Quê tôi (xứ Nghệ) nổi tiếng với ông đồ và con cá gỗ. Nghề dạy học đã ngấm vào máu thịt của nhiều thế hệ gia đình. Làng tôi, nơi sinh ra nhà trí thức cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu là một làng có rất nhiều người làm nghề giáo. Gia đình tôi cũng nằm trong số đó.
Toàn cảnh Mũi Cà Mau, nhìn từ đỉnh cột cờ |
Mai Thanh Hải |
Hai năm ở quê, tôi vẫn mơ được đi xa. Rồi Báo Lao Động đăng lời kêu gọi của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau khuyến khích sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy về Cà Mau công tác. Tôi nộp hồ sơ và thế là được về Cà Mau dạy học.
Cà Mau trong tâm trí tôi trước đó là “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm” (Nguyễn Tuân), là “… Đất nước tôi như một con tàu, mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” trong thơ Xuân Diệu, là hình ảnh thân thương trong Bức thư Cà Mau của nhà văn Anh Đức, là những rừng tràm, những con rạch đầy cá sấu trong những trang viết của văn Đoàn Giỏi, nhà văn Sơn Nam...
Một hành trình hơn nghìn cây số đưa tôi từ xứ Nghệ đến thành phố Cà Mau vào một buổi chiều. Tìm được nhà trọ, tôi đi dạo phố đêm Cà Mau và cảm giác đầu tiên của tôi là gió, gió mát rượi mang theo hơi nước dịu êm chứ không phải là cơn gió Lào khô khốc của quê tôi, xứ Nghệ.
Mấy ngày hôm sau, tôi cứ lang thang từ trung tâm thành phố ra đến ngoại ô. Những kênh rạch, những dòng sông, những con người lạ mà quen, nồng hậu và chắc khỏe như những con sóng, như phù sa màu mỡ. Những rừng tràm mênh mông và dạt dào sông nước. Tất cả cuốn hút tôi như chàng trai lần đầu biết yêu và được yêu.
Tôi về trường PTTH Thới Bình bên dòng sông Trẹm. Những hàng cây dọc đường ven sông từ phố huyện về trường êm dịu như tà áo học trò.
Cà Mau là miền đất mới nên người tứ xứ về đây lập nghiệp khá nhiều. Những con người ở nhiều miền quê ấy tụ họp thành một đặc trưng riêng chỉ có Cà Mau mới có. Giáo viên ở ngôi trường tôi dạy học, ngoài con em địa phương chiếm số đông thì những người ở tận Phú Thọ cho đến những con em người Ninh Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cùng nhau tụ họp. Xứ Nghệ quê tôi cũng có vài thầy vào dạy học từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Mỗi người một giọng nói nghe như dàn hợp xướng của nhiều nhạc cụ.
Khi đã quen với miền đất mới, tôi thường vào nhà dân chơi và kết bạn với họ. Một gia đình gần trường, anh chồng là người Thanh Hóa (tên Hướng), chị vợ là người Cà Mau (tên Hường). Họ có một người con mới khoảng chín đến mười tuổi. Gia đình coi tôi như người nhà. Ông cụ, thân sinh chị Hường đã hơn tám mươi tuổi. Cụ nói cụ là đồng đội cùng tiểu đoàn quân chống Pháp với bác Ba Phi. Cụ kể chuyện cười Ba Phi cho tôi nghe, từ chuyện mật ong rừng dẻo đến nỗi dính cả răng người bay ra khỏi miệng đến con rùa Cà Mau to đến nỗi người ta tưởng là cái xuồng nằm úp.
Có lần đang giảng bài say sưa thì mưa bất ngờ ào ào như tiếng máy bay thời chiến. Mái nhà lợp tôn càng nghe mưa như tiếng nhạc công gõ lên dàn trống. Tôi phải dừng buổi dạy để chờ hết mưa. Thầy trò im lặng nhìn ra ngoài trời chỉ thấy một màn mưa mịt mù như rừng rậm. Cảnh đó, cộng với những buổi chiều nhớ nhà nhìn dòng sông mênh mang nước, tôi không khỏi một cảm giác chơi vơi. Thầm nghĩ, cách đây hàng trăm năm, những người con đất Việt đầu tiên đến Cà Mau, trước hết, phần lớn vì kế sinh nhai mà xa nhà xa quê, chắc hẳn họ phải có một ý chí kiên cường và một sức mạnh vô cùng dẻo dai, bền bỉ thì mới có được một Cà Mau trên bến dưới thuyền như ngày hôm nay.
Chủ nhật, tôi theo anh bạn gần trường đi vào nhiều nhà dân chơi và ai cũng nhiệt tình mời tôi cơm rượu. Những ngôi nhà xa thị trấn mà phương tiện để ra phố huyện gần như chỉ là ghe thuyền. Họ chất phác và giản dị đến mức tôi cho là lạ lùng. Họ nói tôi thất tình khi tôi cứ ngẩn người ra nhìn kênh rạch.
Bùn đất Cà Mau quấn chân người đi như níu kéo người ở lại. Ra khỏi nhà, gặp những ngày mới mưa xong là bùn dính quần áo, dính chân tay và quệt lên cả mặt nếu không cẩn thận. Bùn đất Cà Mau nuôi cây lúa, nuôi cây tràm và nuôi sống nhiều người trước khi làm giàu cho họ. Tôi yêu bùn đất Cà Mau như yêu tuổi thơ tôi lặn ngụp trên cánh đồng làng.
Dạy học ở Cà Mau được một năm thì tôi về quê nghỉ hè. Về làng, có người hỏi chuyện tôi về đất và người Cà Mau khiến họ rất phấn khích mong một lần được đặt chân đến.
Rồi hè năm đó, cha tôi mất đột ngột ở tuổi ngoài bảy mươi mà em tôi thì đã lập thân xa nhà hơn nghìn cây số. Nhà chỉ còn hai mẹ con nên tôi đành phải nghe lời mẹ ở lại quê hương phụng dưỡng mẹ già và lo hương khói cho ông bà tổ tiên và người cha mới khuất.
Tôi đành xa Cà Mau. Tôi mang nợ Cà Mau như chàng trai lỡ hẹn với mối tình sâu đậm. Tôi nhớ những buổi chiều ngồi bên dòng sông Trẹm, gió thổi bay mái tóc và thổi hồn người bay khắp miền đất Thới Bình đẹp như cô gái trẻ.
Những ngôi nhà có một đặc điểm hiếm nơi nào có được: một bên là mặt đường bộ và một bên là mặt đường sông thuyền vút qua như cánh chim vượt gió.
Nhớ Cà Mau, nhớ Thới Bình, nhớ mái trường với những cô cậu học trò quý mến thầy mà nay chắc các em, hầu hết đều đã có gia đình. Nhớ đồng nghiệp yêu nghề và yêu trường như yêu gia đình của chính mình.
Bao giờ được trở lại trường xưa, bên dòng sông Trẹm để tôi nói một lời xin lỗi.
Bình luận (0)