Thương lắm Túy Loan

30/11/2020 08:00 GMT+7

“Ông tha mà bà không tha/ làm cho cái lụt hăm ba tháng mười”, câu ca dao truyền miệng của người Quảng Nam tôi gợi đến mùa lũ triền miên hằng năm trên mảnh đất nắng thì cháy da người, mưa thì thối đất ở quê tôi.

Trong cái khắc nghiệt của thời tiết ấy đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, nhưng đằm sâu trong ký ức của tôi là vào mùa lũ cùng với những hồi ức thân thương bên những người thân, và da diết nhất là hình ảnh những chén cơm mùa lũ giữa đất trời mênh mông nước.
Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Túy Loan, con sông hiền hòa xuôi dòng về cầu Cẩm Lệ hòa vào sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng. Làng của tôi là thôn Túy Loan, nằm gọn trong một thung lũng thấp của xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nên chỉ mưa vài ngày là lũ về. Khi lũ về người lớn có nhiều việc phải làm, ba tôi cùng mẹ lo bưng, bê, kê, dọn đồ đạc trong nhà lên gác để tránh ngập nước. Tạm xong việc, ba và mẹ tôi chèo ghe ra dưới chân cầu Túy Loan để chờ vớt củi từ thượng nguồn trôi xuống để dành làm chất đốt. Những bè củi theo dòng nước đục sùng sục lao qua húc vào chân cầu âm thanh răng rắc nghe thật ghê sợ nhưng ba mẹ tôi vẫn cho ghe vịn sát vào thân cầu, và đưa sào ra vớt củi, đứng trên bờ nhìn thấy cảnh ấy, tôi hồi hộp và lo cho ba mẹ lắm.
Ở quê tôi, mỗi khi lũ về nỗi lo của người lớn hiện lên trên ánh mắt. Lo vì nỗi hoa màu bị lũ cuốn trôi, lo vì nỗi cái đói rập rình… Ấy vậy với lũ trẻ chúng tôi chẳng mấy quan tâm đến điều đó, đây là cơ hội được vui chơi thỏa thích. Nước mới chớm vào vườn, anh em chúng tôi ra sau vườn chặt mấy cây chuối kết thành bè để đi bắt dế. Những con dế trú dưới hang khi nước vừa săm sắp mặt đất đã bò lên cành sắn và chỉ cần rung nhẹ, từng con lộp bộp rơi xuống, chúng tôi chỉ việc vớt lên cho vào thùng. Những con dế trông bụ bẫm tròn trĩnh rất ngon mắt. Món ăn khoái khẩu từ dế được mẹ tôi chế biến rất đơn giản. Chỉ cần bỏ phần đầu cho vào chiếc chảo lớn cùng với ít dầu phụng (còn gọi là dầu lạc - dầu được ép từ hạt đậu phụng) là đã có được một món dế thơm giòn, béo ngậy ăn hoài vẫn cứ mãi thèm.
Nước ngày càng dâng cao, anh em chúng tôi được người lớn đưa lên chiếc giường tre được kê cao. Ngồi trên giường khi ngoài kia mưa vẫn rơi, gió vẫn quét soàn soạt qua mái nhà tranh, hàng cây trong vườn mà lòng nao nao một cảm giác khó tả. Có những lúc lén ba mẹ, anh em chúng tôi lấy bè chuối ra bơi quanh vườn rồi bơi ghé ngang ngôi trường nhỏ Túy Loan của mình xem thử ra sao dưới bầu trời xám xịt cùng với làn gió quất qua mang theo những hạt mưa ràn rạt lạnh run người, môi đứa nào cũng tím ngắt, răng va vào nhau cập mà sao vẫn thấy vui. Tiếng gọi hớt hải của ba mẹ đã đưa chúng tôi về thực tại và đứa nào đứa nấy cũng lo về nhà với tâm trạng nơm nớp là sẽ bị đòn. Và có lẽ, cũng vì đã trải qua tuổi thơ như chúng tôi nơi vùng quê này, nên cha mẹ chỉ mắng, hăm dọa chứ không đánh. Nhưng ấn tượng trong tôi còn mãi đến bây giờ vẫn là chén cơm mùa lũ.
Những ngày lũ về chúng tôi rất mau đói bụng và mong chóng đến bữa ăn. Những lúc ấy, vừa thấy mẹ mang nồi cơm đến là chúng tôi nhảy phóc lên giường. Bữa cơm mùa lũ quê tôi thường rất đạm bạc. Giữa mâm là một bát mắm cái trộn ớt xanh, một rá rau đủ thứ hái trong vườn còn bốc khói, một đĩa dế xào chiến lợi phẩm của chúng tôi, một nồi cơm đất mà hai phần là sắn lát. Ba tôi vừa phát lệnh “ăn cơm đi”, chúng tôi đã lao ngay vào ăn. Chúng tôi và lấy và để những miếng cơm vào miệng với cảm giác ngon lành. Cha mẹ chúng tôi ăn cầm chừng nhìn con. Ẩn trong đôi mắt có cái gì đó vừa yêu thương vừa xót xa. Vừa ăn vừa đưa chân nghịch nước. Một cảm giác bâng khuâng khó tả đang xốn xang trong lòng, đó là mong lũ sớm rút đi để cha mẹ đỡ nhọc nhằn, vất vả, mặt khác cảm thấy tiêng tiếc vì thời gian được nghỉ học, nghịch nước sẽ không còn.
Bữa cơm với cái hương vị cay cay của ớt xanh, mặn mòi của mắm cái, cái bùi bùi của sắn khô, cái béo ngậy của những con dế bầu… Tất cả đã làm nên bữa ăn nhớ đời của chúng tôi vào những ngày mưa lũ. Giờ đây mỗi lần nghe đài báo lũ về miền Trung, lòng tôi se lại với bao kỷ niệm một thời ấu thơ ấu cùng với cái thôn nghèo Túy Loan yêu dấu của tôi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.