Thúc đẩy xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế

Mai Phương
Mai Phương
26/02/2022 06:51 GMT+7

Hôm qua 25.2, TP.HCM tổ chức Hội thảo “Đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế” với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu để hoàn thiện đề án sớm trình Chính phủ.

Tầm nhìn toàn cầu

Đề án xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) TP.HCM theo mô hình đi lên từ một TTTC quốc gia, bước đầu là TTTC khu vực gắn với xu thế thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và phù hợp với điều kiện thực tế của TP.HCM và Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025. Từ 2026, TTTC TP.HCM sẽ được tự do hóa tài chính mạnh hơn để trở thành một TTTC toàn cầu.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh xây dựng TTTC TP.HCM là tầm nhìn toàn cầu chứ không phải chỉ là khu vực. Quá trình phát triển phải đi theo hướng chắc chắn nhưng cần phải đột phá chính sách để đi được. Các trụ cột đều quan trọng để tập trung phát triển thị trường vốn dài hạn, thu hút được các tập đoàn vốn, các quỹ đầu tư tầm cỡ là “sếu đầu đàn” để làm sao đưa vốn vào lĩnh vực công nghệ số, công nghệ tài chính (Fintech), kể cả ngân hàng số hay đồng tiền số… TS Nguyễn Xuân Thành, Trường ĐH Fulbright, đánh giá TP.HCM có gần 200 doanh nghiệp (DN) Fintech nhưng chủ yếu là các đơn vị trung gian thanh toán, công nghệ, liệu sắp tới những đơn vị đó có thể trở thành những tổ chức tài chính số hay không. Tương tự, hiện nay Việt Nam có nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán nhưng để phát triển TTTC cần phải có các tập đoàn tài chính kinh doanh đa ngành mà không chỉ là huy động vốn, môi giới hay tự doanh. Ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam cũng mới chỉ được cấp phép dịch vụ truyền thống. Vì vậy ông đề xuất cần chuẩn bị kỹ đề án để trình trung ương và triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030 với một số chính sách đột phá để TTTC TP.HCM vươn lên, có khả năng ngang bằng Thái Lan và trở thành một TTTC mạnh trong khu vực ASEAN. Chẳng hạn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xây dựng khung pháp lý cho ngân hàng số và cấp phép hoạt động thí điểm. Hay có nhiều dạng Fintech không biết phân vào đâu là công nghệ, tài chính hay ngân hàng thì có thể giao quyền cho TTTC được quyền cấp phép trên cơ chế Sandbox (khung pháp lý thí điểm).

TP.HCM mong muốn có một trung tâm tài chính tầm cỡ toàn cầu

Ngọc Dương

Đột phá từ thể chế tài chính

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (ĐH Quốc gia TP.HCM), các công ty Fintech Việt Nam hoạt động rất đa dạng, có mặt ở hầu hết tất cả các mảng của Fintech, kể cả các mảng đòi hỏi trình độ cao hoặc phức tạp như chuỗi khối, so sánh, chấm điểm tín dụng, ngân hàng số, tập trung nhiều nhất vẫn là ở mảng thanh toán với hơn 20% DN. PGS-TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nhận định Fintech đang định hình lại sự phát triển và tương lai của ngành dịch vụ tài chính nên trong quá trình phát triển TTTC cần phải khuyến khích, xây dựng hệ sinh thái Fintech TP.HCM. Trong đó phải hoàn thiện pháp lý về đầu tư mạo hiểm để thu hút các nhà đầu tư thiên thần (những người có khối tài sản đầu tư lớn, hỗ trợ tài chính cho các DN, công ty khởi nghiệp với mục đích đổi lấy quyền sở hữu trong công ty). Chính phủ có thể trao quyền cho TP.HCM chủ trì áp dụng khung pháp lý thí điểm cho các hoạt động liên quan cho Fintech, kể cả tiền mật mã dưới sự hỗ trợ và giám sát của NHNN và các bộ…TS Khánh nhấn mạnh: “Nếu không mạnh dạn trao quyền cho TP.HCM thì rất lâu mới có được khung pháp lý để hỗ trợ sự phát triển của Fintech và TTTC toàn cầu”.

Ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, góp ý nên sửa lại đề án là xây dựng TTTC quốc gia có “hộ khẩu” tại TP.HCM, là nơi chứa đựng những quy phạm pháp luật mới về tài chính, nhất là phải sửa luật tài chính hiện hành. Vì chỉ thay đổi mới có thể mở được hàng hóa tài chính, dịch vụ tài chính. 10 năm trước, khi còn làm Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), ông Phước đã đề xuất đưa ra quy định lần đầu tiên cho phép cá nhân được thực hiện các giao dịch ngoại tệ kỳ hạn và giao dịch quyền lựa chọn tiền tệ với các ngân hàng. Thế nhưng hiện nay lại không còn nữa. “Rủi ro khi xây dựng TTTC này vẫn là thể chế tài chính. Để đề án có hiệu quả thì phải có người có trách nhiệm cùng TP.HCM đột phá vào thể chế này. Vấn đề là ai sẽ thay đổi các quy định để chấp nhận điều đó?”, ông Phước nói.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến cho đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế

mai Phương

Không còn thời gian để... làm chậm

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhấn mạnh: Cần có cách làm đột phá, vượt trội nhưng phải có lộ trình. Hãy đặt câu hỏi tại sao nhà đầu tư lại chọn TTTC Việt Nam mà không phải Dubai hay Singapore? Việt Nam cần phải có gì hấp dẫn hơn? Sự tương đồng, tự do hóa về đầu tư ra nước ngoài như thế nào? Làm sao giải quyết được tự do hóa cán cân thanh toán quốc tế và chuyển đổi đồng tiền… “Đã từng có chiến lược đến năm 2020 đồng tiền Việt Nam được chuyển đổi nhưng đến nay vẫn không có, nên tôi không chắc đến năm 2030 thực hiện được. Các chính sách, luật lệ có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà đầu tư quốc tế, nhà đầu tư tài chính. Thời gian không còn nhiều, chỉ 3 năm, 5 năm nữa và chúng ta không thể bỏ lỡ được. Nếu định trình đề án với Quốc hội thì trước hết phải nằm trong chương trình hành động của Chính phủ để thúc đẩy quá trình này. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong một lần tư vấn với Bộ KH-ĐT đã phát biểu, mọi thay đổi, cải cách đều khó khăn vì luôn có sự phản đối. Cái gì đột phá thì không có 100% đồng thuận và nếu cái gì có 100% đồng thuận thì không có đột phá”, TS Thành nói.

Đồng quan điểm, GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, góp ý TTTC thế hệ mới có 2 yếu tố đẩy và kéo để tạo ra sự khác biệt. Yếu tố địa chính trị thay đổi kéo chúng ta cần TTTC. Ví dụ dòng vốn tiết kiệm ở Nhật Bản lên hàng ngàn tỉ USD nhưng TTTC Tokyo chưa phải là TTTC quốc tế nên họ vẫn muốn chuyển dòng vốn tiết kiệm ra ngoài. Hay ngoài TTTC Seoul, Hàn Quốc vẫn muốn xây dựng TTTC ở Busan chuyên về lĩnh vực hàng hải mà chưa nơi nào có. Vậy TP.HCM có thể xây dựng TTTC về logistics được không? Đó là tạo ra sự khác biệt. Kế đến cần phải có nhà nước đẩy, chính quyền TP.HCM thúc bằng tất cả nguồn lực để phát triển TTTC vì không phải từ thương mại đi lên như Singapore, Hồng Kông trước đây. Ông Thơ nhấn mạnh: “Chúng ta không thể tiếp cận theo hướng chờ Chính phủ, trung ương vì đã chờ đợi 20 năm rồi. Mới đây Trung Quốc đã cho thành lập TTTC Thiên Tân với tên gọi Khu trình diễn tài chính và Khu khởi đầu đổi mới với cơ chế đặc thù. Vì vậy TP.HCM cứ làm nhưng cần bổ sung thêm đề án một số nội dung như TTTC sẽ tạo ra thêm bao nhiêu việc làm, góp thêm bao nhiêu GDP, cơ cấu tín dụng ngân hàng sẽ thay đổi như thế nào…”.

Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay thành phố sẽ tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp từ các chuyên gia. Đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng đã có lịch đăng ký làm việc với NHNN, một số bộ ngành xoay quanh đề án này và tiếp tục lắng nghe ý kiến để xây dựng TTTC với mục tiêu phát triển cho quốc gia và TP.HCM.

Đề án xây dựng TTTC TP.HCM gồm ba cấu phần. Thứ nhất là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng với mục tiêu thu hút và phát triển ngân hàng theo hướng hình thành các tập đoàn tài chính; thúc đẩy các dịch vụ và thị trường tiền tệ mới gắn với đổi mới công nghệ, tập trung phát triển các DN startup về công nghệ tài chính (Fintech) và ngân hàng số. Thứ hai là thị trường vốn, bao gồm phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu DN; dịch vụ quản lý quỹ đầu tư và quản lý tài sản phục vụ nhà đầu tư nội địa và quốc tế... Thứ ba là thị trường hàng hóa phái sinh, gồm việc hình thành và phát triển Sở Giao dịch hàng hóa TP.HCM; kết nối các sở giao dịch hàng hóa và nhà đầu tư toàn cầu...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.