Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho ngành điện miền Nam

24/10/2022 08:00 GMT+7

Để thực hiện lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã ký kết hợp tác với Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel.

Lễ ký kết hợp tác giữa Tổng công ty Điện lực miền Nam và Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel

ẢNH: HOÀNG KHÔI

Mục tiêu EVNSPC trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025

Tại TP.HCM, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vừa tổ chức lễ ký kết hợp tác với Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions). Sự kiện này đánh dấu bước phát triển quan trọng, một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số toàn diện của ngành điện miền Nam.

Ông Đoàn Đại Phong, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions, cho biết việc ký kết hợp tác với EVNSPC giai đoạn 2022 - 2027 trong 5 lĩnh vực quan trọng nhằm phối hợp và hỗ trợ EVNSPC trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Theo đó, Viettel sẽ thực hiện tư vấn, đánh giá kiến trúc và xây dựng các giải pháp chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Kinh doanh và dịch vụ khách hàng; hạ tầng số và ứng dụng công nghệ trong vận hành khai thác hệ thống; công tác khai thác dữ liệu lớn; xây dựng hệ thống an toàn thông tin và nâng cao kỹ năng số cho EVNSPC.

Đại diện EVNSPC cho biết, trong thời gian qua, Viettel và EVNSPC đã triển khai nhiều dự án trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Nối tiếp những kết quả đạt được, các giải pháp chuyển đổi số sẽ được Viettel nghiên cứu, tư vấn và “may đo” theo nhu cầu thực tế và đặc thù của EVNSPC. Tận dụng những lợi thế sẵn có của từng đơn vị, thời gian tới, Viettel sẽ đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới và hiện đại nhất như: giải pháp triển khai các mô hình hạ tầng dữ liệu và điện toán đám mây với cơ chế bảo mật, an toàn phù hợp giúp EVNSPC triển khai nhanh các hệ thống, giải pháp và tối ưu chi phí, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm chuyển đổi từ hạ tầng dữ liệu vật lý truyền thống sang nền tảng điện toán đám mây phù hợp với EVNSPC.

Tại lễ ký kết, ông Nguyễn Phước Đức, Tổng giám đốc EVNSPC, cho biết với vai trò là một trong những thành viên trụ cột của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNSPC đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số. Việc này nhằm tận dụng hiệu quả nhất các thành tựu của công nghệ số để xây dựng hệ sinh thái tích hợp với công nghệ hiện đại giải quyết các bài toán về quản trị doanh nghiệp trong quá trình hoạt động phát triển của EVNSPC. Đồng thời, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trọng tâm theo đúng lộ trình, mục tiêu Tập đoàn Điện lực Việt đã ban hành là EVNSPC cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào cuối năm 2022 và trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.

Kết quả nổi bật trong lộ trình chuyển đổi số của EVNSPC

Cũng theo ông Nguyễn Phước Đức, đến thời điểm này, EVNSPC đã hoàn thành trên 97% khối lượng thực hiện của 5 lĩnh vực chuyển đổi số trọng tâm, gồm: Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất; Chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng; Chuyển đổi số trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; Chuyển đổi trong lĩnh vực quản trị nội bộ; Nâng cao năng lực hạ tầng số viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT).

Trong lĩnh vực kết nối với các hệ thống quốc gia, EVNSPC đã hoàn thành kết nối kỹ thuật tích hợp dịch vụ xác thực và chia sẻ thông tin công dân bằng số CCCD/CMND với CSDL Quốc gia về dân cư thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia; Hoàn thành thiết lập hạ tầng CNTT để kết nối tới hệ thống CSDL Quốc gia về dân cư; Kết nối với Tổng cục Thuế và trên 28 ngân hàng/tổ chức thanh toán để triển khai dịch vụ hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt giúp khách hàng thuận tiện trong các hoạt động kết nối với ngành điện và tham gia quá trình thúc đẩy phát triển xã hội số theo chiến lược chuyển đổi số quốc gia…

Trong các lĩnh vực quản trị điều hành, EVNSPC đã triển khai áp dụng hệ thống văn phòng số Digital Office đến toàn bộ 374 đơn vị trực thuộc trong toàn tổng công ty. Số lượng văn bản điện tử ký số toàn EVNSPC trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt tỷ lệ 94,8% trên tổng số văn bản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.