Hãng tin CNN trích bảng phân tích số liệu thương mại toàn cầu mà các chính phủ công bố, do hãng phân tích Panjiva thực hiện, cho thấy khối lượng thương mại toàn cầu chỉ tăng 0,1% trong tháng 6 so với cách đây một năm. Đây là mức tăng hằng tháng thấp nhất kể từ năm 2009.
“Chúng ta đã có một số dấu hiệu khá rõ ràng rằng thương mại toàn cầu đã chậm lại”, nhà phân tích nghiên cứu Chris Rogers tại Panjiva nói. Số liệu trên được công bố một ngày trước khi Mỹ đưa ra số liệu thương mại chính thức cho tháng 7.
Xuất khẩu của Mỹ hồi tháng 6 giảm 5% so với cách đây một năm. Cán cân thương mại nước này thì giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, theo dữ liệu điều tra dân số Mỹ. Một khu vực khác đang kéo thương mại thế giới đi xuống là Nam Mỹ. Tổng khối lượng giao dịch thương mại tại đây cũng hạ xuống trong tháng 6.
Đồng đô la Mỹ mạnh vẫn là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp Mỹ bán ô tô, máy tính và các sản phẩm khác ở nước ngoài. Nội tệ mạnh khiến sản phẩm từ Mỹ trở nên đắt hơn, ít hấp dẫn hơn trong mắt khách mua nước ngoài. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, nhu cầu yếu và tăng trưởng yếu ở một số nước đang phát triển cũng là những vấn đề dai dẳng đặt ra cho thương mại thế giới.
Không phải ai cũng bi quan về tình hình thương mại toàn cầu. Một cuộc khảo sát gần đây của American Express và Economist Intelligence Unit cho thấy 66% doanh nghiệp quốc tế tin rằng thương mại với Mỹ sẽ tăng trong vài năm tới.
Dù vậy, một trong những thách thức trước mắt là sự kiện Brexit, hay Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Brexit sẽ buộc Anh quốc viết lại một loạt thỏa thuận thương mại, có thể hạ nhiệt quan hệ thương mại giữa nước Anh với một số đối tác thương mại chính của họ tại châu Âu. Điều này sẽ tác động xấu đến kinh tế thế giới, vốn đang tăng trưởng với tốc độ “mong manh” theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
tin liên quan
Dân Mỹ sẽ mất vui nếu thương mại với Trung Quốc thay đổiNếu không có hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, người Mỹ sẽ chẳng có dịp Giáng sinh. Đây là nhận định trong bài viết của nhà báo Justin Fox.
Bình luận (0)