Thực tiễn đòi hỏi

11/11/2014 05:40 GMT+7

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong đó có một nội dung quan trọng liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo đó, các địa phương sẽ tạm thời giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong thời gian lập hồ sơ để TAND xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đi kèm với đó là việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định, hướng dẫn... xem xét rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Có thể thấy việc QH phải thông qua vấn đề này là một biện pháp tình thế trước tình hình nóng bỏng về người nghiện ma túy tại một số địa phương. Thực tế không phải lúc nào tất cả các quy định của pháp luật cũng đều phù hợp thực tiễn cuộc sống. Chính vì vậy, cần đánh giá từ thực tiễn cuộc sống để có những điều chỉnh kịp thời, đưa luật pháp đi vào cuộc sống tốt hơn.

Việc thay một quyết định của cơ quan hành chính như cách làm trước đây bằng một quyết định của TAND là tiến bộ và phù hợp với Hiến pháp 2013. Khi tòa án đóng vai trò cơ quan đưa ra quyết định nó sẽ tạo sự minh bạch, công bằng hơn so với cách làm trước đây. Vấn đề sẽ được xem xét một cách thận trọng hơn, mặc dù đây không phải xét xử mà chỉ là vụ việc hành chính, nhưng quyết định của tòa án sẽ đảm bảo hơn cho người chấp hành.

Tuy nhiên, ở góc độ xã hội, khi chuyển từ một chính sách cũ với việc xử lý của cơ quan hành chính sang một chính sách mới là giao cho tòa án quyết định thì chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện. Trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề mới đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc, xem xét sửa đổi luật pháp cho phù hợp thực tiễn. Nhưng sửa đổi như thế nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc rằng việc quyết định tại tòa là việc phải tiếp tục được giữ vững.

Thay đổi chính sách đồng nghĩa với việc chúng ta phải chuẩn bị thay đổi trong nhận thức và tập huấn cho các bên liên quan trong đó có Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, các Chủ tịch UBND và TAND. Bên cạnh đó, một điều hết sức quan trọng khác là nhận thức của chính người nghiện ma túy. Làm thế nào để họ hiểu bây giờ quy trình đã thay đổi, để họ biết bảo vệ quyền của họ, mặc dù quyền này có thể bị hạn chế.

Không phải vô cớ mà nghị quyết của QH có nêu việc phải đảm bảo an toàn cho đối tượng theo quy định của pháp luật. Nêu ra điều này để nhắc nhở các cơ quan trong quá trình triển khai phải rất thận trọng. Cần lưu ý là không phải người nghiện nào cũng phải đưa vào cai nghiện bắt buộc mà là người không có nơi cư trú ổn định có đủ điều kiện vào cai nghiện bắt buộc.

Phải nhắc nhở chuyện này vì hiện nay dù áp lực rất lớn nhưng các địa phương phải hết sức thận trọng trong quá trình tổ chức đưa người nghiện vào trung tâm. Dù là khẩn trương vì càng để lâu áp lực sẽ càng lớn nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, thận trọng.

Trương Thị Mai (Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH)

>> Sẽ sửa quy định đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
>> Người nghiện 'đốt' hơn 14.000 tỉ đồng/năm
>> Tăng cường rà soát, nắm chắc số liệu người nghiện
>> Lo lắng tình trạng người nghiện gây án bạo lực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.