Năm 2018 là thời điểm người tiêu dùng hy vọng sẽ được sắm “xe hơi” với mức giá phải chăng hơn khi ô tô nhập nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN vào Việt Nam giảm về 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô lắp ráp trong nước cũng về 0% khi doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sản lượng theo quy định của Nghị định 125/2017.
|
Thế nhưng, những gì diễn ra trên thị trường ô tô Việt Nam tính đến thời điểm này khiến không ít người tiêu dùng hụt hẫng.
Thuế nhập khẩu về 0% và những tia hy vọng
Từ đầu năm 2017, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ô tô nhập khẩu. Bởi theo hiệp định này, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc xuất xứ từ các nước trong khu vực ASEAN giảm từ 30% về 0%. Nói cách khác, nếu đạt được tỉ lệ nội địa hóa nội khối theo quy định, ô tô từ ASEAN sẽ trở thành mặt hàng “miễn thuế” nhập khẩu khi về Việt Nam.
Theo các DN kinh doanh ô tô, có không dưới 20 mẫu xe từ ASEAN đáp ứng tỉ lệ nội địa hóa nội khối theo quy định để được hưởng ưu đãi thuế. Bên cạnh đó, theo tính toán của các chuyên gia, về lý thuyết khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, giá bán sẽ rất cạnh tranh.
|
Trong khi đó, để tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển, cuối năm 2017 Chính phủ ban hành Nghị định 125/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016 về biểu thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, các hãng lắp ráp xe trong nước sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện 0% nếu đạt được sản lượng theo quy định. Cụ thể trong giai đoạn 1 của năm 2018, tính ngay từ thời điểm Nghị định 125/2017 có hiệu lực, đến ngày 30.6.2018, DN lắp ráp ô tô trong nước sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ô tô 0%, nếu sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt 8.000 chiếc, đồng thời có một mẫu xe CKD theo cam kết đạt doanh số trên 3.000 chiếc.
Với thị trường ô tô còn nhiều tiềm năng như Việt Nam, việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện cho xe lắp ráp mở ra nhiều hy vọng phát triển cho các DN đang sản xuất trong nước, đồng thời tạo cơ sở để ô tô “nội” giảm giá, cạnh tranh với xe nhập khẩu từ các nước ASEAN.
|
Các yếu tố này cùng với lộ trình thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe trang bị động cơ dưới 2.0 lít giảm 5% so với năm 2017… khiến nhiều người tiêu dùng ôm giấc mộng sẽ sắm được “ô tô giá rẻ” trong tương lai gần. Chính tâm lý chờ đợi sang 2018 để mua ô tô “giảm giá”của đại đa số người tiêu dùng cũng là lý do khiến thị trường ô tô Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2017, dù các DN đã không ngừng nỗ lực giảm giá xe.
Dang dở giấc mơ “ô tô giá rẻ”
Một viễn cảnh tươi sáng tạo động lực để người Việt có cơ hội sắm xe hơi, thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, các DN nhập khẩu ô tô “chưa kịp vui đã vội lo” khi Chính phủ ban hành Nghị định 116 về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô.
Việc phải đáp ứng thủ tục giấy tờ, đặc biệt là Giấy chứng nhận kiểu loại phương tiện (VTA) theo quy định của Nghị định 116 khiến hoạt động nhập khẩu ô tô của các DN bị ngưng trệ trong hai tháng đầu tiên của năm 2018. Thậm chí, khi đã được cấp VTA, DN nhập khẩu cũng mất gần 1 tháng để vận chuyển và làm các thủ tục kiểm tra khí thải, tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật đối với mỗi lô xe… trước khi thông quan vào thị trường Việt Nam. Điều này khiến nhiều mẫu ô tô nhập khẩu được kỳ vọng sẽ khởi đầu cho giấc mơ xe giá rẻ tại VN đến nay vẫn vắng bóng trên thị trường.
|
Dù đã bước sang quý II của năm 2018 nhưng người tiêu dùng VN vẫn chưa thể tiếp cận được với nhiều mẫu ô tô nằm trong diện hưởng thuế nhập khẩu 0% từ các nước trong khu vực ASEAN. Những mẫu xe cỡ nhỏ hứa hẹn có mức giá dưới 400 triệu đồng từng dạm ngõ thị trường VN như Toyota Wigo, Suzuki Celerio... vẫn “biệt vô âm tính”, hàng loạt mẫu xe SUV 7 chỗ hút khách như Toyota Fotuner, Ford Everest, Chevrolet Trailblazer... còn chưa hẹn ngày về, trong khi hầu hết các mẫu bán tải đều đang rơi vào cảnh khan hàng, không có để bán do không đảm bảo nguồn cung.
Riêng chỉ có lô xe gần 2.000 chiếc với 4 mẫu CR-V, Jazz, Civic, Accord của Honda đã về VN hồi tháng 3.2017, đến nay đã ra đại lý nhưng giá bán lại không giảm sâu như kỳ vọng. Thậm chí các mẫu xe nhập khẩu này còn đội giá thêm 5 triệu đồng, sau khi DN tính toán thực tế chi phí phát sinh trong quá trình nhập khẩu ô tô theo quy định của Nghị định 116/2017 và Thông tư số 03/2018.
|
Ô tô nhập từ ASEAN luôn trong tình trạng khan hàng, đội giá trong khi đó giá bán của các mẫu xe lắp ráp trong nước cũng chưa thật sự giảm sâu như kỳ vọng của người tiêu dùng dù thuế nhập khẩu linh kiện giảm về 0%. Bởi theo như lý giải của các DN, giá xe lắp ráp đã giảm sâu trong năm 2017, mức giảm đã được tính toán theo việc điều chỉnh thuế, thậm chí nhiều DN còn chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để đẩy mạnh doanh số, nên giá xe năm 2018 đã là mức giá cuối cùng.
Bên cạnh đó, không phải DN nào cũng đủ sức cạnh tranh miếng bánh thị phần trên thị trường xe lắp ráp, để có thể đạt sản lượng theo quy định hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện. Hiện tại, ngoài Trường Hải (THACO) và Hyundai Thành Công vẫn đang đầu tư mở rộng sản xuất với tham vọng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu. Các DN khác như GM, Mitsubishi… vẫn chưa đủ điều kiện hưởng thuế nhập khẩu linh kiện 0%.
Tin liên quan
Giá ô tô miễn thuế nhập khẩu từ ASEAN không giảm như kỳ vọngLô ô tô đầu tiên nằm trong diện hưởng thuế nhập khẩu 0% từ Thái Lan về Việt Nam đang phân phối ra thị trường nhưng giá bán thực tế lại không giảm như kỳ vọng của nhiều người.
Tính đến nay, dù đã bước sang tháng thứ 4 kể từ thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam giảm về 0%... nhiều mẫu xe nhập vẫn vắng bóng, trong khi mặt bằng giá xe trong nước vẫn không giảm sâu như kỳ vọng. Việc tiếp tục phải chờ đợi khiến “ô tô giá rẻ” với người Việt lúc này như một giấc mơ còn dang dở.
Bình luận (0)