Thuê nhà trọ, bị chủ ngang nhiên chiếm tiền cọc: Ai bảo vệ?

09/06/2016 20:09 GMT+7

Như một “luật bất thành văn”, khi người thuê trả lại nhà, chủ nhà chiếm luôn tiền cọc bất kể người thuê đã làm theo đúng hợp đồng.

Không biết kêu ai
Ông Branchis Simon (quốc tịch Malaysia) kể lại trường hợp oái ăm của mình. Ngày 1.3.2015 ông ký hợp đồng thuê căn hộ với công ty môi giới của tòa nhà Cantavil (An Phú, quận 2 TPHCM) với thời hạn một năm, giá thuê là 650 USD/tháng (khoảng 14 triệu VND), trước khi nhận nhà ông đặt cọc hai tháng và trả thêm một tháng tiền nhà.

tin liên quan

Kiếm bộn tiền nhờ cho thuê nhà dịp Wimbledon
(TNO) Nhu cầu lưu trú trong 2 tuần diễn ra giải Wimbledon tăng cao trong khi các khách sạn lại khá xa. Điều đó tạo ra một cuộc chạy đua tìm chỗ ở và đây là cơ hội làm giàu đối với những người có nhà cho thuê ở khu vực gần phức hợp thi đấu quần vợt All England Club.
Sau đó, do tính chất công việc ông phải chuyển đi nước khác, theo đúng luật ông báo cho phía chủ nhà trước một tháng và yêu cầu hoàn lại tiền cọc. Nhưng chủ nhà im lặng, không xuất hiện và chỉ cho công ty môi giới làm việc thay.
Hợp đồng của ông Branchis Simon ký với chủ nhà, đây là 3 bản được photo từ 6 bản Du Miên
Tuy nhiên, đại diện bên A trong hợp đồng là chủ nhà nên công ty môi giới không hoàn lại tiền cho ông được. Ông muốn nhờ luật sư nhưng phần vì không biết tiếng Việt hơn nữa lại chi phí cao hơn tiền cọc nên thôi. Tuy nhiên, ông vẫn cố thuyết phục trả lại cho mình một tháng tiền cọc.
Đến trước hôm dọn đi một ngày, chủ nhà xuất hiện nhận chìa khóa và đưa ra lý do: “Tôi cũng không lấy số tiền này của ông, chỉ là tôi phải chi cho công ty môi giới”.
Ngặt nỗi là, sau khi ở tại căn hộ trên được vài tháng thì ông rủ thêm một người bạn là ông Steve (quốc tịch Ấn Độ) sang ở chung tòa nhà nhưng khác block. Cả hai cùng là chuyên gia tại công ty Unigen – KCN Việt Nam Singapore. Trước ông Steve thuê căn hộ Estella, sau đã đồng ý chuyển sang Cantavil.
Ông Steve cho biết hợp đồng thuê của ông giống y hệt hợp đồng của bạn ông. Hiện ông Steve đã chuyển đến Mỹ và khi ra đi cũng bị mất hai tháng tiền cọc như bạn.
Bà X.M thì bi đát hơn. Đầu năm 2016, bà thuê căn hộ tại khu Hưng Phước 3, Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7 TPHCM với giá 24 triệu đồng. Khi nhận nhà bà cũng đã đặt cọc cho chủ nhà 48 triệu, sau đó hàng tháng đóng tiền đều đặn.
Tháng 3.2016 bà đi công tác nước ngoài khoảng hai tháng, khi trở về thì cửa bị khóa trái, toàn bộ đồ đạc trong nhà bị chủ nhà chiếm giữ, bà không thể vào trong vì chìa khóa cũng đã bị thay.
“Tôi đi hai tháng, vậy chủ nhà có thể lấy tiền cọc của tôi đắp vào trong trường hợp tôi chưa kịp chuyển tiền, tính ra tôi không vi phạm hợp đồng. Khi tôi yêu cầu chủ nhà mở cửa thì họ nói phải trả tiền nhà hai tháng đã mới được phép vào nhà, số tiền cọc không tính đến. Tôi cho biết, tài sản trong căn hộ của tôi rất giá trị, nếu mất mát ai sẽ bồi thường thì chủ nhà không trả lời. Đến nay, sau khi về TPHCM gần cả tháng tôi vẫn phải ở khách sạn vì chưa gặp trực tiếp được chủ nhà”, bà M bức xúc.
Luật bảo vệ người mất tiền ra sao?
Người thuê nhà cần phải làm gì để không bị chủ nhà chèn ép trừ các khoản tiền vô lý, Thanh Niên đã trao đổi cùng với các luật sư về vấn đề pháp lý xung quanh vấn đề này. 
Theo luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) Khoản 1 Điều 358 Bộ luật dân sự (BLDS) 2005 có quy định, đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản. Tức là khi ký hợp đồng thuê nhà, các bên có thể thỏa thuận việc đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng thuê nhà.
Trên thực tế nhiều trường hợp người thuê nhà không nhận lại được đầy đủ số tiền như đã đóng ban đầu. Shutterstock
Thạc sĩ, LS Võ Công Hạnh (Đoàn LS tỉnh Thừa Thiên Huế) thì cho biết việc cho thuê nhà ở được quy định chi tiết ở BLDS phần cho thuê tài sản và thuê nhà ở.
Theo đó, bên cho thuê và bên thuê đều có quyền và nghĩa vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng thuê như giao nhận, bảo quản tài sản, tôn trọng an ninh trật tự, trả tiền thuê, chấm dứt hợp đồng thuê...
LS Chánh nêu ý kiến: “Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng, trong văn bản khác như nội quy nhà… thì chủ nhà có quyền phạt theo như thỏa thuận giữa các bên. Còn nếu không có thỏa thuận hay không quy định trong văn bản khác mà chủ nhà đơn phương áp dụng việc phạt tiền là không đúng”.
Đồng quan điểm, LS Hạnh bổ sung để bảo đảm không bị trừ tiền bởi các khoản vô lý trên, người thuê nhà cần xem xét kỹ hợp đồng, đàm phán và ghi nhận việc nhận lại tiền cọc, việc phạt vi phạm trong những trường hợp cụ thể để bảo đảm quyền lợi của mình đồng thời ràng buộc trách nhiệm của người cho thuê trong việc trả lại tiền đặt cọc.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp người thuê nhà không nhận lại được đầy đủ số tiền như đã đóng ban đầu. Trong những trường hợp như vậy, người thuê nhà cần xem xét xem những khoản mà bên cho thuê trừ có hợp lý và đúng với hợp đồng hay không.
Nếu không thì các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án cấp quận/huyện nơi có tài sản cho thuê để yêu cầu giải quyết quyền lợi chính đáng cho mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.