Thức tỉnh con người

04/03/2014 09:41 GMT+7

Nhà báo Đoàn Khắc Xuyên, cựu tù Côn Đảo, cho in câu chuyện Trở lại Côn Đảo ở cuối cuốn tạp bút Dựng lại người (NXB Trẻ, quý 1/2014), với đoạn kết như vầy: Cuối buổi thăm các trại tù cũ, tôi đưa tiền xăng và tiền bồi dưỡng cho cô hướng dẫn viên nhưng không hiểu sao, trái với đòi hỏi trước lúc đi, bây giờ cô lại nhất định không chịu nhận tiền và quày quả bỏ đi dù tôi cố giúi tiền vào tay cô.

Thức tỉnh con người

Văn của anh trong 65 câu chuyện còn lại, cũng thường làm người đọc phải nghĩ suy như với câu chuyện ấy, lắm khi là quay quắc nghĩ suy. Mượn ca từ Dựng lại người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để đặt tên cho cuốn tạp bút đầu tiên của mình sau gần 40 năm làm báo cách mạng (anh từng làm tổng thư ký tòa soạn ở Báo Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn), tác giả còn muốn nói nhiều hơn về con người trong xã hội hôm nay. Và có những chuyện, dù trăn trở tới đâu với những câu hỏi chạm đến tận cùng căn nguyên xã hội, Đoàn Khắc Xuyên vẫn muốn “thức tỉnh con người”. Như chính lời bộc bạch của anh về cuốn sách này: Hãy coi đây như một tiếng chuông gióng lên nhằm góp phần đưa tới một sự thức tỉnh - thức tỉnh không chỉ trên bình diện cá nhân mà trên bình diện xã hội. Thức tỉnh để thay đổi, để dựng lại người.

Gần 300 trang sách nói chuyện thời sự mà đa phần tác giả đụng tới những điều này: Vì sao người ta có thể giết người một cách quá dễ dàng, quá man rợ? Vì sao những người còn trẻ rơi vào chỗ phạm tội ác? Vì sao sự gian dối và giả dối lan tràn? Vì sao cái ác ngày càng lộng hành? Vì sao đa số nông dân mãi vẫn chưa thể thoát nghèo, thậm chí phải tự tử vì nghèo không lối thoát? Vì sao môi trường sống ngày càng xấu đi? Và phải làm gì để bảo vệ quyền và nhân phẩm của công dân?

Thí dụ như trong bài Đối diện với sự thật (viết về vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang hồi tháng 8.2011 và nhiều vụ giết người man rợ khác), tác giả đã không dừng lại ở việc phản ánh mà còn đào sâu vào nguyên nhân và giải pháp: Chúng ta đã nói quá nhiều về sự “xuống cấp đạo đức” cá nhân và xã hội mà chưa chỉ ra được căn nguyên sâu xa của sự xuống cấp ấy là gì, nó nằm ở đâu và vì vậy mà chưa tìm ra phương cách khắc phục. Căn nguyên phải chăng nằm ở các thiết chế xã hội, bao gồm cả hội đoàn, nhà trường, gia đình, dường như đang tỏ ra lạc hậu trước sự biến đổi của xã hội và kém hiệu quả, nếu không muốn nói là vô dụng trong việc ngăn chặn tội ác; ngay cả tôn giáo vốn được xem như cái thắng (phanh) cuối cùng của con người trước cái ác cũng tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn bàn tay tội ác của con người. Phải làm gì, tháo gỡ ở đâu để các thiết chế xã hội ấy lấy lại được sức mạnh của mình, trong việc xây dựng lại nền tảng tinh thần của xã hội, để con người biết noi theo cái gì trong cuộc sống và biết dừng lại trước lằn ranh thiện ác? Đó phải là một sự thức tỉnh trên bình diện xã hội chứ không phải chỉ ở bình diện con người.

Vâng, phải thức tỉnh con người, không phải là con người chung chung mà là con người sống trong một xã hội cụ thể với những thiết chế cụ thể. Đọc cuốn sách này, chợt nhớ lời dặn nôm na dễ hiểu của người xưa: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Huỳnh Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.