Sáng nay 21.12, Báo Thanh Niên đăng tải bài viết phản ánh việc Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang tìm kiếm 25 cuốn sách cổ bị thất lạc.
Sau khi đăng bài, vào đầu giờ chiều nay, PGS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thông tin Phòng Bảo quản của viện vừa thông báo, cách đó ít phút họ đã tìm thấy 1 cuốn sách trong số 25 cuốn được cho là thất lạc.
Sách cổ được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm dưới hình thức số hoá |
N.T.C |
Cuốn sách cổ được tìm thấy là Nam quốc địa dư chí, ký hiệu ST.49. Trong danh sách tài liệu không thấy trên giá (mất, thất lạc), vì khi kiểm kê thì nhóm kiểm kê đã ghi ký hiệu cuốn sách này là ST.48/3. Thực chất cuốn sách có ký hiệu là ST.49, và vẫn đang tồn tại trên giá.
Từ sự việc trên, PGS Cường cho rằng, cách tiếp cận của Báo Thanh Niên là phù hợp thực tế, vì 25 cuốn sách đang được xác định là thất lạc, nghĩa là sách vẫn có thể vẫn đang nằm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhưng chưa xác định được ở vị trí nào do kho sách lớn (35.000 cuốn). Đến nay, viện chưa xác định 25 cuốn sách cổ này bị mất, nghĩa là do đã bị ai đó đưa ra khỏi kho sách của viện.
Như Báo Thanh Niên đã phản ánh, việc 25 cuốn sách cổ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị “mất tích” bỗng trở nên ầm ĩ sau khi một cán bộ quản lý của viện đưa sự việc lên mạng xã hội. Trong khi đó, sự việc này không mới ở đơn vị, đã được thông báo trước toàn cơ quan, cán bộ cấp trên cũng đã biết và chỉ đạo tìm kiếm.
Tuy nhiên, cũng theo PGS Cường, từ góc độ quản lý, sự việc thất thoát tài liệu đã được ban lãnh đạo và toàn thể đơn vị nhận thức là sự việc lớn, cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm và giải quyết hậu quả, xử lý trách nhiệm.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã thực hiện một số công việc trong nội bộ kho sách để điều chỉnh quy trình quản lý tài liệu. Ngoài ra, viện vẫn sưu tầm và tiếp nhận để bổ sung sách vào kho (như năm 2016 đã bổ sung được gần 500 quyển sách được hiến tặng).
Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã và sẽ tăng cường số hóa để có thêm một hình thức lưu trữ hiệu quả và hiện đại, đồng thời có ý kiến đề xuất lên cấp trên để có biện pháp tu bổ, phục chế các tài liệu xuống cấp, phân loại giá trị sách để phân cấp quản lý phù hợp.
Được biết, trong di sản thành văn mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm được giao quản lý có một số sách, tài liệu đặc biệt quý hiếm, nhưng số sách và tài liệu này được bảo quản đặc biệt ở nơi khác, bên ngoài viện.
Bình luận (0)