Thuế 'ngon' nhưng không dễ 'nhằn'

Anh Vũ
Anh Vũ
01/07/2019 07:34 GMT+7

Đó là cảnh báo của các chuyên gia về cơ hội và thách thức ngay khi Hiệp định thương mại tự do ( EVFTA ) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) có hiệu lực.

Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Trong EVFTA, một số mặt hàng được kỳ vọng nhất gồm hoa quả và dệt may, thủy sản... Trong đó, rau, củ, hoa quả tươi chế biến, nước hoa quả và hoa tươi được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực. Dệt may có 42,5% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực. Số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 7 năm.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất nằm ở chương 4 của EVFTA, quy định về các điều kiện xuất xứ mà hàng hóa phải tuân thủ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Đối với sản phẩm dệt may, ngoài các quy tắc xuất xứ chung, còn có quy tắc riêng áp dụng cho trường hợp sản phẩm sử dụng một phần nguyên liệu không xuất xứ. Cụ thể, để sản phẩm may mặc được coi là có xuất xứ theo EVFTA thì vải sử dụng để tạo thành phẩm phải có xuất xứ VN/EU và việc cắt, may phải được thực hiện tại VN/EU.
Quy tắc này được xem rất khó khăn cho DN VN bởi phần lớn các DN đều mới đang chỉ thực hiện công đoạn cắt - may. Vải nguyên liệu sử dụng để sản xuất chủ yếu nhập khẩu từ các khu vực không có FTA với EU (Trung Quốc, Đài Loan).
Dù xuất sang hơn 40 quốc gia, song trái cây VN chủ yếu tiêu thụ nội địa. Trong các thị trường xuất khẩu, Trung Quốc chiếm tới 75%. Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu trái cây sang các thị trường như EU còn thấp do các quốc gia trong khối này áp dụng biện pháp phi thuế quan (NTMs), kiểm dịch động thực vật (SPS) và các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) rất khắt khe.
Vào EVFTA được ưu đãi thuế, còn những rào cản trên cơ bản không thay đổi. Trong khi đó, ngành trái cây của VN chủ yếu là các trang trại và DN nhỏ, nông dân vẫn trồng theo thói quen, kinh nghiệm. Do đó, theo Trung tâm WTO và hội nhập (thuộc VCCI), điều đầu tiên các nhà sản xuất và xuất khẩu trái cây của VN cần thực hiện để xuất khẩu thành công sang thị trường EU là tìm kiếm và hiểu các quy định nhập khẩu của EU, các biện pháp NTM đối với trái cây. Phải áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như nguyên tắc phân tích các mối nguy hiểm và điểm kiểm soát quan trọng (HACCP) và chứng nhận về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GLOBAL G.A.P). Như vậy mới chứng minh được hiệu quả tích cực với chất lượng trái cây, khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, Trung tâm WTO và hội nhập khuyến cáo: “Để kiểm soát hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất trên trái cây, các DN cần hợp tác với nông dân ngay từ đầu. Trong đó, ký kết các hợp đồng dài hạn với nông dân là một cách hiệu quả. Hợp đồng dài hạn sẽ đảm bảo đầu ra cho nông sản của nông dân và do vậy sẽ khuyến khích họ tuân thủ các quy định và hướng dẫn của DN”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.