'Thúc' thu mua dự trữ vụ lúa đông xuân tại ĐBSCL
18/02/2019 17:34 GMT+7
Ngày 18.2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (HHLT) cho biết vừa phát thông báo gởi đến các hội viên tiến hành giải pháp thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân 2018 - 2019 tại các tỉnh ĐBSCL.
Tự động phát
Theo đó, tùy theo điều kiện thực tế các hội viên chủ động thực hiện việc thu mua dự trữ theo Nghi định 107/2018, đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký, chủ động hỗ trợ và liên kết với các HTX, các hộ nông dân sản xuất lúa thực hiện gởi kho tại doanh nghiệp hội viên, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp hội viên có ký kết hợp đồng bao tiêu với các HTX, các hộ nông dân trồng lúa nhằm thực hiện cam kết đã ký và nhanh chóng tiến hành thu mua hàng hóa.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ nhận định: “Sau tết, giá lúa đang xuống thấp và tiêu thụ chậm, bình quân thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg so cùng kỳ 2018 và khó tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu do chưa ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để thu mua lúa dự trữ khiến giá lúa giảm”.
Hiện lúa thường chỉ còn 4.300 đồng/kg, giảm khoảng 300 đồng/kg so với trước tết. Một số nơi tại An Giang, Đồng Tháp, Long An… giá lúa cũng đang giảm sâu. Dù biết bị thương lái ép giá nhưng nông dân bắt buộc bán lúa vì không có nơi trữ. Một nông dân ngụ tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa bán lúa thơm cách đây vài ngày cho thương lái với giá 5.000 đồng/kg, còn lúa IR 50404 chỉ 4.200 đồng/kg. Giá này thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm rồi. Tính ra 1 ha trồng lúa mất khoảng 8 triệu đồng.
Trước thực tế trên, ngày 13.2, UBND TP.Cần Thơ đã tổ chức họp với các sở ban ngành liên quan, 11 doanh nghiệp xuất khẩu gạo và 12 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tìm giải pháp tiêu thụ lúa cho nông dân. Tại cuộc họp, hầu hết các doanh nghiệp cho rằng thu mua lúa tạm trữ ngay thời điểm hiện tại làm nguyên liệu chế biến, chờ khi có hợp đồng mới để xuất khẩu sẽ lãi cao vì chất lượng lúa vụ đông xuân năm nay tốt và giá thu mua hiện ở mức thấp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp than thiếu vốn lưu động thu mua lúa tạm trữ vì hiện nguồn vốn đã đầu tư vào cơ sở vật chất. Từ đó các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng tăng hạn mức đối với doanh nghiệp vay vốn mà không cần hỗ trợ lãi suất hoặc tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện các thủ tục vay... Cách làm này giúp tháo gỡ khó khăn cho nông dân.
|
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), khẳng định: “Việc nói các doanh nghiệp bắt tay để ép giá thì không đúng. Nguyên nhân giá lúa đông xuân đang giảm là do nhu cầu khách hàng vào đầu năm 2019 không được tích cực cộng với việc doanh nghiệp đang thiếu vốn mua lúa. Vào năm 2017, 2018, doanh nghiệp làm theo mô hình cánh đồng lớn, liên kết doanh nghiệp với nông dân, bao tiêu lúa hàng hóa cộng với ngay thời điểm thị trường có tín hiệu tốt nên giá lúa tăng mạnh. Riêng đầu năm 2019, chưa có hợp đồng xuất khẩu ngay vào đầu vụ nên doanh nghiệp không có tiền mua lúa trong dân”.
Ông Bình kiến nghị cách duy nhất hiện này là Chính phủ chỉ đạo ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn mua lúa trong dân để tạm trữ chờ xuất khẩu. Nếu hiện nay không mua vào, trong khi đó, nông dân không có khả năng tạm trữ sẽ bán tháo với giá rẻ, nước ngoài sẽ dựa vào thông tin này áp giá thấp đối với doanh nghiệp ký hợp đồng theo đơn hàng, gây thiệt hại cho ngành lúa gạo.
Bình luận (0)