằng hàng chục năm, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), khẳng định công tác tái định cư, bồi thường GPMB là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định tiến độ và hiệu quả các dự án, đặc biệt là các công trình giao thông tại TP.HCM. Từ nửa cuối năm 2022 khi UBND TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) cao gấp 35 lần bảng giá đất và tiệm cận giá thị trường, đã mở đường cho công tác tái định cư, GPMB tại các dự án giao thông diễn ra thuận lợi. Tiếp sau đó, UBND TP cũng như lãnh đạo các địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo với quyết tâm lớn, sát sao từng đầu việc, mang đến một không khí rất mới. Từ Thành ủy tới UBND TP đã lập ra mô hình những ban chỉ huy, chỉ đạo, tổ giám sát rất sát sao, hiệu quả. Không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn động viên, nhắc nhở liên tục. Ở phía dưới, các địa phương cũng lập ban chỉ đạo, chỉ huy do đích thân Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo, phối hợp cùng các đoàn thể, Ban bồi thường GPMB, Mặt trận Tổ quốc, thậm chí cả hội phụ nữ… từng ngày, từng giờ đến làm việc với bà con, lắng nghe, chia sẻ, vận động để bà con hiểu và đồng thuận.

Đặc biệt, những thành quả kỷ lục từ dự án Vành đai 3 (rút ngắn 1 - 1,5 năm so với cách làm trước đây; chỉ 1 năm sau khi dự án được duyệt chủ trương đầu tư, TP.HCM đã bàn giao được hơn 70% mặt bằng để tiến hành khởi công công trình) đã chính thức thiết lập tâm thế mới, cách tiếp cận hoàn toàn mới: Vẫn những con người đó, vẫn ở TP.HCM nhưng nếu làm khác đi thì kết quả sẽ tốt hơn, nhanh hơn rất nhiều.

Từ tâm thế đó, thời gian qua, hàng loạt địa phương từ Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, TP.Thủ Đức… đã đồng loạt đưa ra nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt. Một số địa phương trở thành điểm sáng trong công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân như Q.7, H.Nhà Bè, Q.Bình Tân… tạo điều kiện cho những chùm dự án lớn có điều kiện thuận lợi để bứt tốc.

"Chủ trương chung là triển khai tái định cư tại chỗ cho bà con để không làm xáo trộn công ăn việc làm, sức khỏe và đặc biệt là thế hệ tiếp theo của gia đình. Khu vực tái định cư thì phải đảm bảo tiêu chí tiếp cận tốt nhất về hạ tầng giao thông, xã hội. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai kết nghĩa giữa khu thi công với khu tái định cư để thường xuyên thăm hỏi bà con sau khi chuyển chỗ ở. Đồng thời, bổ sung hạ tầng tiện ích như công viên nhỏ, thư viện, quỹ khuyến học… Cùng với đó, nhiều địa phương đã lần đầu tiên triển khai tư vấn bà con sử dụng tiền đền bù sao cho hiệu quả, hỗ trợ tiền sửa chữa nhà, hoặc miễn phí cấp sổ đỏ cho bà con… Các chính sách được vận dụng tối đa, linh hoạt và đa dạng trên từng địa phương với mục tiêu lớn nhất là có giải pháp tình nghĩa để đời sống bà con sau khi bàn giao mặt bằng chỉ được bằng hoặc tốt hơn trước. Đây là sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình làm và nhờ vậy, bà con mới hiểu, đồng thuận giao đất cho dự án", ông Lương Minh Phúc dẫn chứng.

"Tôi hay bảo anh em lúc nào mệt mỏi thì cứ xuống công trường, gặp người dân. Có những bà con 4 đời sống trong nhà đó, giờ bị giải tỏa trắng, mình vào cảnh đó cũng không biết làm nổi không. Nhìn đó để thấy mình mắc nợ với bà con, phải cố gắng đền đáp bằng tiến độ và chất lượng công trình. Phải để bà con được tái định cư trên quê hương, nhìn thấy quê hương phát triển từ sự đóng góp, hy sinh của họ", ông Phúc nói thêm.

Một lãnh đạo thuộc TP.Thủ Đức cho biết: "Trong quá trình tiếp xúc với người dân, có rất nhiều việc phải giải quyết bằng trái tim, không thể chỉ thuần làm bằng lý trí. Từng cán bộ phải lắng nghe từng trường hợp cụ thể, gặp gỡ rất nhiều lần và đưa ra phương án giải quyết hợp lý nhất cho bà con. Cùng với đó, các chủ đầu tư, sở, ngành cũng rất đeo bám, hỗ trợ. Có nhà thầu còn cùng địa phương hỗ trợ thêm cho những hoàn cảnh khó khăn như gia đình có người bị bệnh nan y, cần thêm chi phí… Nhờ vậy, có những việc vô cùng khó vẫn được hoàn thành, giúp dự án đẩy nhanh tiến độ".

Vẫn cần thêm cơ chế đột phá

Theo ông Lương Minh Phúc, những tác động tích cực từ công tác bồi thường GPMB đang giúp ngành giao thông TP.HCM dần xóa bỏ hình ảnh công trình gắn với điệp khúc chậm tiến độ. Đơn cử, cầu Long Kiểng sau khi nhận 100% mặt bằng sạch đã thi công vượt tiến độ 3 tháng so với thời gian dự kiến. Sự mong mỏi, hy sinh của bà con cũng tác động ngược lại tới các chủ đầu tư, những người trực tiếp thi công công trình, phải làm sao làm thật nhanh, thật gọn, làm xong sớm ngày nào quý ngày ấy, xem công trình như món quà kính tặng, tri ân cho bà con.

Thuận lòng dân, giải phóng mặt bằng tăng tốc- Ảnh 3.

Nhiều người dân ở TP.Thủ Đức đến làm thủ tục nhận tiền bồi thường, giao mặt bằng cho dự án Vành đai 3

Sỹ Đông

Tuy nhiên, giai đoạn từ nay đến 2025 và 2026 - 2030 là cao điểm triển khai những công trình giao thông rất lớn như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; khép kín Vành đai 2 đoạn 1, 2; Vành đai 4… đồng nghĩa khối lượng giải tỏa rất lớn. Đặc biệt, có những dự án phạm vi dọc sông, kênh, rạch, đòi hỏi cần thêm nhiều cơ chế đột phá hơn, cách làm sáng tạo hơn.

"Các nhà trên sông, kênh, rạch… là nơi cần sự đột phá đúng nghĩa. Nhiều hộ gia đình gần như không có hồ sơ pháp lý căn nhà. Có trường hợp một căn hộ nhưng bà con đã chia nhau bán cho 5 - 6 chủ không chính thức, một hộ nhưng sở hữu cả chục người… Nếu cứ áp theo quy định, quy chuẩn thì có khi chỉ đền bù 0 đồng… Vì thế, UBND TP đang giao các sở, ngành nghiên cứu giải pháp vừa đột phá, vừa phải mang tính nghĩa tình đối với các trường hợp nhà ven/trên sông, kênh rạch… Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chuẩn bị bài bản hơn về quỹ đất, quỹ nhà tái định cư đạt chuẩn, đảm bảo điều kiện tốt cho người dân. Cùng với những cơ chế mới của luật Đất đai sắp có hiệu lực từ 1.8 sẽ tạo cộng hưởng tốt hơn nữa, đẩy nhanh công tác thu hồi tái định cư cho các dự án giao thông", chủ đầu tư hầu hết dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM kỳ vọng.

Năm nay, áp lực giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM rất lớn, lên tới 79.263 tỉ đồng, chiếm phần lớn là các công trình hạ tầng giao thông. Để đạt mục tiêu này, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành rút ngắn 30% thời gian làm thủ tục dự án, áp dụng nhiều cách làm mới, vận dụng triệt để cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để các dự án giao thông thật sự được "phá rào". Các chuyên gia nhận định kinh tế TP.HCM nghẽn vì hệ thống hạ tầng giao thông. Vì thế, khi giao thông được tháo gỡ, chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là môi trường đầu tư.

TP.HCM đang chuẩn bị thủ tục đầu tư 5 dự án BOT đầu tư trên tuyến đường hiện hữu, gồm: mở rộng QL13 (từ cầu Bình Triệu đến giáp Bình Dương); mở rộng QL1 (từ đường Kinh Dương Vương đến giáp Long An); cải tạo, nâng cấp QL22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Tổng mức đầu tư của 5 dự án là 44.591 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách TP.HCM dự kiến gần 28.000 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.