Thực hư cây mắc ca ‘không ra quả’, người dân Thanh Hoá chặt bỏ?

06/05/2022 08:47 GMT+7

Cây mắc ca hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Thanh Hóa. Nếu áp dụng khoa học công nghệ , chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nông dân trồng mắc ca sẽ có thu nhập cao.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Kế Tiếp, chuyên gia kỹ thuật của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Theo ông Tiếp, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đặc biệt quan tâm đến cây mắc ca trên cả nước, vùng nào trồng, diện tích bao nhiêu, cơ bản đều nắm rõ. Khi nghe thông tin nông dân Thanh Hóa trồng mắc ca không hiệu quả đã cử cán bộ xác minh.

Ông Nguyễn Kế Tiếp hướng dẫn ông Hải kỹ thuật tỉa tán để cây mắc ca sai quả

Phan Hậu

Mắc ca trồng tự nhiên, không đúng kỹ thuật

Dẫn chúng tôi đi thực tế, ông Phạm Văn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Thọ Lâm, cho biết mắc ca được trồng ở đây từ năm 2015 theo dự án của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa và Trạm Khuyến nông H.Thọ Xuân (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp). Năm 2019, cây mắc ca cho quả bói nhưng sau đó cho giá trị kinh tế không cao nên nông dân chặt bỏ, diện tích chỉ còn khoảng gần 3.000 m2.

Vườn nhà ông Nguyễn Văn Long, ở thôn 3, còn giữ được hơn 100 cây mắc ca. Trước đây, mắc ca trồng theo hàng lối, đúng khoảng cách kỹ thuật. Cách đây 3 năm, ông Long “đánh” cây lên trồng quanh vườn làm hàng rào để lấy đất trồng mít, mía. Vẫn theo ông Long, cây mắc ca ra hoa nhiều nhưng nở đúng vào thời điểm có sương mù, không khí lạnh nên đậu quả ít.

“Nhà tôi để vườn mắc ca phát triển tự nhiên, không có chăm bón hay bất cứ một tác động kỹ thuật nào nên quả rất ít. Cây nào quả sai nhất hái được 5 - 6 kg, cây nào ít chỉ có 2 - 3 kg”, ông Long nói.

Mắc ca vườn nhà ông Long tán lá rậm, quả đậu không nhiều
Phan hậu

"Không có cây lâm nghiệp nào lợi nhuận vượt được mắc ca"

TT.Vân Du (H.Thạch Thành, Thanh Hóa) là vùng trồng mắc ca từ nhiều năm nay, cùng một điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhưng khác biệt trong chăm sóc là yếu tố quyết định thành bại trong từng mùa vụ.

Từ năm 2013, ông Vũ Đình Tư, ở khu phố 1 bỏ vốn đầu tư trồng 1 ha cây mắc ca. Đến năm 2018, cây bắt đầu ra quả. Vì không có đầu ra ổn định, ông Tư gần như không chăm sóc, đầu tư phân thuốc như nhiều loại cây trồng khác nhưng năm nào cây cũng ra quả. Mỗi vụ vườn mắc ca cho ông Tư nguồn thu 5 - 10 triệu đồng. “1 ha đất trong 1 năm mà thu nhập thế chẳng bõ bèng gì nhưng vì mắc ca chưa có đầu ra ổn định nên tôi chưa đầu tư thôi”, anh Tư nói.

Người dân ở TT.Vân Du trồng xen dứa vào vườn mắc ca, cây bị cạnh tranh dinh dưỡng, năng suất quả rất thấp

Phan Hậu

Cùng ở khu phố 1, cách vườn ông Tư không xa, vườn mắc ca rộng 1 ha của ông Phạm Văn Hồ, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ H.Thạch Thành, cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Theo ông Hồ, sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình đều thuê công nhân cắt tỉa tán, loại bỏ cành sâu bệnh, để lá thưa đón ánh sáng và bón phân hữu cơ quanh gốc.

Vườn mắc ca này ra hoa, quả đều mỗi năm, giúp ông Hồ có nguồn thu kép. Thứ nhất là nguồn thu từ nuôi ong lấy mật hoa mắc ca, mỗi năm được hàng trăm lít. Thứ hai là bán hạt mắc ca.

“Năm 2021 vườn mất mùa vẫn được 4 tấn quả, giá bán 50.000 đồng/kg doanh thu khoảng 200 triệu đồng. Mùa năm nay quả sai, năng suất dự kiến khoảng 6 tấn quả”, ông Hồ nói.

Chủ động đầu ra, ông Hồ xây dựng xưởng sấy quả và thu mua thêm quả tươi bên ngoài để chế biến. “Giá mỗi kg hạt mắc ca xẻ nứt là 250.000 đồng, nếu tách hạt riêng thì 750.000 đồng nhưng dịp tết hàng năm không có đủ hàng bán”, ông Hồ nói. Tiền thu từ cây mắc ca 3 năm vừa qua, ông Hồ đã “tậu” được xe ô tô hơn 1 tỉ đồng.

Năm 2022, ông Hồ dự báo năng suất mắc ca đạt 6 tấn quả/ha doanh thu khoảng 300 triệu đồng

Phan Hậu

Cũng theo ông Hồ, không như nhiều loại trái cây khác, trồng mắc ca rất nhàn, không chịu áp lực mùa vụ, chi phí chăm sóc bón phân mỗi vụ chưa đến 10 triệu đồng/ha nhưng cho nguồn thu nhập cao.

“1 ha đất trồng mắc ca mỗi năm thu hoạch từ 200 triệu đồng, gấp 7 - 10 lần so với trồng keo, hơn đứt trồng cam, bưởi, ổi… Tôi khẳng định không có cây lâm nghiệp, cây ăn quả trồng ở vùng này cho lợi nhuận cao hơn mắc ca”, ông Hồ quả quyết.

Gia đình ông Hồ hiện có tổng diện tích khoảng 10 ha. Bên cạnh đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ H.Thạch Thành đầu tư trồng thêm hơn 90 ha. Trong tương lai, H.Thạch Thành sẽ là vùng trồng mắc ca nổi tiếng Thanh Hóa.

Theo ông Nguyễn Kế Tiếp, vườn cây mắc ca có tỷ lệ đậu quả thấp đều không được người dân chăm sóc, cắt tỉa cành, tạo tán đúng kỹ thuật

Phan Hậu

Hỗ trợ kỹ thuật, cam kết thu mua mắc ca

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Kế Tiếp, chuyên gia kỹ thuật của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, cho biết người dân trồng mắc ca không ra quả cho đó là là cây đực. Nhưng mắc ca không có cây đực, vì các hom ghép được tuyển chọn từ những cây bố mẹ cho quả sai và đã được ngành nông nghiệp công nhận về cây đầu dòng.

Ở các vườn mắc ca kém hiệu quả tại Thanh Hóa đều có một điểm chung là nông dân không chăm sóc, để cây phát triển tự nhiên.

Đặc tính của mắc ca là phải tỉa cành, tạo tán hàng năm để cây thoáng, có đủ ánh sáng tự nhiên. Nếu tán lá quá dày, hơi nước không thoát được, ẩm ướt dẫn đến các bao phấn không tung ra được khiến tỷ lệ đậu quả rất ít.

Các vườn cây được khảo sát đều có tình trạng rối loạn dinh dưỡng. Cây không được bón phân định kỳ, chủ yếu là lấy dinh dưỡng tự nhiên và cạnh tranh với cây trồng khác dẫn tới không đủ dinh dưỡng nuôi quả. Cón vấn đề mắc ca nở hoa vào mùa có không khí lạnh, sương mù có thể giải quyết được bằng biện pháp kỹ thuật để cây ra hoa sớm hơn hoặc muộn hơn.

“Ghi nhận khó khăn của người trồng mắc ca tại Thanh Hóa, trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ thuật.

Hiệp hội cùng với các doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho người dân bằng 85% giá trị của thị trường Úc, tính tại thời điểm mua. Hiệp hội đã cung cấp số điện thoại cán bộ kỹ thuật để tư vấn, hỗ trợ miễn phí cho nông dân trồng mắc ca”, ông Tiếp nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.