Thực tập sinh Việt ở Nhật giữa khó khăn vì Covid-19

Văn Khoa
Văn Khoa
31/01/2021 07:00 GMT+7

Nhiều thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam ở Nhật mất việc, không có chỗ ở giữa đại dịch Covid-19 , buộc gọi điện cầu cứu tới một tổ chức phi lợi nhuận.

Ngày 24.1, một nhóm dân sự ở tỉnh Ibaraki, gần thủ đô Tokyo của Nhật Bản và nơi có nhiều người Việt sinh sống, đã tổ chức buổi tư vấn miễn phí cho những sinh viên và thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo Đài NHK.
Tại sự kiện này có một thực tập sinh cho hay đã bị ép làm công việc khác với việc trong hợp đồng đã ký. Ngoài ra còn có nhiều trường hợp bị mất việc phải nhờ đến sự trợ giúp của Hiệp hội Tương trợ Nhật - Việt (JVMSA), tổ chức phi lợi nhuận ở Tokyo hỗ trợ người Việt ở Nhật.

“Bị ép ký đơn nghỉ việc”

Trong số trường hợp nói trên có thực tập sinh kỹ thuật Nguyen Van Thuong (24 tuổi), đến Nhật vào tháng 4.2019, với ước mơ kiếm đủ tiền để xây một căn nhà ở Việt Nam. Anh đã để lại vợ cùng 2 con ở quê nhà, vay mượn gần 230 triệu đồng và đến tỉnh Saitama của Nhật làm việc theo chương trình thực tập sinh kỹ thuật tại một công ty xây dựng, theo NHK.
Tuy nhiên, sau 8 tháng, ước mơ của Thuong bị dập tắt khi tổ chức sắp xếp công việc thực tập ép anh ký đơn nghỉ việc và đưa anh về nước mà không nói rõ lý do.
Ngay trước khi máy bay sắp cất cánh, Thuong bỏ trốn và sau này cho hay anh muốn ở lại Nhật để làm việc kiếm tiền. Sau đó, Thuong nhận được sự hỗ trợ từ JVMSA. Tổ chức này giúp Thuong tìm được công việc tại một công ty khác hồi tháng 12.2020.
Chủ tịch JVMSA Yoshimizu Jiho cho hay trường hợp của Thuong không phải hiếm và cho rằng số trường hợp tương tự sẽ gia tăng một khi các hạn chế đi lại liên quan đại dịch Covid-19 được nới lỏng, theo NHK.
Cũng giống như Thuong, Nguyen Dinh Thi (26 tuổi) đến Nhật vào mùa hè năm 2019 theo chương trình thực tập sinh kỹ thuật, với dự định học hỏi thương mại xây dựng, tiết kiệm tiền rồi trở về Việt Nam xây một căn nhà cho gia đình. Thi được đưa đến làm việc tại một công ty xây dựng ở tỉnh Shizuoka, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Đến tháng 3.2020, công ty đề nghị anh ở nhà và đến tháng 4, tổ chức sắp xếp công việc thực tập cho anh yêu cầu thu dọn đồ đạc để đến Tokyo, nói rằng họ đã sắp xếp cho anh một nơi để sống ở đó.
Tuy nhiên, khi đến Tokyo, không có ai đón Thi. Anh nhận ra mình thất nghiệp, không có nơi ở trong một thành phố xa lạ, theo NHK. Lúc đầu, Thi vào khách sạn ở, nhưng rồi tiền hết dần và cuối cùng phải ngủ tại một nhà ga xe lửa ở ngoại ô Tokyo.
“Dù đã nghĩ cuộc sống ở Nhật sẽ không dễ, tôi không bao giờ nghĩ lại gặp khó khăn đến mức này”, NHK dẫn lời Thi chia sẻ. Sau đó, anh tìm đến JVMSA và đã được hỗ trợ chỗ ở. JVMSA cho hay ngoài Thi, tổ chức này đã nhận khoảng 30 thực tập sinh không có nơi để đến.
“Nhiều thực tập sinh người nước ngoài cảm thấy sống sót được mỗi ngày ngày càng khó. Chúng tôi đã nhận nhiều cuộc gọi cầu cứu từ họ”, bà Yoshimizu cho hay.
Thực tập sinh Việt ở Nhật giữa khó khăn vì Covid-191

Thực tập sinh kỹ thuật Nguyen Dinh Thi từng bị bỏ rơi ở Tokyo

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH NHK

Chính phủ có trách nhiệm hỗ trợ

Những tổ chức sắp xếp công việc cho các thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài ở Nhật cần có sự hậu thuẫn của chính quyền và có trách nhiệm tìm công việc mới cho những thực tập sinh mất việc. Những tổ chức này cũng phải hỗ trợ đưa thực tập sinh về nước nếu họ muốn. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã thay đổi mọi thứ. Cục Dịch vụ di trú của Nhật cho hay hơn 3.600 thực tập sinh kỹ thuật bị tạm cho thôi việc vì đại dịch Covid-19 và các tổ chức sắp xếp việc làm cho hay họ bị quá tải.
Giáo sư Saito Yoshihisa, thuộc Đại học Kobe và là chuyên gia về các vấn đề liên quan lao động người nước ngoài tại Nhật, cho rằng không ai đoán trước được một đại dịch như Covid-19 khi tạo ra chương trình thực tập sinh kỹ thuật và ông tin rằng chính phủ có trách nhiệm hỗ trợ những thực tập sinh bị ảnh hưởng.
“Họ không nên để các tổ chức tư nhân tự giải quyết tình trạng này. Chính quyền phải hỗ trợ các thực tập sinh kỹ thuật, như đảm bảo họ có chỗ tá túc cho đến khi về nước”, ông Saito nhấn mạnh, theo NHK.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.