Cát in dấu chân cha chắc nịch, vạm vỡ, dấu chân mẹ lún sâu gánh nặng, dấu chân con bé nhỏ trưa muộn chạy ra đầu làng ngóng bà đi chợ về để được viên kẹo ú hay túm bỏng ngô. Cát cho chúng tôi củ khoai, củ sắn, bát cơm. Cát dưỡng nuôi tâm hồn lớp lớp người con quê hương xứ Lệ… Trên cát những chồi non mạnh mẽ vươn mình. Trên cát những hàng tre cần cù, kiên nhẫn đứng giữ làng, giữ xóm. Trên cát thuở ấy, những ngôi nhà tranh bình dị nối nhau thành làng, thành quê.
Ngày tôi còn bé, quê tôi là vùng còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình sống trong những ngôi nhà lợp bằng mái tranh, vách đất sét trộn rơm. Gia đình tôi cũng vậy. Mùa đến, ba mẹ vào rừng cắt những bó tranh to bự mang về phơi, có khi không đủ tranh thì mùa gặt, giống lúa thân dài được ba bỏ riêng để lấy rạ thay tranh, có nhà dùng cây rười phơi khô rồi bện thành từng tấm dài để lợp nhà. Nhà tôi mái làm bằng tranh còn chung quanh vách là những tấm liếp đan bằng tre dựng lại. Những ngôi nhà tranh quê tôi thường giống nhau, có một cửa chính và hai cửa sổ, phên cửa đều làm bằng tranh, cột vào vách, muốn mở thì dùng cây tre chống dựng lên, còn khi đóng thì rút cây tre ra, cài ngang qua sợi dây buộc.
Tôi nhớ như in những buổi ba mẹ ra đồng giao nhiệm vụ cho tôi ở nhà trông em, trước khi đi làm mẹ dặn đi dặn lại chị em tôi kỹ càng rằng không được lấy bật lửa ra nghịch, không được tự nhóm bếp nấu cơm. Dặn kỹ, nhưng mẹ vẫn sợ con trẻ mải chơi quên nên mỗi lần ra ngoài mẹ thường mang theo bật lửa dù thời ấy không phải là những chiếc bật lửa bằng gas dễ bật như bây giờ, đó là những chiếc bật lửa vỏ nhôm, ruột là một miếng bông gòn tẩm xăng, chất đốt là viên đá bé xíu dùng một thời gian hết lại mang cho bác thợ cuối xóm bỏ đá vào… rất khó dùng, đến cả mẹ tôi đôi lúc bật được lửa nấu cơm còn bị bong cả ngón tay cái.
Thời ấy chuyện cháy nhà là chuyện xảy ra thường xuyên trong làng. Trưa đang ăn nghe tiếng kêu nhà cháy, ba mẹ bỏ chén xách xô, xách thau chạy đi chữa lửa. Nhà tranh gặp trưa nắng, gió Lào thì bén lửa rất nhanh, chữa cháy xong cũng chỉ còn lại đống than đen ngòm. Cháy nhà, tiếc của nhiều bác gái cứ ngồi giữa sân, duỗi chân, xua tay kêu trời, kêu đất. Rồi thì làng xóm người có cây tre cho cây tre, có tấm tranh cho tấm tranh, mỗi người một tay dựng lại nhà cho nhau. Nhà tôi cũng một lần bị cháy nhưng may chỉ cháy xém một vách và chữa kịp.
Gia đình tôi sống trong nhà tranh cho đến năm tôi học lớp hai. Một trận bão đi qua và cuốn hết tất cả mọi thứ. Sau đợt ấy ba tôi quyết định dốc toàn bộ số tiền ki cóp được để xây nhà, mang tiếng là nhà xây nhưng chỉ có tường bằng xi măng, táp lô còn mái nhà thì vẫn lợp bằng tranh. Mãi cho đến năm tôi 17 tuổi gia đình tôi mới thay được mái tranh bằng mái ngói.
Quê tôi thời tiết vốn rất khắc nghiệt, mùa nắng thì nắng như đổ lửa. Mưa về thì mưa lấy mưa để. Lại thêm bão, lũ, nạn cát bay, lốc giông… Thương những ngôi nhà tranh lầm lũi dưới mưa, dưới nắng, chở che, bảo bọc cho con người suốt bao năm đất quê còn nghèo khó. Lớp tranh này hỏng được thay thế lớp khác, bão giật bão phá, bão đi rồi lại giúp nhau dựng nhà mới. Ấy thế mà tình làng nghĩa xóm đầm ấm, thắt chặt, gần gũi hơn.
Giờ này, quê hương đã đổi mới rất nhiều, những ngôi nhà cao tầng lần lượt mọc lên theo thời gian nhưng cứ mỗi lần đi xa về đặt chân xuống đầu ngõ vào làng, hít hà mùi khói bốc lên từ làng quê thân yêu thì ký ức xưa lại lần lượt hiện về. Rõ nhất, vẫn là hình ảnh những ngôi nhà tranh trên cát, sau rặng tre của làng quê mộc mạc, bình dị và yên ả!
|
Bình luận (0)