Thương mại toàn cầu lâm nguy vì Brexit

25/08/2016 08:16 GMT+7

Anh đang chuẩn bị tách ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) và cuộc ly hôn sẽ ảnh hưởng đến thương mại của nước này trên toàn thế giới.

Theo CNN, mỗi năm nước Anh xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm và dịch vụ có giá trị hơn 1.000 tỉ bảng Anh, tương đương 1.300 tỉ USD. Dưới đây là ba lý do vì sao Brexit, hay Anh rời EU, sẽ có ảnh hưởng đến thương mại thế giới chứ không chỉ gói gọn trong châu Âu:
Trước hết, với tư cách thành viên EU, Anh mậu dịch tự do với 27 nước thành viên còn lại. Dòng chảy hai chiều đó có giá 513 tỉ bảng, tương đương 680 tỉ USD trong năm ngoái. Giờ đây khi Brexit đang được tiến hành, hai phía EU lẫn Anh đều cần thỏa thuận mới.
Thay mặt cho các thành viên trong khối, EU giải quyết các thỏa thuận thương mại ưu đãi với 60 quốc gia khác, trong đó gồm Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lý do thứ nhì: nước Anh phải tìm kiếm mối quan hệ mới với các nước kể trên hậu Brexit.
Với phần còn lại của thế giới, chẳng hạn như Mỹ và Trung Quốc, quan hệ thương mại của Anh dựa trên các tiêu chuẩn toàn cầu được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giám sát. Từ đây xuất phát vấn đề cuối cùng: EU quản lý tư cách thành viên WTO của Anh.
Khi Brexit xảy ra vào năm 2019 hay sớm hơn thế, Anh cần nhấn nút “reset” cho tất cả các mối quan hệ bằng cách đàm phán lại nhiều điều khoản thương mại với EU, WTO và mọi đối tác khác. Quá trình này có thể mất vài năm. Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo cùng nhiều chuyên gia cảnh báo rằng đây không phải quá trình đơn giản.
“Các khía cạnh chính trong những điều khoản thương mại của EU không thể đơn giản là được cắt và dán sang cho nước Anh”, ông Azevedo nói hồi tháng 6. Thương mại sẽ không dừng lại nếu Anh rời EU mà không có ngay các thỏa thuận mới, song nó có thể đi chậm hoặc trở nên tốn kém hơn, có thể gây thiệt hại cho công ăn việc làm và doanh nghiệp Anh. Azevedo cho biết các nhà xuất khẩu Anh có nguy cơ mất thêm 5,6 tỉ bảng, hay 7,4 tỉ USD, mỗi năm cho thuế đánh vào hàng hóa. Con số này chưa tính đến tác động lên thương mại trong dịch vụ.
Những người vận động ủng hộ Brexit nói Anh sẽ có lợi từ việc thiết kế quy tắc thương mại riêng của họ, song nước này sẽ giữ lại được bao nhiêu phần tiếp cận vào thị trường châu Âu, dưới những điều khoản thế nào là hai câu hỏi quan trọng. Chính phủ Anh giờ đây cố gắng thuê hàng trăm nhà đàm phán thương mại từ giờ đến cuối năm để giải quyết các thỏa thuận mới.
Quốc gia châu Âu cũng đang cố gắng xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với những nơi như Ấn Độ và Trung Quốc. Thương mại với hai nước này đang còn tương đối nhỏ, chỉ là 72 tỉ bảng vào năm ngoái. Tuy vậy, Viện Nghiên cứu Tài chính mới đây cũng cảnh báo rằng ngay cả việc mở rộng giao thương mạnh mẽ với Trung Quốc trong 15 năm tới cũng chưa đủ để bù đắp nhiều mất mát trong thương mại với EU.
Sau EU, mối quan hệ quan trọng nhất của Anh là với Mỹ. Đây là quốc gia lớn nhất cho hàng xuất khẩu Anh khi họ xuất đến Mỹ 20% mỗi năm. Song trước cuộc trưng cầu dân ý Brexit, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo rằng một cuộc bỏ phiếu rời khỏi EU sẽ đưa Anh “về hàng sau” trong việc đàm phán thỏa thuận thương mại.
EU hiện đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ. Các cuộc đàm phán khởi động từ năm 2013 và sự phản đối đối với thỏa thuận đang tăng lên.

tin liên quan

Anh dời lại mốc đàm phán về Brexit
Tờ Sunday Times hôm 14.8 dẫn nguồn tin riêng cho biết chính phủ Anh muốn trì hoãn các cuộc đàm phán về việc nước này rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) đến cuối năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.