Thực hiện '5 đúng' để đảm bảo an toàn tiêm chủng

Liên Châu
Liên Châu
06/11/2021 04:08 GMT+7

Để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, tránh nhầm lẫn về loại thuốc , vắc xin, liều dùng, đường dùng, nhân viên y tế và người đưa trẻ đi tiêm cần lưu ý quy tắc “3 tra - 5 đối - 5 đúng”.

Liên quan đến an toàn tiêm chủng, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng ((Bộ Y tế)), đặc biệt lưu ý: “Cần đảm bảo mỗi cán bộ tham gia công tác tiêm chủng đều phải thuần thục kỹ năng thực hành tiêm chủng, thực hiện đúng quy trình tiêm chủng, đồng thời nâng cao kỹ năng thực hiện quy trình giám sát tổ chức buổi tiêm chủng”.

Theo ý kiến của chuyên gia, thực tế chúng ta đã ghi nhận một số trường hợp tai biến y khoa do tiêm nhầm thuốc, và đã có trường hợp trẻ sơ sinh tử vong. Những lỗi có thể gặp trong thực hành tiêm chủng là: chưa tuân thủ nghiêm túc “3 tra 5 đối”; chưa tuân thủ đầy đủ quy định bảo quản vắc xin riêng biệt; quy trình tiêm chủng tại điểm tiêm chưa bố trí “một chiều”. Khi tập huấn về an toàn tiêm chủng còn nặng về lý thuyết, chưa chú trọng nhiều thực hành về kỹ năng sử dụng vắc xin, dung môi.

PGS-TS Trần Đắc Phu chia sẻ bảng nhắc góp phần hỗ trợ tránh nhầm lẫn khi sử dụng vắc xin

Ng. Đoàn

PGS Trần Đắc Phu cho rằng để đảm bảo an toàn tiêm chủng trong thực hành tiêm chủng, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ y tế, đặc biệt là trưởng trạm y tế. Nâng cao chất lượng công tác tập huấn; trong đó, cần đảm bảo đủ thời gian, nội dung phù hợp với từng tuyến, chú trọng vào thực hành tiêm chủng, đảm bảo thời gian thực hành cho các học viên tối thiểu chiếm 50% thời gian tập huấn. Tăng cường chất lượng công tác giám sát bao gồm giám sát từ tuyến trên và giám sát tại chỗ mà đóng vai trò quan trọng là trưởng trạm y tế. Xây dựng các quy trình giám sát chuẩn, bảng kiểm chuẩn và đào tạo kỹ năng giám sát.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường sự tham gia giám sát của phụ huynh khi đưa con đi tiêm chủng đối với thực hành tiêm chủng của cán bộ y tế. Phụ huynh cần chủ động hỏi và đề nghị cán bộ y tế cho xem loại vắc xin được tiêm chủng cho con mình.

Thực hiện tiêm chủng an toàn

Kiểm tra vắc xin, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng.

Cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc xin trước khi tiêm chủng.

Thực hiện tiêm đúng đối tượng chỉ định tiêm chủng, đúng vắc xin, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời điểm.

(Điểm 6 Điều 11 Thông tư số: 34/2018/TT-BYT ngày 12.11.2018)

Ông Phu chia sẻ trước đây chúng ta đã có các bảng nhắc tại điểm tiêm, trong đó ghi rõ, người đưa trẻ đi tiêm cần hỏi và xem loại vắc xin được tiêm cho trẻ trong lần tiêm này. Việc này cũng cần áp dụng với chính những người lớn khi đi tiêm phòng. Nhân viên tiêm chủng cần cung cấp thông tin khi được hỏi, vì như vậy là đã hỗ trợ nhân viên y tế thực hiện an toàn tiêm chủng tốt hơn.

Bảng nhắc ghi rõ yêu cầu với nhân viên tiêm chủng, đó là phải kiểm tra, đối chiếu “5 đúng”: đúng đối tượng, đúng lịch tiêm, đúng vắc xin (loại, hạn dùng), đúng liều lượng, và đúng đường sử dụng.

PGS Trần Đắc Phu lưu ý các lỗi tiêm chủng có thể xảy ra ngay từ khâu sắp xếp bảo quản vắc xin như để lẫn lộn giữa các loại vắc xin trong 1 tủ, nhất là các vắc xin có hình thức đóng gói giống nhau, quá trình lấy vắc xin ra tiêm không kiểm tra đối chiếu, khi tiêm không xem kỹ lưỡng loại vắc xin cần tiêm, khi tiêm không hỏi, trả lời cho phụ huynh, người tiêm về loại vắc xin cần tiêm cho họ, cũng như cha mẹ không hỏi về vắc xin sẽ tiêm cho con mình… Chỉ cần bỏ sót là có thể dẫn tới tiêm nhầm vắc xin và phải trả giá, vì không phải lúc nào người thi hành công vụ cũng tỉnh táo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.