Thống kê của Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết ngành thức ăn chăn nuôi (TACN) có 265 công ty. Trong đó, khối doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dù chỉ có 89 DN nhưng sản lượng chiếm tới 60% toàn ngành.
Đại lý cũng ưu tiên bán cho DN ngoại
Ông Dương Văn Sẻn (làm nghề nuôi tôm, ở xã Hòa Tú 1, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) kể ở vùng này đại lý bán TACN thì nhiều nhưng sản phẩm chỉ quanh quẩn mấy cái tên quen thuộc của nước ngoài như C.P, Cargill, De Heus hay Japfa… Hỏi thì đại lý tư vấn là các thương hiệu thức ăn này tốt, hiệu quả cao nhưng theo ông Sẻn, đại lý luôn ưu tiên bán hàng cho các DN có chiết khấu cao và ưu đãi lớn.
Chế biến thức ăn chăn nuôi của VN “thua đậm trên sân nhà” |
Quang Thuần |
“Bằng chứng là người nuôi tôm thì có năm thất năm trúng chứ đại lý thì chỉ ngày càng giàu thêm. Nhưng cũng phải nói thật, một ao tôm là bao nhiêu vốn liếng trong đó, bây giờ bảo sử dụng thức ăn của một công ty mới mình cũng không dám mạo hiểm”, ông Sẻn nói.
Đó có lẽ cũng là suy nghĩ của hầu hết người chăn nuôi ở nhiều lĩnh vực khác theo quy mô nông hộ ở VN. Ở phân khúc chăn nuôi công nghiệp, các DN FDI cũng chiếm tỷ lệ chi phối, nên việc họ thống lĩnh thị trường TACN là điều đương nhiên.
Sau dịch Covid-19, trong khi nhiều ngành kinh tế đang đối mặt khó khăn thì các DN ngành TACN vẫn khá lạc quan khi có tới 57% DN đánh giá tăng trưởng khả quan và tốt hơn một chút so với trước, có hơn 14% đánh giá duy trì tốc độ tăng trưởng và 28,6% đánh giá tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút. Về trung và dài hạn, thị trường TACN của VN được dự báo tiếp tục tăng trưởng ở mức khá cao.
Tiềm năng phát triển của thị trường chăn nuôi và TACN VN lớn đến mức độ nào? Về điều này, có lẽ không ai rõ hơn Tập đoàn De Heus (Hà Lan). De Heus vừa mạnh tay mua lại 14 nhà máy TACN từ Masan. Thương vụ hoàn tất đầu năm nay biến De Heus trở thành DN sản xuất TACN lớn nhất VN với 22 nhà máy và VN cũng thành “đại bản doanh” của họ tại châu Á.
Trước De Heus, Tập đoàn C.P (Thái Lan) chính là gã khổng lồ tại thị trường VN với thị phần thời điểm cao nhất lên đến khoảng 20%. Bên cạnh 2 gã khổng lồ trên, có nhiều tên tuổi lớn làm ăn rất hiệu quả như Cargill (Mỹ) năm 2020 lãi sau thuế đến 939 tỉ đồng, tăng 46% so với năm 2019 hay như Japfa (Indonesia) lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 1.964 tỉ đồng tăng gấp 3,4 lần so với năm 2019.
Chăn nuôi VN chỉ đạt trình độ… làm thuê
Với vai trò là một nhà thương mại nông sản, một đầu mối cung cấp nguyên liệu TACN nhập khẩu, ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro ở TP.HCM, phân tích: Có 3 nguyên nhân chính làm cho DN VN thất thế trước FDI trên sân nhà. Thứ nhất, DN nước ngoài có thế mạnh về trường vốn. Thứ hai, sở hữu công nghệ mang tính dẫn dắt . Thứ ba, quan trọng nhất là giá cả nguyên liệu đầu vào.
Theo đó, các thương hiệu dẫn đầu thị trường VN hiện tại đều là các thương hiệu toàn cầu. Đặc biệt, một số còn đến từ những quốc gia có nền chăn nuôi phát triển rất cao như Hà Lan, Mỹ hay Hàn Quốc. Họ không chỉ phát triển một ngành hay một chuỗi giá trị mà là cả một hệ sinh thái ngành chăn nuôi từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, rồi chăn nuôi, chế biến sản phẩm sau chăn nuôi. Là những tập đoàn toàn cầu, có lịch sử phát triển lâu đời nên sức mạnh về vốn, trình độ khoa học công nghệ, kiến thức sâu và mạng lưới kết nối rộng, nên họ luôn đi đầu và bỏ lại DN Việt một khoảng cách rất xa.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khiến ngành chế biến TACN VN không thể cạnh tranh nổi là do nhập khẩu nguyên liệu. Tại VN, chi phí thức ăn chiếm khoảng 80 - 85% giá thành chăn nuôi, trong khi nguồn cung TACN nhập khẩu lên đến 70 - 80% với các mặt hàng ngô, lúa mì, đậu tương…
Thế nên, giá thành TACN của DN trong nước không có “cửa”. Chưa kể DN FDI còn có lợi thế khi họ có thể đàm phán các hợp đồng lớn với giá rất cạnh tranh so với DN VN. “Mỗi tấn nguyên liệu nhập vào chỉ cần rẻ hơn chúng ta 5 - 10 USD/tấn là coi như DN VN thua rồi”, ông Khánh cho biết và nói thêm cũng có một số DN VN đàm phán giá mua nguyên liệu rất tốt, tốt hơn cả DN FDI nhưng nhiều khi cái “khéo” DN Việt lại không đồng nghĩa với uy tín lâu dài trên thương trường nên lại rất khó phát triển ổn định.
Vẫn biết nhận diện những điểm mạnh và điểm yếu đó để khắc phục và phát triển, tuy nhiên theo ông Khánh, ngành TACN của VN đang rơi vào câu chuyện luẩn quẩn “con gà và quả trứng”. Để có trường vốn mạnh thì đòi hỏi DN phải làm ăn hiệu quả. Để làm ăn hiệu quả thì cần có kiến thức, kinh nghiệm, đầu tư vào khoa học công nghệ… Nhưng để có được những yếu tố này thì lại liên quan tới vấn đề vốn, thời gian và chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Đề cập đến ngành chăn nuôi và chế biến TACN, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ, thừa nhận: “Mình thua rồi. Giờ chỉ biết chấp nhận đi làm thuê cho DN nước ngoài thôi”.
Theo ông Ngọc, những năm qua, một số đại gia VN cũng nhìn thấy tiềm năng lớn trong lĩnh vực này, bên cạnh đó cũng có thể là sự tự hào dân tộc nên bỏ vốn đầu tư. Tuy nhiên, thực tế ngay cả “ông lớn” Masan cũng phải chấp nhận bán lại 14 nhà máy TACN cho nước ngoài. Trước đây, thương hiệu Con Cò cũng bán cho nước ngoài.
“Vì sao như vậy? Vì họ thật sự có kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm trong những lĩnh vực này. Mà chăn nuôi bây giờ là một ngành khoa học về con giống và dinh dưỡng vật nuôi chứ không còn đơn thuần là một ngành kinh tế. Trình độ của DN FDI đã ở một khoảng cách rất xa so với DN VN. Tôi phải thành thật mà nói, bây giờ họ không cần quảng cáo tiếp thị gì thì người ta cũng mua hàng của họ vì người ta nhận thấy hiệu quả của sản phẩm. Nhìn ngược lại ngành chăn nuôi, chúng ta thấy sự manh mún nhỏ lẻ và lạc hậu đến mức mới đây, Singapore đang có nhu cầu nhập khẩu thịt gà trong khi VN đang thừa gà mà không có một trại nào đủ tiêu chuẩn để xuất. Rất đáng buồn!”, ông Ngọc nói.
Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng TACN công nghiệp ước đạt 10,5 triệu tấn tương đương so với 6 tháng đầu năm 2021; trong đó thức ăn cho heo chiếm khoảng 55% tổng sản lượng toàn ngành, tăng khoảng 13,2% so với năm trước.
Bình luận (1)
GREENFEED Là doanh nghiệp Việt cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ và riêng chất lượng Heo thì luôn là số 1