Thực hư Khu vực 51 bí hiểm của Mỹ

18/08/2013 11:00 GMT+7

Dù không có nhiều thông tin chấn động như đồn đoán lâu nay, nhưng việc Khu vực 51 lần đầu tiên được CIA thừa nhận đủ khiến thế giới quan tâm.

Nơi bị “nhiễm khuẩn” người ngoài hành tinh, nơi chôn giấu các bí mật kinh người về đĩa bay (vật thể bay không xác định - UFO), nơi chứa đựng những dự án vũ trụ tuyệt mật của Mỹ… Đó là những đồn đoán nổi bật suốt nhiều thập niên qua về một căn cứ mang tên Khu vực (KV) 51 nằm ở bang Nevada, Mỹ.

CIA phá vỡ sự im lặng

Những đồn đoán trên không ngừng được phát tán và trở thành ý tưởng cho giới làm phim Hollywood sáng tạo kịch bản. Trong khi đó, chính phủ Mỹ vẫn một mực giữ im lặng. Mặt khác, KV 51 được canh phòng cực kỳ cẩn mật và gần như tách biệt hoàn toàn với các hoạt động dân sự, nên nó càng trở nên bí ẩn hơn. Cứ như thế, những nghi ngờ về KV 51 ngày càng tăng thêm và được thêu dệt bởi không ít thuyết âm mưu.

Siêu máy bay do thám Mỹ SR-71, vốn cũng được phát triển tại Khu vực 51 - d
Siêu máy bay do thám Mỹ SR-71, vốn cũng được phát triển tại Khu vực 51 - Ảnh: Lockheed Martin   

Giữa lúc các bí ẩn tưởng như sẽ tiếp tục ngủ yên, ngày 16.8, Reuters đưa tin Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) lần đầu thừa nhận về KV 51 bí ẩn ở Nevada. Thông tin này được thể hiện trong một hồ sơ dài 400 trang mà CIA vừa giải mật. Theo đó, cơ sở này đóng tại bờ phía nam của hồ Groom và cách thành phố sòng bài Las Vegas 133km về hướng bắc - tây bắc. Reuters dẫn lời chuyên gia Jeffrey Richelson, thuộc Đại học George Washington, nhận xét: “Đây là lần đầu tiên có một thừa nhận từ cấp cao về sự tồn tại của KV 51 và vị trí chính xác của nó”.

Tuy nhiên, không như các đồn đoán suốt nhiều thập niên qua, CIA chẳng đề cập gì về người ngoài hành tinh hay đĩa bay ở KV 51, mà đây đơn thuần chỉ là nơi thử nghiệm những dự án tối mật không quân Mỹ theo đuổi. Hồi thập niên 1950, bởi sự phù hợp đến lý tưởng để kiểm tra khả năng hoạt động của máy bay và đào tạo phi công, nên KV 51 được dùng để máy bay do thám U-2 thử nghiệm độ cao. Về sau, khi những điều kiện thuận lợi ở đây được chứng minh, nó trở thành địa điểm lý tưởng để Lầu Năm Góc phát triển các dòng chiến đấu cơ tối tân khác và CIA tổ chức các phi vụ tuyệt mật.

Dự án tuyệt mật

Theo tài liệu của CIA, sau khi được dùng làm nơi thử nghiệm độ cao của U-2, KV 51 tiếp tục trở thành cơ sở phát triển thế hệ máy bay do thám tối tân thuộc dự án OXCART. Ngược dòng quá khứ, bắt đầu từ năm 1954, một nhóm bí mật dưới sự lãnh đạo của một thành viên CIA bắt đầu chương trình do thám Liên Xô từ trên không. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, quân đội Liên Xô nhanh chóng đủ khả năng phát hiện và im lặng theo dấu sát sao các máy bay U-2.

Thế nhưng, chẳng còn lựa chọn nào khác nên Washington vẫn phải tiếp tục sử dụng U-2 để do thám dù biết không an toàn và đầy rủi ro. Cuối cùng, điều mà Mỹ lo ngại cũng xảy đến khi một chiếc U-2 bị bắn rơi vào ngày 1.5.1960. Vì vậy, việc phát triển dòng máy bay tối tân hơn, có thể khắc phục nhược điểm bay chậm của U-2, vốn đạt tốc độ tối đa 800 km/giờ, càng trở nên cấp thiết. Đó là lý do để dự án OXCART được đẩy nhanh.

Lúc bấy giờ, Washington kỳ vọng OXCART sẽ giúp Lầu Năm Góc sở hữu loại máy bay do thám có trần bay lẫn vận tốc cực cao. Thuộc dự án này, máy bay do thám A-12 đã ra đời và được bay thử lần đầu ở KV 51 vào năm 1962. Dự án trên tối mật đến mức không ít người làm việc ở KV 51 cũng phải bất ngờ khi lần đầu nhìn thấy kiểu dáng độc đáo chưa từng có của A-12. Quả thực vượt trội so với U-2, A-12 đạt tốc độ tối đa khoảng 3.300 km/giờ, gần gấp 3 lần vận tốc âm thanh, và có trần bay lên đến 29 km, cao hơn rất nhiều so với mức 21 km của U-2. Có thể, chính vì tốc độ cực nhanh và trần bay quá cao nên A-12 khi được bay thử nghiệm đã khiến nhiều người dân gần KV 51 nhầm tưởng rằng đó là đĩa bay của người ngoài hành tinh.

Một trong số ít ảnh chụp Khu vực 51 từ vệ tinh - Ảnh: The Washington Post
Một trong số ít ảnh chụp Khu vực 51 từ vệ tinh - Ảnh: The Washington Post

Năm 1967, loại máy bay do thám này được giới thiệu chính thức nhưng cũng thể hiện không ít vấn đề dẫn đến xảy ra tai nạn. Vì thế, cùng thuộc dự án OXCART, dòng SR-71 được Mỹ dùng để thay thế A-12. Không chỉ có kiểu dáng khá giống nhau, về tốc độ, SR-71 gần như xấp xỉ A-12, còn trần bay đạt 26 km, khiêm tốn hơn so với A-12. Dù ra đời nhằm khắc phục nhược điểm U-2, nhưng cuối cùng SR-71 lại bị cho nghỉ hưu hồi cuối thập niên 1990 trong khi U-2 vẫn còn hoạt động. 

Chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên

Ngày nay, các dòng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 như F-22 và F-35 của Mỹ nổi đình nổi đám khiến nhiều người lãng quên siêu phẩm một thời của Lầu Năm Góc. Đó là loại máy bay F-117A Nighthawk, dòng chiến đấu cơ đầu tiên chính thức được trang bị công nghệ tàng hình và được thử nghiệm tại KV 51.

Theo tài liệu của Bảo tàng Không quân quốc gia Mỹ, có tổng cộng 59 chiếc F-117A Nighthawk được chế tạo. Chuyến bay đầu tiên của loại chiến đấu cơ này diễn ra vào ngày 18.6.1981. Sau đó, F-117A Nighthawk được nhìn thấy tham chiến lần đầu tiên khi Mỹ tấn công Panama hồi tháng 12.1989. Đến chiến dịch Bão táp sa mạc vào đầu năm 1990, dòng máy bay chiến đấu này gần như trở thành biểu tượng cho sự vượt trội về công nghệ không quân của Mỹ.

Thuộc nhóm chiến đấu cơ tấn công mặt đất, F-117A Nighthawk đạt vận tốc hành trình tối đa khoảng 1.100 km/giờ, tầm bay gần như không giới hạn khi được tiếp liệu trên không. F-117A Nighthawk mang theo nhiều loại bom thông minh được dẫn đường bằng tia laser và cả loại bom hạt nhân B61 nổi tiếng của Lầu Năm Góc. Theo tờ Los Angeles Times, vào năm 2008, toàn bộ F-117A Nighthawk chính thức ngưng hoạt động. Tuy đã là quá khứ, nhưng đến nay, đây vẫn là một niềm tự hào của Lầu Năm Góc và góp phần khẳng định vị thế quan trọng của KV 51 đối với không quân Mỹ.

Hoàng Đình

>> Trung Quốc 'ngán' máy bay tàng hình của Mỹ
>> Mỹ mua thêm 32 máy bay tàng hình F-35
>> Iran sao chép máy bay tàng hình Mỹ
>> Sơn nano giúp máy bay tàng hình
>> Thổ Nhĩ Kỳ mua 12 chiến đấu cơ và máy bay tàng hình
>> Hàn Quốc - Indonesia phát triển máy bay tàng hình
>> Trung Quốc lại “thử máy bay tàng hình”  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.