Tôi thường lấy mỗi thứ một chiếc, ngần ngừ ăn thử, xem có giống “vị miền Tây quê mình”. Thật sự, cũng có khi thất vọng. Bởi bánh không đủ độ mềm, độ béo “chuẩn vị”, hay bởi sự lạc lõng của món ăn ấu thơ dân dã ấy trong không gian máy lạnh rù rì?
Hễ cứ nhìn thấy cái chợ quê với mâm bánh trái miền Tây đầy màu sắc là lòng lại rộn ràng khó tả |
DUY TÂN |
Trong ký ức của tôi, một người con miền Tây xa xứ, thì bánh trái Nam bộ quen được ăn ở chợ, hàng quán đơn sơ, hay trong những cái đám “đãi bạn” buổi tối bập bùng tiếng đàn tiếng ca. Bánh được đặt trong những cái dĩa sành mộc mạc, hoặc trên mâm lót lá chuối xanh ngắt. Chứ dùng nĩa dùng khăn trang trọng, bàn ghế lót nệm trải hoa, thì có vẻ không hợp cho lắm, nhỉ!
Cô bạn thân của tôi, một lần đang chạy ngoài đường, bạn đột ngột rẽ vào lề, hí hửng la to: ơ bánh ống lá dứa kìa, lâu lắm mới thấy! Mắt bạn sáng rỡ trước món quà vặt có vẻ lạ lùng với bọn trẻ con lẫn người lớn thành phố. Thế nên, phải là “dân miền Tây chánh gốc” mới hiểu cảm giác, cả một trời tuổi thơ ùa về khi cầm trên tay mấy cái ống xanh xanh thần thánh ấy.
Đừng hỏi vì sao, người miền Tây dẫu đi nhiều nơi, nếm thử nhiều món, nhưng hễ cứ nhìn thấy cái chợ quê với mâm bánh trái miền Tây đầy màu sắc là lòng lại rộn ràng khó tả. Như gặp lại người thương, quen biết cũ, nói với nhau một câu ngậm ngùi kiểu ngôn tình rằng: đã lâu không gặp.
Bởi xa quê lên phố học hành, lập nghiệp, lòng chưa từng nguôi nỗi gắn bó đồng quê, cùng các loại bánh trái ngày mình còn bé. Bánh miền Tây chân chất hồn hậu, nguyên liệu đơn giản dễ tìm. Nhà mình hôm nay làm bánh (hoặc “gói bánh”) là câu nói vô cùng phổ biến, gần gụi, mà một đứa bạn nào đấy chung xóm chung trường từng kể ra với giọng tự hào, khoe khoang không giấu diếm.
Ẩm thực Nam bộ chẳng thể tách rời với chữ “bánh”. Nhiều loại bánh đặc sản miền Tây luôn là thứ hấp dẫn du khách khi ghé Đồng bằng sông Cửu Long. Về Châu Đốc có bánh bò thốt nốt, tới Sóc Trăng có bánh pía, cốm dẹp trộn dừa nổi tiếng. Qua Cà Mau, Bạc Liêu dứt khoát phải nếm thử chiếc bánh cóng giòn rụm, nóng hổi, chấm nước mắm chua ngọt, thêm dĩa bánh tầm bì “vừa mặn vừa ngọt”, vừa nước mắm vừa nước cốt dừa, hài hòa mê đắm. “Mang tiếng” đi miền Tây về mà không biết cái bánh ít, bánh tét là không coi được đâu nha!
Kể về bánh trái miền Tây thì… bao la nhé! Này là bánh cuốn (bánh ướt) ngọt với nhân đậu xanh bùi bùi, bánh đúc ngọt ăn kèm nước đường thắng kẹo lại, bánh lá mơ, lá mít, lá gai. Bánh chuối hấp nước dừa, chè chuối, chuối xào dừa, chuối nếp nướng hay chỉ đơn giản là chuối nướng nguyên trái nóng hôi hổi… là các món ăn tuyệt vời được chế biến từ chuối. Linh hồn của chúng có lẽ là thứ nước cốt dừa béo ngậy, vừa ngọt vừa thoảng chút vị mặn, thêm bột báng bột khoai vào nữa, thật ngon quên sầu!
Mỗi khi về quê Bạc Liêu, tôi dù bận bịu gì thì cũng phải ghé hàng bánh xèo bánh khọt ở cổng chợ Hộ Phòng cũ. Chẳng biết họ bán từ đời nào, nhưng khi tôi còn nhỏ, cho tới tận bây giờ, đã mấy mươi năm vẫn thấy mấy hàng bánh đó. Cứ cuối chiều là dọn ra, chưa bao giờ về mà chẳng gặp. Như một điểm hẹn với khách xa quê, bồi hồi nhớ hương vị xứ mình. Nghe nói chị em, họ hàng về quê, trong những lời hỏi thăm, sẽ luôn kèm theo câu nhắc: có kịp xuống chợ ăn bánh hay chưa chế?
Bây giờ, họa hoằn trên đường phố, bạn mới bắt gặp mâm bánh cam đường, bánh tai yến. Thậm chí có người còn chưa từng nghe tới cái tên này, phải không nào? Nhưng với người miền Tây, thì cảnh hóng mẹ đi chợ về, mở giỏ ra và vui mừng thấy có bánh cam hay bánh tai yến là hình ảnh cực kỳ quen thuộc. Đưa lên miệng cắn một miếng ngập răng, nghe vị đường giòn tan, thật là mê đắm.
Quà quê trên phố chỉ là ăn nhớ ăn thương, ăn ký ức, ăn kỷ niệm. Ăn để biết lòng mình rưng rưng... |
DUY TÂN |
Người ta yêu thích món ăn nào đấy, nguyên do chưa hẳn là hương vị. Mà bánh trái miền Tây sống mãi trong lòng mỗi đứa con xa nhà bởi “biết cách” khơi gợi ký ức ấu thơ. Bên ba má và mấy đứa em lố nhố. Những chiều mưa, trong chái bếp un đầy những khói, những chiếc lá chuối tươi chuối khô ngoài vườn, thau bột xắt sáng nay mẹ tự tay ngâm gạo rồi xay nhuyễn bằng cái cối đá nặng trịch, trái dừa khô tự xử bằng cái bàn nạo cổ lỗ sĩ… Ấm êm gia đình ngó nghiêng qua mâm bánh. Người miền Tây xa xứ rỉ tai nhau rằng, chỗ kia có bánh quê mình ngon lắm đó, đúng vị, y hệt bà Tám, bà Chi hồi bé bán. Tui mới phát hiện ra quán bánh xèo đúng chuẩn, thơm mùi cốt dừa, nghệ tươi và tép rong tanh tách đó nha…
Như một phần khắc khoải chẳng thể nào quên, của những ngày có buồn có vui, có má đi chợ, có dì Hai mua cho cháu ly sương sáo sương sa mát lạnh, có ba tan làm mang theo bịch bánh cóng nóng hổi, kèm theo mớ xà lách đúng điệu miền Tây, dài và mảnh lắm... Nên “dân miền Tây” chạm mặt bánh trái quê mình ở phố thị bỗng cứ nao lòng. Ngẫm về thời gian vùn vụt, bao nỗi đổi thay, hợp tan được mất trong đời.
Những đứa trẻ thế hệ phía sau, được sinh ra và lớn lên ở thành phố, xa lạ với những thứ bánh trái kỳ kỳ mà bà ngoại hay má chúng về quê mang lên. Chúng đã quen với pizza, gà rán, trà sữa… mất rồi. Cuộc sống bây giờ tủ lạnh luôn ăm ắp, trẻ con no đủ chẳng thèm thuồng gì. Người lớn sợ ngọt sợ béo sợ bệnh, tập ép bản thân vào thanh đạm, kiêng khem. Thế nhưng, người miền Tây khó tránh nổi cảm giác “thấy thèm” khi bắt gặp hình ảnh những thứ bánh trái quê kiểng. Quà quê trên phố chỉ là ăn nhớ ăn thương, ăn ký ức, ăn kỷ niệm. Ăn để biết lòng mình rưng rưng.
Như tôi, từng có lần đi làm về, thấy chùm bánh dừa nơi kệ bếp, giật mình hỏi ngay: có ai mới ở quê lên à? Như chút gì thảng thốt, thương thương, thật chẳng thể tách rời khỏi tâm hồn của một kẻ sinh ra và lớn lên ở miền Tây. Các món bánh quê quê hồn hậu ấy chính là một phần của quê nhà, nơi có cái sàn lãng nhìn qua bên kia sông, vài chiếc ghe chậm rãi xuôi ngược, khu nhà lồng chợ nơi những mối tình đầu hẹn nhau ra đó uống ly đậu đỏ bánh lọt, dai dẳng nhớ thương…
Bình luận (0)