Thực hư về 'tượng lính Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng' trong khu du lịch ở Đà Lạt

31/08/2020 18:18 GMT+7

Những ngày qua trên các trang mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh được cho là tượng lính Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng và đặt cạnh mô hình Vạn lý trường thành trong một khu du lịch ở Đà Lạt (Lâm Đồng) kèm những bình luận đầy bức xúc.

Ngày 31.8, PV Thanh Niên tìm đến khu du lịch Quỷ Núi, thôn Đạ Nghịt, xã Lát, H.Lạc Dương (cách trung tâm TP.Đà Lạt khoảng 20km) do Liên Minh Group đầu tư xây dựng, để tìm hiểu thực hư về những hình ảnh tượng lính được cho là tượng lính Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng theo như phản ánh trên các trang mạng xã hội.

Khoảng 60 tượng lính đang được phủ bạt che mưa nắng tại bãi đậu xe của khu du lịch Quỷ Núi

ẢNH: LÂM VIÊN

Khu du lịch này đang đóng cửa chỉ sau ít ngày vừa khai trương vì bị dư luận chỉ trích có những bức tượng quỷ nhạy cảm và chưa được thẩm định cấp phép. Tại bãi đậu xe của khu du lịch Quỷ Núi có khoảng 60 tượng lính đang được trùm bạt xanh che mưa nắng.
Theo quan sát của PV, quân phục trên áo giáp và khiên của những bức tượng này có hoa văn chim lạc, tương tự như trên mặt trống đồng Đông Sơn. Hầu hết số tượng trên bị sứt mẻ do quá trình vận chuyển và đã có quá trình sử dụng lâu năm.

Theo giải thích của Liên Minh Group - đơn vị đầu tư xây dựng khu du lịch Quỷ Núi thì đây là các tượng lính được mua lại từ khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương

ẢNH: LÂM VIÊN

Hầu hết tượng lính bị hư hỏng sau nhiều năm sử dụng

ẢNH: LÂM VIÊN

Ông Ngô Quang Phúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Liên Minh Group, cho biết vào trưa 31.8: “Tuần rồi sau khi đến khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) chơi, anh Dũng “lò vôi” - chủ khu du lịch này bán rẻ cho tôi 230 tượng lính Việt. Những bức tượng lính Việt xưa với hoa văn trống đồng trên áo giáp và binh khí. Tôi đã thuê xe tải chở từ Bình Dương về Đà Lạt mới được khoảng 60 tượng và tạm để tại bãi xe khu du lịch Quỷ Núi để sửa chữa, phục chế”. Ông Phúc cho biết thêm những tượng lính Việt xưa này được khu du lịch Đại Nam đúc và sử dụng hơn 10 năm qua và đều là tượng cũ.

Dòng trạng thái gây bức xúc trên mạng xã hội của chủ nhân những bức tượng lính được mua từ khu du lịch Đại Nam (Bình Dương)

ẢNH: LÂM VIÊN

Khi được hỏi về dòng trạng thái (status) trên trang Facebook cá nhân: "Đội tinh binh đã về đến khu du lịch phim trường được mang tên Tử Cấm Thành” gây bức xúc trên mạng xã hội, ông Phúc giải thích: “Đó chỉ là ý tưởng bộc phát khi cùng đoàn xe chở tượng lính về Đà Lạt, tôi liên tưởng đến Cấm Thành ở cố đô Huế và dự định sẽ ra Huế khảo sát thực tế, nghiên cứu lịch sử để có thể trong tương lai xây dựng khu du lịch Tử Cấm Thành chứ không dính dáng gì đến Trung Quốc. Đây là sự hiềm nhầm”.
Ông Phúc chia sẻ thêm có người còn gán ghép các tượng lính này được đặt trong mô hình Vạn lý trường thành thu nhỏ trong khu du lịch Đồi Mộng Mơ và nghĩ đến việc cho xây mộ Tần Thủy Hoàng…, đây là những suy diễn không đúng. “Tôi chưa bao giờ đến mô hình Vạn lý trường thành ở Đồi Mộng Mơ”, ông Phúc nói.

Khu du lịch Quỷ Núi - Suối Ma đang tạm đóng cửa sau lùm xùm có những bức tượng quỷ phản cảm

ẢNH: LÂM VIÊN

Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, cho biết sau khi trên mạng xã hội xuất hiện thông tin những tượng lính nghi là lính Trung Quốc xưa, bên Liên Minh Group đã có giải trình nhanh cho Sở. Tuy nhiên chiều nay 31.8, Sở cử đoàn trực tiếp vào khu du lịch Quỷ Núi để kiểm tra số tượng lính do ông Phúc mua và sẽ có thông báo chính thức cho báo chí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.