Nhớ lại khoảng thời gian năm 2008, ông ngoại lâm vào cơn bạo bệnh, bà ngoại phải bán hết mấy mảnh ruộng, cộng thêm vay mượn khắp nơi để chạy chữa cho ông, nhưng cuối cùng vẫn không thể giữ được ông lại bên mình. Ngày ông mất, bà ngoại khổ lắm, một mình bà trong căn nhà lá liêu xiêu chịu tang chồng, mấy dì tôi thì lấy chồng xa, có thương bà nhưng chẳng thể làm gì hơn. Riêng mẹ tôi ở gần nhưng nhà nghèo nên cũng chỉ có thể lâu lâu xúc vài lon gạo bỏ vào chiếc cặp đi học để tôi mang lên cho bà.
Lo cho ông "mồ yên mả đẹp" thì thân bà cũng chồng chất nợ vay ngày ông đổ bệnh. Ngày đó còn nhỏ, tôi không nhớ là bao nhiêu nhưng bà phải đi làm cỏ mướn, hái trái cây... trong suốt 6 năm mới hết nợ. Thương bà cô đơn nên mẹ xin ba cho tôi lên ngủ với ngoại vào mỗi tối. Cứ chiều tan học là tôi lại tranh thủ đạp xe thật nhanh về nhà để kịp lo cơm nước, giặt bộ áo trắng để chạy lên hủ hỉ với bà. Hôm nào về sớm thì ăn cơm ở nhà, còn nếu trời tối nhanh thì mẹ lại bới cơm vào chiếc hộp cho tôi cầm theo.
Nhà tôi cách nhà ngoại chừng 2km đi qua một con đường đất, hai bên đường là cây lau sậy, thưa thớt nhà cửa. Ngày đó quê còn nghèo, đa phần người ta bỏ xứ lên thành phố làm công nhân, nên những căn nhà xập xệ, bỏ hoang lâu năm dọc con đường đó là nỗi ám ảnh của tôi mỗi lần về nhà ngoại. Biết tôi sợ nên lúc nào thấy trời tối là ngoại lại đợi sẵn ở khúc đường đó để đón cháu.
Vẫn nhớ như in những cái giỗ đầu của ông ngoại, dù ít tiền, thiếu thốn đủ thứ nhưng bà vẫn chắt chiu để ngày tưởng nhớ ông được đủ đầy, con cháu về thăm không phải thiếu thốn thứ gì. Trước đó ít ngày, bà tranh thủ giờ nghỉ trưa để cắt lá chuối phơi cho héo, chẻ lạt phơi nắng chuẩn bị gói bánh tét.
Trước giỗ ông ngoại một ngày, 3 giờ sáng bà đã dậy chuẩn bị gói bánh, tiếng cọc cạch ở nhà bếp cũng đánh thức tôi. Chuyện gì chứ tình làng nghĩa xóm ở miền Tây là khỏi phải bàn, lát sau là bà Bảy, bà Chín, bà Sáu… những người bạn già của ngoại tôi đốt đuốc (ngọn lửa được đốt bằng lá dừa phơi khô để chỉ đường) sang phụ việc gói bánh. Người thì vào nếp vô nhân, người thì buộc dây, bàn tay lão luyện mấy mươi năm làm dâu, làm vợ của các bà đã tạo ra hơn 50 đòn bánh tròn đều trông rất đẹp mắt. Từ sáng sớm, mấy cậu tôi sẽ bắc nồi nước lớn nấu đến chiều tối là bánh chín và được các bà treo thẳng tắp trên một thanh tre trong bếp.
Sau khi mâm cơm chiều ngày giỗ chính kết thúc, bà ngoại dọn bàn thờ ông, có bánh trái gì ngon là bà chia cho các cháu mang về. Riêng tôi ở với bà nên được chừa lại phần riêng. Đến hai, ba ngày sau lễ giỗ vẫn còn vài đòn bánh nhân đậu mỡ, tôi không ăn nổi vì ngán, phần vì để lâu nếp đã cứng. Thấy vậy ngoại mới cắt mỏng từng lát, bắc chảo dầu nóng lên chiên giòn để ăn với nước mắm pha chua ngọt, mớ diếp cá, rau thơm hái trước nhà.
Vừa ăn, tôi lại nghe ngoại dạy phải biết tiết kiệm, không được hoang phí hay câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” mà bà cứ nhắc mãi. Cũng là chiếc bánh tét để lâu ngày, nó không hư nhưng cũng đã khô cứng, nếu không biết linh hoạt trong việc chế biến, kết hợp với những thứ gia vị có sẵn thì lại hoang phí, bỏ đi một món ngon.
Sau tám năm ở với ngoại, đến năm thứ chín thì dì út về sống cùng, thấy bà đã có người chăm sóc nên mẹ tôi gọi về nhà. Nghe dì út kể, tuần đầu khi tôi trở về nhà, ngoại không ngủ được mà ngồi khóc cả đêm vì nhớ cháu. Tôi cũng nhớ bà, nhớ những giây phút hai bà cháu cùng nhau hủ hỉ trong căn nhà lá liêu xiêu. Nhưng ai rồi cũng phải lớn, phải rời xa những nơi thân thuộc để đi tìm ước mơ. Nhưng lời dạy của ngoại “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, tôi không bao giờ quên và áp dụng thì thấy mình dễ sống hơn dù ở thành phố đắt đỏ và bon chen.
Bình luận (0)