Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài điều tra Thực phẩm độc hại bủa vây người dùng, lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở chế biến rau muống bào, bắp chuối bào và phát hiện hàng loạt vi phạm nghiêm trọng, buộc ngưng hoạt động, di dời nơi khác. Đồng thời lấy mẫu hóa chất để kiểm nghiệm, tiếp tục làm rõ xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngã ngửa vì ‘công nghệ' tắm trắng bắp chuối bào bằng hóa chất lạ
Trưa 10.7, sau khi tiếp nhận thông tin từ Báo Thanh Niên, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM gửi công văn khẩn yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan (UBND TP.Thủ Đức, UBND H.Hóc Môn, UBND H.Củ Chi) khẩn trương thành lập đoàn liên ngành vào cuộc kiểm tra xác minh, làm rõ.
"BÀO RA NÓ BỊ ĐEN THÌ PHẢI NGÂM TẨY"
Khoảng 20 giờ 30 ngày 10.7, tại trụ sở UBND xã Bà Điểm, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP H.Hóc Môn gồm: Ban Quản lý ATTP TP.HCM, Phòng Kinh tế huyện, phòng TN-MT, Phòng Tài chính và Kế hoạch, Đội Quản lý thị trường số 18, UBND xã Bà Điểm, UBND xã Xuân Thới Đông cùng lực lượng công an xã họp bàn phương án triển khai kiểm tra 2 điểm kinh doanh bắp chuối bào trên địa bàn mà Báo Thanh Niên cung cấp. Đến 21 giờ 20 cùng ngày, đoàn bất ngờ kiểm tra cơ sở không tên, không số nhà nằm ở ngã ba Nguyễn Ảnh Thủ - đường số 7 (ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm), cách UBND xã Bà Điểm hơn 200 m. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này vẫn đang hoạt động nhưng có dấu hiệu thu dọn, tẩu tán một phần vật dụng, máy móc sản xuất cũng như sản phẩm bắp chuối bào mà PV đã ghi hình trước đó.
Đoàn kiểm tra xác định đây là cơ sở "chui", không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; máy móc, thiết bị không đảm bảo vệ sinh, không đúng quy trình sản xuất; nền sàn bẩn thỉu, hôi hám; sử dụng nước giếng bơm không qua xử lý; không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải mà xả trực tiếp xuống cống ngầm; nguyên liệu (bắp chuối) không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ; công nhân chưa được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức về ATTP, chưa trang bị đồ bảo hộ. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 1 kg hóa chất dạng bột màu trắng chứa trong gói ni lông trong suốt, không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.
Vạch mặt thứ hóa chất độc hại được dùng ‘phù phép’ tẩy trắng bắp chuối bào
Làm việc với đoàn, ông Lê Văn Thắng (40 tuổi, ngụ Hậu Giang), chủ cơ sở, cho biết bột màu trắng trên là chất "tẩy đường", mua với giá 70.000 đồng/kg ở chợ Kim Biên (Q.5) để pha với nước tẩy trắng bắp chuối bào. Số hóa chất này không có hóa đơn chứng từ. "Tôi không biết nó (tức chất "tẩy đường" - PV) độc hại thế nào, chỉ thấy chủ cũ trước đây cũng dùng chất này để tẩy trắng bắp chuối. Nay tôi tách ra làm riêng, nên cũng dùng theo", ông Thắng nói.
Ông Thắng khai nhận bắp chuối sau khi đưa tới cơ sở thì được sơ chế, cắt bào thành sợi sau đó rửa qua nước giếng và ngâm vào thùng đã được pha hóa chất tẩy trắng. Ngâm khoảng vài phút thì vớt ra sọt, để ráo, đóng gói (10 kg/gói), đi giao cho các tiểu thương trong chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và việc giao nhận cũng không có hóa đơn chứng từ.
Với những sai phạm trên, đoàn đã lập biên bản vi phạm đối với ông Thắng, buộc ngưng hoạt động, đồng thời tiêu hủy hơn 200 kg bắp chuối có ở hiện trường, niêm phong toàn bộ số hóa chất không rõ nguồn gốc gửi đi kiểm nghiệm.
"Việc xử lý vi phạm ra sao thì phải chờ đoàn liên ngành có kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm cũng như mẫu hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lúc đó đoàn sẽ gửi thông báo quyết định xử lý bằng văn bản theo quy định của pháp luật", đại diện đoàn kiểm tra thông tin.
Tương tự, khoảng 23 giờ cùng ngày, đoàn bắt quả tang một cơ sở làm bắp chuối không tên khác nằm trên đường số 4, xã Xuân Thới Đông (cạnh chợ đầu mối Hóc Môn) đang ngâm, tẩy trắng khoảng 30 kg bắp chuối và nhiều kg bắp chuối bào thành phẩm chuẩn bị đi giao. Tại đây, đoàn thu giữ 1 túi ni lông chứa hóa chất dạng bột màu trắng. Bà Nguyễn Thị Thảo, chủ cơ sở, cũng khai đây là chất "tẩy đường" mua không hóa đơn chứng từ ở chợ Kim Biên để pha loãng với nước, ngâm tẩy trắng bắp chuối. Cơ sở này cũng cùng những sai phạm và bị lập biên bản, xử lý như cơ sở ông Thắng.
Khi được hỏi dùng chất này ngâm tẩm bắp chuối thì có nghĩ đến sức khỏe người dân, bà Thảo bực dọc: "Ở khu vực này (chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn) có tới 13 cơ sở bào bắp chuối cũng sử dụng tẩy trắng như tôi sao không xử lý. Bào ra nó bị đen thì phải ngâm tẩy. Lúc ăn rửa lại nấu chín chứ có ăn sống đâu mà sợ (!?)".
Rợn người ‘công nghệ’ phù phép rau muống bào siêu bẩn, biến héo thành tươi
KHÔNG BIẾT CHỮ, KHÔNG BIẾT CHẤT GÌ, KHÔNG BIẾT MUA Ở ĐÂU (!?)
Cũng trong ngày 10.7, Đoàn kiểm tra ATTP UBND H.Củ Chi đến cơ sở rau muống bào nằm trên đường 162, xã Bình Mỹ do ông Nguyễn Văn Giang (quê Ninh Bình) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, bên trong cơ sở vẫn đang hoạt động, nhưng khi phát hiện đoàn đến, các công nhân đổ hết dung dịch trong các chậu, thau ngâm rau muống bào. Tuy nhiên, tại hiện trường, đoàn phát hiện nhiều vệt nước màu xanh dưới nền gạch và một chai nhựa còn chứa một ít chất lỏng màu xanh. Đồng thời, lực lượng chức năng thu giữ 24 bao rau muống bào, tổng trọng lượng 335 kg, chuẩn bị đi giao. Các bao rau muống này chảy nhiều nước màu xanh.
Qua làm việc, ông Giang nói ông không biết chữ, không biết chất màu xanh đang sử dụng là chất gì, không biết mua ở đâu, chỉ thấy người khác dùng nên dùng theo (!?). Ông Giang khai rau muống sau khi bào thì mang ngâm với loại dung dịch màu xanh, sau đó vớt ra đem đi giao cho khách. "Dung dịch này có tác dụng giữ xanh cho rau muống trong thời gian 1 ngày, nhưng tôi không biết đây là dung dịch gì (!?)", ông này nói.
Lực lượng chức năng yêu cầu cung cấp số điện thoại, tên người bán thì ông Giang có ghi nhiều số điện thoại nhưng không liên lạc được. Cơ sở này cũng không có bất kỳ giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh, cũng như giấy chứng nhận vệ sinh ATTP theo quy định. Sau đó, đoàn đã lập biên bản, buộc tiêu hủy toàn bộ số rau muống bào nói trên, lấy mẫu rau muống và chất lỏng màu xanh để gửi đi kiểm nghiệm, tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Ập vào cơ sở chế biến rau muống bào siêu bẩn ở Củ Chi
Thông tin từ Ban ATTP TP.HCM, đến chiều qua 14.7, 2 cơ sở làm rau muống bào còn lại trên địa bàn xã Bình Mỹ (H.Củ Chi) do Báo Thanh Niên phản ánh là cơ sở của vợ chồng ông Điền (trong hẻm 288 Bình Mỹ) và cơ sở của ông Nguyễn Văn Hào (đường 164, cùng xã Bình Mỹ) cũng đã bị đoàn liên ngành kiểm tra, nhưng chưa có báo cáo cụ thể…
(còn tiếp)
Bình luận (0)