Thực hư việc 877 cuốn sách Hán Nôm bị 'hư hại nặng'

Quý Hiên
Quý Hiên
30/03/2023 18:54 GMT+7

Kết quả rà soát mới đây nhất cho thấy, trong 877 tài liệu Hán Nôm trước đó được cho là "hư hại nặng" có 540 cuốn sách Hán Nôm loại A, tức là sách còn tốt, hoặc bị hư hại nhưng có thể tu bổ toàn bộ. Vì sao?

Hôm nay, 30.3, Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thông cáo số 3 về việc mất/thất lạc và hư hại tài liệu Hán Nôm. Ngoài nội dung về việc đã tìm thấy lại thêm được 14 cuốn trong tổng số 121 trước đó được xác định là mất, hoặc thất lạc (Thanh Niên đã đưa tin), thông cáo còn thông tin chi tiết về tình trạng 877 sách Hán Nôm mà trước đó viện này cho là bị "hư hại nặng". Theo đó, cách phân loại "hư hại nặng" được xác định trước đó (ngày 15.3) là không hoàn toàn chính xác với 877 cuốn này.

Thực hư việc 877 cuốn sách Hán Nôm bị 'hư hại nặng' - Ảnh 1.

Thông cáo số 3 mới được đăng tải trưa nay, 30.3, trên trang chủ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm

CHỤP MÀN HÌNH

Cụ thể, ngày 20.3, căn cứ vào báo cáo của hội đồng kiểm kê ngày 15.3, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã ghi nhận kho ST (là tài liệu mới được sưu tầm từ năm 1988 đến nay) có 877 quyển thuộc loại hư hại nặng.

Trước thông tin này, ngày 23.3, Viện đã lập nhóm chuyên gia đánh giá tình trạng của 877 cuốn sách "hư hại nặng" để có phương án xử lý phù hợp. Nhóm gồm tất cả các chuyên gia của bộ phận tu bổ, các thành viên bộ phận bảo quản; ban lãnh đạo Viện, trưởng ban thanh tra nhân dân, thư ký hội đồng khoa học giám sát và cùng làm việc.

110 cuốn hư hại nặng: lỗi chủ quan nên không kịp thời phát hiện

Kết quả đánh giá cho thấy, tình trạng của 877 quyển phân thành 3 loại: 540 cuốn loại A, là sách còn tốt hoặc bị hư hại nhưng có thể tu bổ toàn bộ; 227 cuốn loại B, là sách có thể tu bổ một phần (thường là phần lớn, bởi chỉ hỏng bìa hoặc một vài trang đầu và cuối); 110 cuốn loại C, là sách hư hại nặng, chưa có giải pháp tu bổ.

Về 227 cuốn hư hại (có thể tu bổ) và 110 cuốn hư hại nặng (chưa có giải pháp tu bổ), Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan.

Về khách quan, theo thời gian, tất cả các tài liệu giấy đều có sự xuống cấp, hư hại một cách tự nhiên. Ngay từ khi nhập kho, không phải tài liệu nào cũng đã ở trong tình trạng tốt, mà phần lớn là các tài liệu giấy cũ, bị quăn mép, rách, mối mọt một phần hoặc nhiều phần.

Kho bảo quản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm sử dụng từ đầu thập niên 1990, đến nay đã không còn đáp ứng được yêu cầu bảo quản tài liệu. Mặc dù kho đã được đã tích cực sửa chữa, nhưng chỉ là những sửa chữa nhỏ, nhưng không thể bù đắp được những hư hại lớn về cơ sở vật chất và sự lạc hậu về công nghệ bảo quản.

Nhưng việc để cho 110 cuốn bị lâm vào tình trạng hư hại nặng thì lỗi chủ quan là chủ yếu, khi bộ phận bảo quản đã không thường xuyên kiểm tra cụ thể các sách ST để kịp thời phát hiện những sách hư hại nặng để  tu bổ.

Từ tháng 4.2022, Viện Nghiên cứu Hán Nôm bắt đầu tiến hành đợt tổng kiểm kê sách. Đây là lần tổng kiểm kê chi tiết kho đầu tiên (với 17.712 đơn vị sách) của viện trong hơn 10 năm qua.

Trong quá trình tổng kiểm kê, việc đánh giá sách tình trạng tài liệu của Viện khác nhau về mức độ, tuỳ vào từng thời điểm.

Theo thông báo số 1 (tháng 12.2022), Viện nhận định: "Số sách ít nhiều bị xuống cấp, hư hại vật lý (theo tình trạng tự nhiên của bảo quản) là khoảng 4.000 quyển (hơn 10% số sách gốc), có thể bị rách một vài trang, bị hỏng bìa chưa tu bổ, hoặc bị mủn, mối mọt một vài trang hoặc toàn quyển (nhóm này cần thực hiện tu bổ sớm để bảo quản lâu dài)".

Đến thông báo số 2 (ngày 20.3), số lượng sách "hư hại nặng" được ghi nhận là 877 cuốn (dựa trên báo cáo của nhóm kiểm kê). Dựa vào thông tin này, TS Nguyễn Xuân Diện, Phó phòng phụ trách Phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đã đăng tải thông tin trên trang cá nhân của mình: "Trong kho có 877 cuốn đã mủn nát không thể bồi vá, cứu vãn".

Nhưng đến thông báo lần này (sau khi đã lập nhóm chuyên gia thẩm định, đánh giá) thì tài liệu "hư hại nặng" được "chốt" ở con số 110 cuốn.

540 cuốn bị xếp "oan" vào nhóm "hư hại nặng"

Theo giải thích của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sở dĩ có tới 540 cuốn loại A mặc dù trước đó bị cho là "hư hại nặng" do nhóm rà soát đã hiểu sai khái niệm khi tập hợp thông tin trong các bản báo cáo từ bộ phận tu bổ.

Thực hư việc 877 cuốn sách Hán Nôm bị 'hư hại nặng' - Ảnh 3.

Sách kinh xếp là sách loại A (về tình trạng tài liệu) nhưng nhóm kiểm kê xếp "oan" vào nhóm "hư hại nặng"

VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM

Trong nhiều năm trước đây, mỗi lần giao sách đi tu bổ, bộ phận tu bổ xem xét đặc điểm tài liệu để phân loại sách có thể tu bổ và sách "không tu bổ được". Sách "không tu bổ được" là vì 3 lý do chính: hoặc hư hại nặng; hoặc sách giấy tây viết lên cả 2 mặt của một tờ (giấy dó chỉ viết lên 1 mặt); hoặc là "kinh xếp", tức sách kinh Phật dạng gấp ruột mèo dính vào nhau liên tục (khác với sách thường lật từng trang), không thể tách trang ra để tu bổ.

Với 2 nhóm sau, tuy "không tu bổ được" nhưng phần lớn là sách còn tốt, nguyên trạng. Do đặc trưng loại hình tài liệu nên "không tu bổ được", chứ không phải vì "hư hại nặng".

Thông cáo số 3 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định: "Vì vậy thông tin 877 quyển sách hư hại nặng mà trưởng nhóm rà soát báo cáo trước hội đồng kiểm kê ngày 15.3 là chưa phản ánh đúng sự thực, do chưa trực tiếp kiểm tra sách mà chỉ tổng hợp từ các ghi chép của bộ phận tu bổ về tình trạng vật lý của sách".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.