Thức nguyên đêm để 'săn' hình dải ngân hà

Tấn Đạt
Tấn Đạt
21/06/2021 09:10 GMT+7

Thức tới 2, 3 giờ sáng hay bị sóng đánh ướt cả người... Đó là những trải nghiệm của nhiều bạn trẻ khi đi 'săn' ảnh dải ngân hà.

Nhiều người trẻ cho biết họ gặp nhiều câu chuyện vui, buồn khi đi "săn" ảnh dải ngân hà (Milky Way) . Để có được những bức ảnh đáng giá của thể loại này, mọi người phải thức tới khuya hoặc tận sáng hôm sau. 

Sáng ra mới biết mình ngủ cạnh một nghĩa trang

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, thuộc thế hệ 8x, đang làm nhân viên văn phòng tại TP.HCM cho biết nhiều năm qua anh có niềm đam mê đi “săn” ảnh Milky Way để làm kỷ niệm. Anh từng đi chụp thể loại ảnh này ở các nơi như Côn Đảo, Lý Sơn, Mũi Dinh.

Anh Tuấn kể, lần đầu tiên anh chụp được dải ngân hà là ở núi lửa Bromo (Indonesia). "Muốn bức ảnh dải ngân hà chụp ra đẹp, sắc nét thì phải đầu tư máy ảnh tốt, đắt tiền. Môi trường lý tưởng để chụp dải ngân hà đẹp là đêm không trăng, không mây và không bị nhiễm ánh sáng đô thị…”, anh Tuấn nói.

Chụp Milky Way  phải có chủ thể, bố cục rõ ràng, màu sắc lung linh nhưng đừng quá ảo

Ảnh: Thanh Tuấn

Theo Thanh Tuấn, chụp dải ngân hà rất khó, nên sẽ rất may mắn nếu có thể chụp được chúng, làm cho chuyến đi có thêm chút thú vị

Ảnh: NVCC

“Có những lần đi cắm trại cùng nhóm bạn, nhưng chỉ mình tôi đi chụp Milky Way, vì 1 đến 2 giờ khuya khó ai có kiên nhẫn thức cùng. Có lần nhóm tôi dựng lều và ngủ tại 1 bãi biển ở Côn Đảo, sáng ra mới biết mình ngủ cạnh một nghĩa trang dân sinh, mà trong tối hôm đó tôi lại thức để đi chụp, nghĩ lại cũng hơi sợ. Do việc chụp dải ngân hà rất khó, nên với tôi, sẽ rất may mắn nếu mình có thể chụp được chúng, làm cho chuyến đi của mình có thêm chút thú vị. Ngoài ra, chụp cũng để cho mọi người biết sự bao la của vũ trụ, vẻ đẹp bình yên về đêm của đất trời”.

Bức ảnh phải có điểm nhấn

Ảnh: Thanh Tuấn

Còn Nguyễn Nhật Minh, thuộc thế hệ 9x, làm nhân viên văn phòng ở Tiền Giang, cũng có sở thích đi chụp hình Milky Way ở nhiều nơi như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tiền Giang, Côn Đảo từ khi được xem các bức ảnh của“đàn anh” đi trước . Khi chụp được một lần, Nhật Minh "nghiện" luôn.

Để cho ra một bức hình theo phong cách dải ngân hà đẹp, anh Minh thường chụp trong khung 2-5 giờ sáng vào tháng 2 đến tháng 5 dương lịch. Còn từ tháng 6 đến tháng 10 chụp hơi khó  vì nhiều mây, nhiều mưa.

Thức trắng đêm để chụp Milky Way ở Hang Rái

Ảnh: Nhật Minh

Máy cơ của anh Minh xém "chết" vì sóng biển đánh khi chụp hinh Milky Way

Ảnh: Nhật Minh

Anh Minh kể lại:  “Nhớ dịp 3.2020, tôi đi Ninh Thuận. Tầm 2 giờ sáng, chạy ra Hang Rái để “săn” Milky Way cùng anh em. Hôm đó trời trong vắt, gió thổi bay nón, sóng vỗ vào bờ đá nghe như tiếng một bà mẹ cầm cây đánh đứa con nhỏ, cũng sợ lắm. Tôi cùng mọi người dựng chân máy nhưng không ngờ một cú sóng tạt ướt hết cả người, còn máy ảnh thì may mắn được trùm áo mưa. Cả nhóm “trắng” con mắt đến sáng để chụp ảnh, tới 5 giờ 30 sáng đón bình minh luôn”.

Chân máy luôn là vật dụng không thể thiếu khi anh Minh đi "săn" ảnh dải ngân hà

Ảnh: NVCC

Anh Minh còn chia sẻ cũng trong đợt đó anh đến làng chài Hòn Đỏ (Ninh Thuận) để "săn" ảnh dải ngân hà. Trước khi xuất phát,  anh Minh cũng định vị đường đi rất kỹ, an tâm cài báo thức để 1 giờ sáng thức dậy. Và rồi cũng đi đúng giờ, nhưng bị nhầm đường…

“Tôi nhớ, lúc đó trời tối đen như mực, tôi dắt mọi người len lỏi theo đường mòn, qua những hàng dương vài con dốc cát, thế rồi đột nhiên trước mắt tôi là một ngôi miếu, tôi giật thót người mới định hình ra là cả nhóm bị lạc. Nhanh trí mở ngay bản đồ và phát hiện ra mình đi “bậy” tận 2 km, cả nhóm phải đi ngược lại đường cũ.... Đồng hồ lúc này cũng 2 giờ 30 phút, đi bộ miệt mài trong đêm, cuối cùng đã đến chỗ. Bất ngờ hơn nơi đây là một bãi đá có hình hài giống tai mèo, dài dọc theo bờ biển khoảng 2 km. Sóng vỗ liên hồi vào đá muốn đánh vỡ nát con tim, cùng gió rít nghe như tiếng ai đó cắt tiết gà... Cả nhóm chỉ biết nhìn nhau cười, rồi tìm một nơi có tiền cảnh đẹp và bắt đầu cuộc "săn”, anh Minh kể lại.

Anh Minh phải rất "chật vật" trong việc chụp hình dải ngân hà

Ảnh: Nhật Minh

Bất ngờ với bức ảnh đẹp nhất 

Ngoài chụp bằng máy cơ chuyên nghiệp, Anh Vũ Hà Nam (Hà Nội) cho biết nếu chụp Milky Way bằng điện thoại cần phải cài đặt thêm phần mềm, ứng dụng phơi sáng và có chân máy cố định. Anh Hà Nam, thuộc thế hệ 8x, bắt đầu đi chụp ảnh phong cách dải ngân hà từ năm 2016 ở nhiều nơi như: Sơn Tây (Hà Nội), Mộc Châu, Mù Căng Chải, Phú Thọ, Tà Xua (Sơn La), Bắc Sơn…

“Nhìn ảnh Milky Way của nước ngoài rất đẹp nên tôi hứng thú và tìm tòi hướng dẫn trên các trang mạng để học hỏi, mày mò xem họ làm cách nào. Theo tôi một bức ảnh Milky Way đẹp cần phải có bố cục rõ ràng về tổng thể, có trung, tiền và hậu cảnh”, anh Nam nói.

Choáng ngợp với hình ảnh ở Tà Xua

Ảnh: NVCC

Anh Nam cho biết để có hình dải ngân hà đẹp nên khảo sát trước địa điểm khi đến. Cần thiết lập thông số và cách chụp hợp lý với thiết bị của mình, do thể loại chụp ban đêm nên cần để ISO cao, khẩu mở lớn.

Anh Hà Nam xem chụp ảnh dải ngân hà là một niềm vui

Ảnh: NVCC

Giống như những người có niềm đam mê  chụp ảnh dải ngân hà, anh Nam cũng trải qua nhiều "thăng trầm" khi đi"săn" ảnh thể loại này.

Anh Nam kể lại: “Có lần đi chụp ở Mù Cang Chải, phải kêu xe ôm lên vì không rành đường. Hôm đó lại là ngày trước cơn bão nên chụp hình khá đẹp. Lúc đầu chụp xong cảnh hoàng hôn thì mọi người tính quay về vì mây kéo đến rất nhiều, sợ tối mưa không chụp được hình dải ngân hà. Thấy tiếc quá, nhóm có lên đọc dự báo thời tiết nói đêm mây tan, thế là anh, em gọi con gà lên để “chén” và ngồi lại đợi. Cuối cùng đêm đó được bức ảnh tốt nhất tôi từng chụp được”.

Bức hình được anh Nam chụp ở Đồng Châu

Ảnh: Hà Nam

Kỹ thuật chụp dải ngân hà đòi hỏi có sự tỉ mỉ, mất nhiều thời gian

Ảnh: Hà Nam

Anh Nam chia sẻ: “Kỹ thuật chụp cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, mất nhiều thời gian. Nhiều bức ảnh chụp dải ngân hà tôi mất 20-30 phút mới có được. Thức đêm, lọ mọ, rồi chịu cảnh sương gió những lần thất bại cũng nhiều, chụp ảnh này phải đi xa thành phố, kiếm những nơi vắng người nên “xịt” thì buồn lắm. Tôi thường hay rủ vài anh bạn cùng đi, mọi người giúp đỡ nhau. Vì vậy điều ý nghĩa đằng sau những bức ảnh là nhìn thấy công sức mình bỏ ra rồi có thành quả.  Dù ảnh có đẹp hay không hoặc không có ảnh thì công sức đó là những kỷ niệm khó quên”.

Nhiều người trẻ cho biết, ở Việt Nam thời điểm quan sát dải ngân hà thuận lợi nhất là từ tháng 2 đến hết mùa hè và sẽ mọc ở hướng đông nam khoảng 2 giờ đến 3 giờ sáng (có lúc sớm hơn 22 giờ đến 23 giờ tối là thấy). Lúc này trung tâm của dải ngân hà hiện lên trên bầu trời và có thể quan sát bằng mắt thường được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.