Thuốc trị Alzheimer: có hiệu quả, nhưng tác dụng phụ nguy hiểm

08/12/2022 10:21 GMT+7

Một loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer của công ty dược phẩm Eisai and Biogen đã được chứng minh là làm chậm quá trình suy giảm nhận thức.

Đây là kết quả từ một cuộc thử nghiệm được theo dõi chặt chẽ, đánh dấu bước đột phá lớn đầu tiên trong 30 năm nghiên cứu về bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, dữ liệu chi tiết được trình bày vào hôm 29.11 cũng cho thấy nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng đối với một số bệnh nhân.

Thuốc lecanemab có liên quan đến một loại sưng não nguy hiểm ở gần 13% bệnh nhân.

Thử nghiệm kéo dài 18 tháng và thu hút gần 1.800 người tham gia mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu. Một số bệnh nhân cũng bị chảy máu não - một triệu chứng liên quan đến cái chết của hai người dùng thuốc trong một nghiên cứu tiếp theo. Hãng Eisai nói họ tin rằng những cái trường hợp tử vong này "không thể là do lecanemab".

Lecanemab là một kháng thể, được bào chế để loại bỏ các chất kết dính của một loại protein gọi là amyloid beta trong não.

Vào hồi tháng 9, Eisai và Biogen báo cáo loại thuốc này có thể làm giảm 27% tỉ lệ suy giảm nhận thức so với giả dược. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết vẫn còn sớm để kết luận chắc chắn.

Trong khi đó, Hiệp hội Alzheimer cho biết dữ liệu xác nhận loại thuốc này "có thể thay đổi một cách có ý nghĩa tiến trình của bệnh" và kêu gọi các cơ quan quản lý của Mỹ bật đèn xanh nhanh chóng phê duyệt.

Các cơ quan này sẽ đưa ra quyết định vào ngày 6.1.

Phát hiện này đã củng cố sự ủng hộ của một số nhà khoa học đối với việc tập trung đồng thời vào một loại protein khác có liên quan đến bệnh Alzheimer có tên là tau, bên cạnh amyloid.

Điều này cũng góp thêm động lực cho các thử nghiệm lâm sàng về phương pháp điều trị “cocktail” nhắm vào cả hai loại protein, tương tự như những loại được sử dụng để chống lại bệnh ung thư và HIV.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.