Anh Trần Gia Bảo (31 tuổi, tài xế Grab, ở đường Âu Cơ, P.9, Q.Bình Tân) đã nói nghe tin giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như.. ‘sét đánh ngang tai’, công việc mưu sinh mà anh làm suốt 3 năm qua phải tạm ngừng.
‘Nói thiệt là buồn lắm’!
"Hôm qua nghe anh em đồng nghiệp bàn tán, tôi cứ tưởng 'tin vịt'. Nhưng khi Grab thông báo chính thức thì tôi nghe như sét đánh ngang tai. Tôi đang lo số tiền dành dụm ít ỏi sẽ lo được bao nhiêu bữa ăn cho vợ với con nhỏ. Nói thiệt là buồn lắm", anh Bảo trải lòng.
|
Chẳng riêng anh Bảo, đó là nỗi lòng của hầu hết người hành nghề xe ôm công nghệ khi TP.HCM chính thức áp dụng Chỉ thị 16. Bởi lẽ, họ đã chọn nghề này làm kế sinh nhai suốt thời gian qua. Có người gắn bó từ khi dịch vụ xe ôm công nghệ bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam đến giờ. Thế nhưng, ít nhất trong 15 ngày, họ phải tạm rời công việc này.
"Buồn lắm. Rầu lắm. Tiền chạy xe hàng ngày là nguồn thu nhập chính của cả nhà mà. Đó là miếng cơm manh áo của gia đình. Giờ không được chạy thì khổ thật", anh Vũ Hùng Sơn (28 tuổi, tài xế Be, ở P. Tân Sơn nhì, Q.Tân Phú), ta thán.
|
Anh Trần Đức Long (36 tuổi, tài xế Gojek, ở P. Tân Thành, Q.Tân Phú) cho biết giai đoạn không có dịch, mỗi ngày chạy khoảng 25 cuốc xe. Thu nhập tầm 300.000 - 400.000 đồng. Khi Covid-19 xuất hiện, dịch liên tục diễn biến khó lường, thu nhập đã giảm xuống. Những đợt TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15, 10, lượng khách cũng ít hẳn, mỗi ngày chỉ kiếm được 130.000 - 170.000 đồng. "Còn nay thì áp dụng Chỉ thị 16 phải ở nhà. Không còn thu nhập. Tôi chưa biết xoay sở thế nào để có chi phí sinh hoạt", anh Long kể.
"Thôi kệ, phải chống dịch trước cái đã"!
Dễ nhận ra, khi TP.HCM tạm dừng xe ôm công nghệ, cuộc sống của giới bươn chải bằng nghề này vốn dĩ đã 'bữa đói bữa no', nay khó khăn lại càng chồng chất thêm với những nỗi lo toan.
Mặc dù đối diện với cảnh thâm hụt thiếu thốn trước mắt, nhưng đa số tài xế xe ôm công nghệ đều cho biết ủng hộ quyết định của TP.HCM để góp phần vào nỗ lực phòng, chống dịch mà TP.HCM đang quyết liệt triển khai theo Chỉ thị 16.
Anh Đào Công Danh (26 tuổi, tài xế Grab, ở đường số 18B, Bình Hưng Hòa A, Bình Tân), cho biết dù hiện tại shipper (người giao hàng) được hoạt động. Tuy nhiên các hàng quán, dịch vụ ăn uống đã phải tạm dừng, nên người chuyên lĩnh vực Grabbike (chở khách) GrabFood (giao nhận thức ăn nhanh) nên anh phải... thất nghiệp.
|
"Thôi kệ, phải chống dịch trước cái đã. Miếng ăn thì kiếm sau. Giờ lo bảo vệ sức khỏe, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, để giữ an toàn cho bản thân cũng như cho cộng đồng. Tôi tự nhủ đây là thời gian nghỉ ngơi sau hai năm chạy xe ôm xuyên suốt bất kể nắng mưa", anh Danh nói.
Tương tự, anh Huỳnh Phan Vũ (30 tuổi, tài xế Gojek, ở P. Hiệp Thành, Q.12), nói: "Khi biết tin, ban đầu tôi buồn muốn khóc luôn. Nhưng mà nghĩ lại, thà tạm ngưng hoạt động nửa tháng để tình hình dịch bớt căng thẳng, còn hơn là để dịch 'lộng hành' phải tạm ngưng chạy xe cả vài tháng. Biết là nhiều người đồng nghiệp trong giới sẽ khổ, không có tiền tích lũy. Nhưng mong là mọi người hãy cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này".
Trong khi đó, trong cái khó nhiều người đã 'ló' cách thích ứng để vượt qua những ngày cơ cực. Anh Nguyễn Thiện Lực (29 tuổi, tài xế Grab ngụ ở P. Tân Phong, Q.7) cho biết dịch vụ giao hàng theo yêu cầu và đi chợ vẫn được hoạt động nên sẽ bật hai lựa chọn này để có công việc làm, bù đắp thu nhập trong thời gian công việc chính là chở khách bị tạm ngưng hoạt động.
Hiện, nhiều tài xế xe ôm công nghệ cũng cấp tập tham gia đào tạo trực tuyến để tài khoản được kích hoạt dịch vụ giao hàng theo yêu cầu và đi chợ.
"Tôi đang 'ôn bài' để cố gắng thi đậu làm dịch vụ đi chợ. Cũng khó lắm vì phải trải qua bài kiểm tra. Nhưng tôi sẽ cố gắng", anh Hoàng Anh Phúc (30 tuổi, tài xế Grab, ở P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân), kể.
Suốt thời gian qua, đặc biệt là từ đêm qua đến nay, giới shipper của các ứng dụng công nghệ cũng kêu gọi nhau khi hoạt động phải thực hiện khai báo y tế đầy đủ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, nên khuyến nghị khách hàng không nên thanh toán tiền mặt mà hãy chuyển khoản, giữ khoảng cách an toàn 2m trong suốt quá trình giao nhận hàng hóa, nên đeo găng tay và thường xuyên khử khuẩn tay, chấp hành tốt quy định của Chỉ thị 16...
Bình luận (0)