Thuốc lá mới: Cần thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng từ các cơ quan độc lập

27/11/2023 21:06 GMT+7

Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật (Mỹ) cho rằng cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu ngắn và dài hạn để xác minh đầy đủ về ảnh hưởng của thuốc lá mới lên sức khỏe.

Một điếu thuốc khi bị đốt cháy sẽ tạo ra hơn 6.000 hợp chất hóa học. Các nhà khoa học đã xác định 100 chất trong đó là độc chất gây ra các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Các chất này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút thuốc mà còn tác động đến người xung quanh. Dù đặt điếu thuốc đã đốt xuống gạt tàn mà không hút, thì điếu thuốc lá vẫn tự cháy và thải khói ra không khí. Làn khói này khiến cho những người dù không hút thuốc nhưng khi hít vào với liều lượng và theo thời gian nhất định sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tương tự như người hút thuốc, bên cạnh các nguy cơ khác như tiếp xúc với a-mi-ăng, ô nhiễm môi trường, biến đổi gien.

Theo nghiên cứu, chỉ cần ở trong phòng có người hút thuốc lá 1 giờ đồng hồ thì số hóa chất độc hại được cơ thể tiếp nhận sẽ tương đương với việc hút 10 điếu thuốc/ngày. Thực tế, khói thuốc nhả ra không khí còn độc hại hơn cả khói thuốc được người hút hít vào. Mặt khác, khói thuốc sẽ gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10 m. Do đó ngay cả khi ở rất xa người hút thuốc thì người hút thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe không kém những người đang hút thuốc.

Chính vì vậy, các sản phẩm thuốc lá mới dựa trên nguyên lý "không đốt cháy" được kỳ vọng sẽ không tạo ra khói thải ra môi trường, nên cũng được gọi là thuốc lá không khói. Đây không chỉ là cơ hội giảm tác hại cho người hút thuốc mà cả người hút thuốc thụ động. 

 Nói về nguyên lý hoạt động của thuốc lá làm nóng, TS Gizelle Baker, Phó tổng giám đốc Kết nối khoa học toàn cầu của Philip Morris International (PMI), cho biết: "Khi thuốc lá làm nóng được cắm vào thiết bị và hoạt động nhưng nếu người hút thuốc không sử dụng, thì sản phẩm này hoàn toàn không thải khí hơi vào không khí, do nguyên liệu thuốc lá trong sản phẩm không bị đốt cháy trực tiếp như thuốc lá điếu. Do đó tình trạng hút thuốc thụ động bị loại bỏ hoàn toàn". 

TS Baker cũng giải thích thêm, trong trường hợp người hút thuốc sử dụng thuốc lá làm nóng, hàm lượng các hợp chất có hại hoặc có tiềm năng gây hại có trong khí hơi (aerosol) của sản phẩm này đã được giảm từ 90 - 95%. Lượng khí hơi này được người dùng hít vào, một phần phụ cũng được thở ra ngoài. Vì vậy, đối với người đang sử dụng thuốc lá làm nóng, khí hơi xung quanh được nhìn thấy rất ít. Nhìn bằng mắt thường thì khí hơi có hình thái tương tự khói, nhưng không phải là khói, vì khi phân tích trong khí hơi không có phân tử chất rắn - vốn chỉ được cấu thành khi có phản ứng đốt cháy. Thay vào đó, 90% hàm lượng của loại khí hơi này là nước và glycerin (một chất vô hại được dùng trong mỹ phẩm và dược phẩm).

Tuy nhiên, tài liệu từ các cơ quan y tế cũng cho rằng việc giảm hàm lượng các chất độc hại đến nay chưa chứng minh được sẽ dẫn đến kết quả là giảm nguy cơ đối với các bệnh tật do hút thuốc lá gây ra và cần thêm các nghiên cứu dịch tễ học dài hạn để kiểm chứng. Nhưng điều này vẫn sẽ tốt hơn so với việc phơi nhiễm hoàn toàn với chất độc hại như thuốc lá điếu, bởi đa số các tác động lâu dài đều bắt nguồn từ sự phơi nhiễm với các chất độc hại, theo TS. Gizelle Baker.

Cần có thêm các nghiên cứu ngắn và dài hạn

Một trong những điểm chung trong giới y học và cả những nhà quản lý hiện nay không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu đó là cần thêm nhiều nghiên cứu khoa học đối với thuốc lá làm nóng. Cụ thể, mặc dù Mỹ cho phép bán thuốc lá làm nóng và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cũng cho phép một số sản phẩm thuốc lá làm nóng được công bố chỉ định "Giảm phơi nhiễm với các chất gây hại", nhưng cơ quan này vẫn luôn theo dõi sát sao mức độ ảnh hưởng của các sản phẩm này. 

Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ cũng nhấn mạnh việc cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu ngắn và dài hạn để xác minh đầy đủ về tính ảnh hưởng của thuốc lá làm nóng lên sức khỏe. 

TS. Gizelle Baker cũng cho biết, các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn từ cơ quan khoa học độc lập thì vẫn chưa có nhiều, mặc dù công ty này đã hoàn thành các nghiên cứu lâm sàng với hơn 5.500 người tham gia cũng như thực hiện các nghiên cứu cắt ngang và nghiên cứu về COPD (phổi tắt nghẽn mạn tính) với hơn 1.500 người tham gia.

Việc thiếu các nghiên cứu lâm sàng với quy mô lớn, theo TS Gizelle, có thể giải quyết bằng cách kêu gọi các chính phủ trên toàn cầu thúc đẩy việc thực hiện nghiên cứu với các sản phẩm thuốc lá mới đã hiện diện. Theo đó, chính phủ có thể đặt vấn đề yêu cầu nghiên cứu đối với nhà sản xuất, nhưng thông qua các cơ quan, đơn vị được chính phủ tin tưởng giao cho việc triển khai thực hiện. Cách làm này sẽ giúp cho chính phủ khách quan hơn đối với những kết quả khoa học mà do chính các cơ quan được chính phủ chỉ định.

Mặc dù việc cần có thêm nghiên cứu đánh giá tác động sản phẩm ngắn và dài hạn, nhưng theo GS David Khayat, tác giả của các chiến lược phòng chống ung thư quốc gia tại Pháp, thời gian chờ đợi có các kết quả nghiên cứu dài hạn không nên đồng nghĩa với thời gian trì hoãn việc quản lý các sản phẩm này. Theo ông, lý do vì ung thư là hậu quả của quá trình rất dài, từ 20 đến 30 năm mới có đủ lịch sử sức khỏe để đo lường. Do vậy cần tận dụng các bằng chứng khoa học hiện đã có từ các tổ chức khoa học trên thế giới từ Mỹ, Anh, Nhật… Các dữ liệu này đều khẳng định có mối liên hệ chặt chẽ giữa nguy cơ ung thư và mức độ tiếp xúc với chất gây ung thư. Nếu như giảm được hàm lượng và thời gian tiếp xúc với các chất gây ung thư, thì có thể giảm được nguy cơ gây ung thư. Điều đó đúng với các sản phẩm thuốc lá không khói thế hệ mới. "Trong các nghiên cứu dịch tễ học lâu dài, chắc chắn sẽ chúng ta sẽ thấy được mối liên hệ tích cực giữa việc giảm nguy cơ ung thư với việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói, cụ thể là thuốc lá làm nóng", GS. Khayat nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.